Xã Quảng Thọ (Quảng Điền – Thừa Thiên Huế) là vùng chuyên canh rau má thuộc hàng lớn nhất ở miền Trung với diện tích lên đến gần 50ha. Nghề trồng rau má và những cánh đồng xanh um ở đây đã mang đến cho người dân cuộc sống tương đối đủ đầy. Tuy nhiên, nếu chỉ trông vào vun xới rồi cắt bán hằng ngày cho thương lái, sẽ không nâng cao được giá trị cây rau má ở đây. Bởi vào những lúc thiên tai lũ lụt hoặc bị ép giá, người dân vẫn phải đổ bỏ thành đống hoặc làm thức ăn cho gia súc. Nhiều năm trước, cây rau má tại đây đã “lên đời” với sản phẩm Trà rau má.
“Trong nhóm có thành viên quê tại xã Quảng Thọ nên rất hiểu trăn trở của người dân ở đây là làm sao để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị cây rau má, mang về thu nhập cao và ổn định hơn, không bị phụ thuộc vào sức thu mua của thương lái. Vì vậy cả nhóm đã từ định hướng này để xây dựng ý tưởng nghiên cứu, sản xuất sản phẩm sữa rau má bổ sung tinh chất Isoflavone” (trưởng nhóm Đinh Thị Bích Phượng, ngành Công nghệ thực phẩm, trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) cho biết.
Ngoài Phượng, nhóm còn Nguyễn Bảo Long (ngành Quản lý công nghiệp), Lê Chánh Chí Tài (ngành Công nghệ Sinh học) và Nguyễn Thị Xuân Nhi (ngành Kỹ thuật Hóa học). Nhóm đã nghiên cứu để kết hợp rau má bổ sung Isoflavone thành sản phẩm sữa uống bổ dưỡng. Trong đó, Isoflavone là một nhóm chất phytoestrogen (estrogen có nguồn gốc từ thực vật), được tìm thấy chủ yếu trong cây họ đậu, là liệu pháp thiên nhiên, an toàn giúp cân bằng nội tiết tố cho phụ nữ.
Cả nhóm đã kết hợp các loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao là Đậu nành, hạt điều và nguyên liệu chính là rau má. Theo Bích Phượng, thuận lợi là nguồn nguyên liệu rau má tại Quảng Thọ phong phú và canh tác theo chuẩn VIETGAP, không gây ô nhiễm môi trường và hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, với sự giám sát của Hợp tác xã rau má tại đây, nên có thể đảm bảo nguồn và chất lượng đầu vào. Bên cạnh sản phẩm sữa, nguồn bã từ quy trình nấu sữa cũng được nhóm tận dụng để bón cho cây trồng và làm thức ăn gia súc.
“Bằng cách đó, dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân, tạo ra giá trị gia tăng cho rau má”, Phượng cho biết. Trong giai đoạn tiếp theo, các sản phẩm từ rau má sẽ ra đời tạo ra combo sản phẩm bắt nguồn từ rau má Quảng Thọ và tạo dựng riêng một thương hiệu riêng cho người dân nơi đây. Sự kỳ vọng lớn của toàn nhóm là đẩy mạnh kết hợp sản phẩm thuần nông nghiệp với phát triển du lịch bản địa.
Dự kiến, khi được hoàn thiện, dự án sẽ đưa sản phẩm “Sữa rau má bổ sung tinh chất isoflavone” hướng đến thị trường của khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế) để tận dụng lợi thế từ vùng nguyên liệu ở Quảng Thọ. Những năm tiếp theo, khi sản phẩm được khẳng định thương hiệu thì sẽ tăng cường quảng bá để hướng đến thị trường các đô thị lớn của cả nước như Sài Gòn, Hà Nội.
Tại Cuộc thi Hult Prize DUT, bước khởi động cho cuộc thi chung kết khu vực Đông Nam Á, dự án của nhóm đã chinh phục được các giám khảo không chỉ bởi ý tưởng mà còn ở tiềm năng tác động và hiệu quả xã hội.
Nguyễn Bảo Long chia sẻ thêm: “Nhóm vẫn đang trên đà nghiên cứu và phát triển sản phẩm của dự án và gặp nhiều khó khăn trong định hướng, nhất là kinh phí hoạt động còn rất hạn hẹp, không đủ để đầu tư cho dự án. Nhóm mong muốn có cơ hội tiếp cận các vườn ươm doanh nghiệp và hy vọng được học hỏi những kiến thức về kinh tế và công nghệ, có cơ hội kết nối với các cá nhân, tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Nếu được hỗ trợ ngay từ những bước khởi đầu, được tiếp sức kịp thời, nhóm có niềm tin dự án sẽ tiến sâu hơn ở vòng chung kết khu vực Đông Nam Á. Xa hơn, dự án được chuyển giao hay hiện thực hóa qua lộ trình khởi nghiệp, sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đầu ra một cách bền vững cho kinh tế nông nghiệp”.