Sinh viên nhận học bổng RMIT chung tay nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Ba trong số tám sinh viên vừa nhận Học bổng toàn phần - hạng mục học bổng danh giá nhất của Đại học RMIT Việt Nam – cùng chia sẻ mong ước cháy bỏng hỗ trợ các vấn đề sức khỏe tinh thần qua hàng loạt hoạt động mà các bạn khởi xướng và thực hiện suốt thời trung học cho đến bây giờ.

Unfold the V

Chủ tịch Unfold the V (tạm dịch: đưa ra ánh sáng những sự thật trần trụi ở Việt Nam) Đặng Hoàng Bảo Trâm đã tạo ra được tác động ý nghĩa khi dành ra hai năm trung học để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sức khỏe tinh thần.

Tân sinh viên ngành Digital Marketing RMIT Việt Nam nhớ lại: “Từ nhỏ tới lớn tôi chưa thực sự chứng kiến ai đó có vấn đề về sức khỏe tinh thần nên không bao giờ thật sự để tâm. Chỉ đến khi nhận được một lá thư ẩn danh gửi đến Unfold the V, trong đó người gửi tự trách cứ bản thân vì bị trầm cảm, tôi mới nhận ra tính chất phức tạp của các chứng bệnh tâm lý”.

Nhìn chằm chằm vào lá thư trên tay, cô gái trẻ sống ở TP. Hồ Chí Minh tự nhủ, “còn gì tệ hơn khi một người bị bệnh tâm lý tự căm ghét bản thân họ?”.

Khoảnh khắc đó khiến Trâm quyết định dành thời gian tìm hiểu sâu về trầm cảm.

Sinh viên nhận học bổng RMIT chung tay nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần ảnh 1

Đặng Hoàng Bảo Trâm nhận học bổng tại buổi lễ diễn ra ở cơ sở Nam Sài Gòn, RMIT Việt Nam, và mừng thành tựu của mình cùng với ba của bạn.

Trâm cùng nhóm điều hành Unfold the V đã lên kế hoạch và tổ chức một buổi diễn thuyết với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm cũng như các KOL (những người dẫn dắt dư luận) có tiếng tăm. Sự kiện thu hút được khoảng 300 khách tham dự với độ chủ động tương tác cùng diễn giả rất khả quan. Thành công của sự kiện còn khai sáng Trâm, cho cô thấy một hướng tiếp cận khác giúp duy trì độ tương tác và tham gia của những người ghé thăm trang Facebook của Unfold the V.

Trâm chia sẻ: “Tôi quan sát thấy các diễn giả dành phần lớn thời gian chia sẻ về những câu chuyện cá nhân mà khán giả thấy gần gũi, đồng thời lồng ghép kiến thức học thuật vào những câu chuyện ấy. Từ đó, tôi nhận ra rằng việc tạo ra một không gian an toàn để ai đó chia sẻ chính là nghĩa cử hỗ trợ tinh thần mà người đó cần”.

Và đến khi được bầu làm Chủ tịch mới của Unfold the V, Trâm đã điều chỉnh mục tiêu hành động của tổ chức mà mình sẽ dẫn dắt sang giúp đỡ mọi người thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực.

Blame Your Brain (tạm dịch: Tại não của bạn đó) đã ra đời từ đó. Đây là chùm truyện tranh ngắn vui nhộn được đăng hằng ngày lấy cảm hứng từ Beyond Blue (tạm dịch: Thoát khỏi nỗi buồn) – một tổ chức hỗ trợ sức khỏe tinh thần và phúc lợi ở Australia.

Sinh viên nhận học bổng RMIT chung tay nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần ảnh 2

Đặng Hoàng Bảo Trâm, sinh viên nhận Học bổng toàn phần Đại học RMIT Việt Nam, đã tạo ra tác động ý nghĩa khi dành ra hai năm trung học dẫn dắt tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi Unfold the V để nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần.

“Chỉ trong hai ngày, chùm truyện tranh đã gặt hái được thành công với gần 11.000 lượng truy cập và nhận được nhiều phản hồi tích cực”, Trâm phấn khởi chia sẻ. “Từ thành công bước đầu đó, tôi càng mong muốn tạo ra những mẩu truyện hấp dẫn hơn để có thể tiếp cận với nhiều cá nhân đang phải vật lộn với vấn đề tâm lý trong cộng đồng”.

Thành công này còn tạo cảm hứng giúp cô gái trẻ ứng tuyển học bổng để vào học tại RMIT, điều mà Trâm tin rằng sẽ cho cô hiểu biết chính xác và sâu sắc thông tin chi tiết về đối tượng mà cô đang nghiên cứu, cũng như nền tảng hoàn thành các mục tiêu tới đây trong cuộc sống.

Đom Đóm

Tân sinh viên ngành Khoa học ứng dụng (Tâm lý học) Lê Ngọc Linh Anh thấu cảm sâu sắc với áp lực mà các bạn trẻ đang phải đối mặt hiện nay.

“Năm học lớp 8, tôi bị chẩn đoán mắc trầm cảm”, Linh Anh chia sẻ. “May mắn thay, tôi có một người mẹ hiểu chuyện và hết lòng hỗ trợ tôi. Kể từ đó, tình trạng tâm lý của tôi đã chuyển biến tốt, cải thiện sự tự tin, và tôi bắt đầu khát khao cháy bỏng muốn hiểu thấu tâm lý con người và mong muốn giải quyết một thực tế không may là nhiều người trưởng thành ở Việt Nam xem nhẹ hiểu biết về sức khỏe tinh thần.

Linh Anh hứng khởi chia sẻ về Đom Đóm, một trong những sáng kiến của cô cùng một số bạn học sinh, sinh viên ở Hà Nội, với mong muốn gia tăng kiến thức cho cộng đồng về ba chủ đề chính: bản dạng giới, xã hội và nữ quyền.

Sinh viên nhận học bổng RMIT chung tay nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần ảnh 3

Lê Ngọc Linh Anh, sinh viên nhận Học bổng toàn phần Đại học RMIT Việt Nam, đã khởi xướng dự án Đom Đóm cùng một số học sinh, sinh viên tại Hà Nội, với mong muốn gia tăng kiến thức cho cộng đồng về ba chủ đề chính: bản dạng giới, xã hội và nữ quyền.

“Dẫu được khởi xướng trong khoảng thời gian giãn cách xã hội do COVID-19, sáng kiến vẫn thu hút 48 thanh thiếu niên tuổi từ 14 đến 20 tham gia, nhận được 1.500 lượt thích và 2.000 người theo dõi từ hoạt động đăng tải thông tin trên các kênh mạng xã hội, gồm Facebook và Instagram”, cô gái trẻ chia sẻ.

“Mặc dù gặp phải nhiều thử thách và vấn đề trong quá trình quản lý và phát triển dự án, sáng kiến cho tôi cơ hội học tập và tích lũy kinh nghiệm giá trị giúp tôi trưởng thành thành một lãnh đạo mạnh mẽ và có năng lực hơn”.

Điều này còn đưa Linh Anh đến với quyết định theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực tâm lý học. Nhằm chuẩn bị cho con đường học vấn tương lai, cô gái trẻ Hà Nội đã chủ động tham gia các khóa học trực tuyến từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới, trong đó có Nhập môn Tâm lý học và Tâm lý học tích cực, đồng thời tham gia các khóa phát triển tâm lý cho thiếu niên với tên gọi Lãnh đạo bắt đầu từ nội tâm: Lãnh đạo bản thân và Khám phá giới trẻ, do AIESEC tổ chức.

Sinh viên nhận học bổng RMIT chung tay nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần ảnh 4

Lê Ngọc Linh Anh nhận học bổng tại buổi lễ diễn ra ở cơ sở Hà Nội, RMIT Việt Nam, và mừng thành tựu của mình cùng với mẹ của bạn.

Linh Anh tin rằng, “hệ thống giáo dục và trang thiết bị tiên tiến của Đại học RMIT sẽ hỗ trợ hành trình học vấn của tôi”.

Mục tiêu của cô gái trẻ là trở thành một chuyên gia tâm lý thanh thiếu niên, cũng như mở phòng khám điều trị và tham vấn dành riêng cho thiếu niên gặp vấn đề tâm lý trên khắp Việt Nam. Nhờ có mục tiêu rõ ràng về việc sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp từ RMIT mà Linh Anh đã vinh dự nhận suất học bổng danh giá nhất, điều sẽ tạo nền tảng hết sức quan trọng cho sự nghiệp tương lai của cô.

TRẦM

TRẦM là dự án do tân binh ngành Truyền thông chuyên nghiệp Hồ Ngọc Yến Uyên khởi xướng, với mục tiêu giúp thế hệ trẻ thay đổi suy nghĩ về sức khỏe tinh thần. Mục tiêu cô gái trẻ hướng đến là xóa bỏ suy nghĩ lảng tránh vấn đề sức khỏe tinh thần và nuôi dưỡng sự thấu cảm với bệnh nhân trầm cảm.

Uyên từng bị sốc khi lúc nhỏ từng tình cờ biết một người gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần và điều này khiến cô gái trẻ tự hỏi: “Tại sao mọi người sẽ cảm thông và giúp đỡ một người bị chấn thương về thể chất nhưng sẽ chỉ trích một người gặp vấn đề về tâm lý?”

“Nếu nhận ra các dấu hiệu trầm cảm sớm hơn, liệu tôi có thể ngăn cản việc ấy không?”, Uyên nhớ lại.

Quyết tâm của cô gái trẻ chuyển hóa vào TRẦM, với khởi đầu thuận lợi thu hút 73 thành viên và 6.400 người hỗ trợ trực tuyến.

Sinh viên nhận học bổng RMIT chung tay nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần ảnh 5

Hồ Ngọc Yến Uyên, sinh viên nhận Học bổng toàn phần Đại học RMIT Việt Nam, đã khởi xướng TRẦM, dự án hướng đến xóa bỏ suy nghĩ lảng tránh nói về các bệnh tâm lý và nuôi dưỡng sự thấu cảm với bệnh nhân trầm cảm.

“Tuy nhiên, sau một năm, nhóm của tôi phải đối mặt với các bình luận tiêu cực trên mạng xã hội chỉ trích rằng dự án đang thổi phồng vấn đề lên”, Uyên chia sẻ. “Nhóm chúng tôi phải liên hệ với các nhà tâm lý học trị liệu để tham vấn và cuối cùng kết luận vấn đề chính ở đây là người ta không nhìn thấu được nỗi đau tinh thần của người bị trầm cảm, nên họ xem các hành vi liên quan tới trầm cảm là phản ứng thái quá”.

“Chính vì vậy, chúng tôi thử hình ảnh hóa những căn bệnh tâm lý qua triển lãm 3D nghệ thuật trực tuyến về trị liệu tinh thần, với hy vọng thuyết phục mọi người về sự tồn tại của những nỗi đau vô hình”.

Cách tiếp cận mới mà nhóm Uyên đưa ra đã thu được thành công với mưa lời khen từ 458 khách tham quan triển lãm trực tuyến. Họ nói rằng nhờ sự kiện này mà họ trở nên cảm thông và đưa ra hỗ trợ thích hợp cho bạn bè mình.

Từ thay đổi tốt đẹp này, cô gái trẻ Cần Thơ nhận ra tầm quan trọng của việc nâng cao hiểu biết sâu sắc về đối tượng khán giả mà mình nhắm đến.

“Điều này hướng tôi tới việc đào sâu tìm hiểu các nguyên lý truyền thông khác mà tôi còn chưa biết để đẩy mạnh dự án của mình hơn nữa”, Uyên chia sẻ.

Sinh viên nhận học bổng RMIT chung tay nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần ảnh 6

Hồ Ngọc Yến Uyên nhận học bổng tại buổi lễ diễn ra ở cơ sở Nam Sài Gòn, RMIT Việt Nam, và mừng thành tựu của mình cùng gia đình bạn.

Được trao cho cơ hội làm giàu kiến thức và kinh nghiệm về truyền thông, nghệ thuật và tâm lý học qua Chương trình Học bổng Đại học RMIT Việt Nam, Uyên tin rằng cô sẽ được chắp cánh để tiếp tục đưa sứ mạng của mình – một tương lai trong đó tiếng nói của những ai bị trầm cảm sẽ được lắng nghe và thấu cảm – vào cuộc sống, đồng thời lan tỏa thông điệp tới cộng đồng RMIT và xa hơn.

Đặng Hoàng Bảo Trâm, Lê Ngọc Linh Anh và Hồ Ngọc Yến Uyên nằm trong nhóm 101 sinh viên hiện đang theo học tại RMIT và sinh viên mới vừa nhận học bổng tại các buổi lễ diễn ra ở cơ sở Nam Sài Gòn và Hà Nội, RMIT Việt Nam. Trong khuôn khổ Chương trình Học bổng năm 2022, trường đã trao các suất học bổng với tổng trị giá hơn 48 tỉ đồng cho sinh viên Việt Nam và sinh viên đến từ các nước khác trên thế giới. Trong suốt 22 năm hoạt động tại Việt Nam, Đại học RMIT đã trao học bổng cho 1.600 sinh viên có thành tích xuất sắc, với tổng trị giá hơn 468 tỉ đồng.

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Các trường đại học đang cần bao nhiêu tiến sĩ?

Các trường đại học đang cần bao nhiêu tiến sĩ?

Năm 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển 40 ứng viên để đào tạo đạt trình độ tiến sĩ; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển 2 giảng viên học vị tiến sĩ; Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cần tuyển 9 tiến sĩ cho các lĩnh vực…