Trần Uyên Phụng (sinh năm 2005) hiện đang là sinh viên của trường Đại học Vinh. |
Trần Uyên Phụng (sinh năm 2005) hiện đang là sinh viên của trường Đại học Vinh. Mang đến mùa Tết sự hoài cổ, xen lẫn một chút hiện đại, bộ ảnh “Xuân” của Uyên Phụng nổi bật với áo dài ngũ thân – một nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của người Việt, được ra đời vào năm 1744, sau cải cách trang phục Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Áo dài ngũ thân là loại trang phục có cổ cao, thẳng và vuông tượng trưng cho sự chính trực của người quân tử. Áo dài có 5 nút làm bằng kim loại, ngọc, gỗ,… không giống nút bằng vải như sườn xám Trung Quốc, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, một thân con nằm trong tượng trưng cho mình (người mặc). Tính đến nay, áo dài ngũ thân đã có hàng trăm năm phát triển, không phân biệt tầng lớp, giới tính, độ tuổi.
Uyên Phụng nổi bật với áo dài ngũ thân – một nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của người Việt. |
Uyên Phụng chia sẻ: “Mặc dù ngày nay, có rất nhiều trang phục kiểu mới, cách tân, du nhập từ nhiều nền văn hóa khác nhau, được nhiều bạn trẻ yêu thích. Trải qua từng thời kỳ phát triển của lịch sử, không ngừng biến đổi, tuy nhiên áo dài ngũ thân vẫn bảo tồn được vẻ đẹp, nét dịu dàng, truyền thống của người Việt. Bên cạnh đó, mình còn thực hiện bộ ảnh này cùng với cành lựu, trong khung cảnh bình dị. Tất cả gom lại mang đến sự gần gũi, thân thương gửi đến mọi người”.
Áo dài ngũ thân là loại trang phục có cổ cao, thẳng và vuông tượng trưng cho sự chính trực của người quân tử. |
Được biết, năm nay là cái Tết đầu tiên của Uyên Phụng khi trở thành sinh viên. Chính vì vậy, sau một năm học tập, làm việc vất vả, đối diện với những áp lực của cuộc sống khiến con người ta phải sống vội vàng. Uyên Phụng lựa chọn đón Tết tại quê nhà Nghệ An, dành thời gian cho phép bản thân sống chậm lại và nhìn lại chặng đường đã qua.
Uyên Phụng chia sẻ: “Năm nay là năm đầu tiên mình được đón Tết với vai trò là một cô sinh viên. Cảm thấy bản thân đã trưởng thành hơn rất nhiều và thật tuyệt khi mình được hòa chung không khí đón Tết tại quê nhà. Mình nghĩ rằng, dù hiện đại hay truyền thống, dù hình thức đón Tết mỗi nhà có khác nhau đến đâu, nhưng giá trị thiêng liêng sum vầy bên gia đình ngày Tết vẫn luôn được coi trọng”.
Uyên Phụng mang đến mùa Tết sự hoài cổ, xen lẫn một chút hiện đại. |
Đối với Uyên Phụng, Tết được ví von giống như “ngày chúc mừng sinh nhật” của tất cả mọi người, khi câu nói “mừng thêm tuổi mới” được ông bà, cha mẹ, cô chú, con cháu dành tặng cho nhau. Chưa kể vào những ngày Tết, người lớn thường “lì xì” mừng tuổi cho các cháu nhỏ, với mong muốn các con mau ăn chóng lớn, học giỏi và ngoan ngoãn.
Việc đi lễ chùa đầu năm cũng là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống đã được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa màu sắc trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt. Theo quan niệm từ xưa, đi chùa là để thành tâm hướng về cõi Phật, cầu mong mưa thuận gió hòa, gửi gắm mong ước khỏe mạnh, hạnh phúc, mọi sự đều tốt đẹp. Chính vì vậy, người Việt Nam thường có tục đi lễ chùa đầu năm để thắp hương, viết sớ, cầu sức khỏe, bình an cho mọi người trong gia đình và những người thân. Du xuân, đi lễ chùa đầu năm diễn ra trong tâm thế đặc biệt khi các nghi thức dâng hương, tế lễ được thực hiện theo quy mô nhỏ với tâm linh thành kính, trang nghiêm.
Bước sang năm mới Giáp Thìn 2024, Uyên Phụng đã đặt mục tiêu chính mình sẽ cố gắng học tập thật tốt, khắc phục những lỗi sai mà bản thân đã mắc phải trong năm qua và hoàn thiện bản thân ở một phiên bản tốt nhất.
Bên cạnh đó, Uyên Phụng cũng muốn gửi lời cảm ơn đến mọi người đã quan tâm và luôn theo dõi cô bạn trong thời gian vừa qua. “Nhân dịp đầu xuân năm mới, mình xin kính chúc các bạn độc giả của báo Tiền Phong, cũng như tất cả mọi người trong và ngoài nước, một năm mới gặp được nhiều điều may mắn, vạn sự như ý, thành công hơn nữa. Chúc tất cả mọi người một năm dồi dào sức khỏe”, Uyên Phụng gửi gắm.
(Ảnh: NVCC)