Tết đầu tiên xa nhà của những du học sinh tuổi Tỵ

SVVN - Háo hức đi du học để khám phá những điều mới mẻ, du học sinh Việt vẫn không khỏi chạnh lòng trong lần đầu đón Tết xa nhà. Với các bạn sinh năm 2001, Tết Ất Tỵ càng thêm ý nghĩa khi là năm tuổi, mang theo nhiều kế hoạch và dự định ấp ủ.

Đi du học tại Đài Loan từ tháng 9/2024, Nguyễn Thị Bình (Serena Nguyễn), quê Hà Nội, đã nghĩ bản thân sẽ rất hào hứng khi ăn Tết xa nhà bởi mong muốn tìm hiểu văn hoá ở một nơi cũng đón năm mới Âm lịch giống Việt Nam. Nhưng càng đến ngày cuối năm, nhìn bạn bè xung quanh kéo vali về đoàn tụ gia đình, cô lại dậy lên cảm giác bâng khuâng.

“Có đêm vì nhớ nhà quá, mình vào tra các chuyến bay về Việt Nam mà không tìm được chuyến nào trong tháng 1 nên lại ngậm ngùi đi ra”, cô chia sẻ.

Tết đầu tiên xa nhà của những du học sinh tuổi Tỵ ảnh 1
Nguyễn Thị Bình (Serena Nguyễn) tại trường đại học ở thành phố Đài Bắc.

Bình kết thúc học kỳ đầu tiên của chương trình thạc sĩ Phát triển nguồn nhân lực quốc tế với học bổng Taiwan ICDF tại Trường Đại học quốc lập Sư phạm Đài Loan từ cuối tháng 12/2024 và sẽ bắt đầu học kỳ mới từ giữa tháng 2 này. Tuy nhiên, với mục tiêu nâng cao tiếng Trung nên cô đã đăng ký một khóa học tăng cường tại trường và có chín ngày nghỉ Tết theo lịch chung.

Trò chuyện với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong, Bình cho biết, khắp các con đường ở thành phố Đài Bắc nơi cô sống đều được treo đèn lồng, dán câu đối với sắc đỏ rực rỡ. Các dãy phố dài bày bán vô số bánh kẹo, hoa quả sấy khô, thịt sấy khô hay các loại bánh truyền thống.

Trong đó, náo nhiệt nhất là khu phố Địch Hoá, nơi chuyên buôn bán đa dạng mặt hàng Tết. Ở các chợ truyền thống như Jingmei hay các chuỗi siêu thị cũng tấp nập kẻ bán người mua. Hai tuần trước, cô đã đi chơi phố Địch Hoá, được thử nhiều món ngon và sắm câu đối Tết trang trí phòng.

Tết đầu tiên xa nhà của những du học sinh tuổi Tỵ ảnh 2
Không khí chợ Tết tại Đài Loan.

Khi biết học trò lần đầu đón Tết xa nhà, các giảng viên tại khoa đã mời cô đến ăn trưa và cùng du xuân. Các thầy, cô cũng lì xì sớm và tặng chocolate khiến cho Bình thấy rất xúc động. Bố mẹ, anh, chị và bạn bè thường xuyên trò chuyện qua mạng xã hội, động viên tinh thần để cô cảm nhận không khí Tết ấm áp qua màn hình.

Thậm chí, công ty và sếp ở Việt Nam còn gửi quà Tết và thiệp viết tay tận nơi. Những tình cảm chân thành ấy khiến cô vô cùng cảm động và biết ơn. Bình chia sẻ sắp tới cô sẽ đón giao thừa online cùng bạn bè ở Việt Nam. Dù đón Tết xa nhà, cô vẫn tự tạo niềm vui cho mình bằng những điều giản dị mà ý nghĩa.

Tuần vừa qua, Bình còn tự tay tổ chức một bữa tiệc Tết truyền thống Việt Nam để mời các bạn bè quốc tế đến thưởng thức. Sáng sớm, cô đã ra chợ mua sắm nguyên liệu rồi tất bật trở về nhà chuẩn bị. Dù chỉ có một chiếc nồi đa năng nhỏ, nhưng với sự khéo léo và quyết tâm, đến 6 giờ chiều, bữa cơm 4 món đủ màu sắc đã được hoàn thành để chào đón các bạn.

Tết đầu tiên xa nhà của những du học sinh tuổi Tỵ ảnh 3
Bữa tiệc nhỏ do chính Bình chuẩn bị mời bạn bè quốc tế.

Trước đó, vào giao thừa đón năm Dương lịch 2025, Bình và bạn bè đã hòa mình vào dòng người náo nhiệt, chiêm ngưỡng màn pháo hoa lộng lẫy tại tòa nhà Đài Bắc 101. Với niềm hân hoan đón năm mới, mọi người cùng cầu nguyện cho những điều tốt đẹp nhất. năm Ất Tỵ là năm tuổi nên cô càng thêm thành tâm gửi gắm những mong ước về một năm tươi sáng và nhiều may mắn.

“Đứng trước toà nhà 101 biểu tượng của Đài Loan, mình đã nguyện cầu cho một năm mới bình an, trưởng thành hơn và tìm được một công việc tốt. Đó cũng là lý do thôi thúc mình rời khỏi vùng an toàn của cuộc sống văn phòng ổn định ở Việt Nam để dấn thân xây dựng nền tảng mới nơi đất khách quê người”, Bình chia sẻ.

Năm nay, Lê Viết Hiếu, quê Thanh Hoá, cũng đón cái Tết xa nhà đầu tiên khi đang học thạc sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các Dân tộc Nga (RUDN). Du học theo chương trình học bổng toàn phần liên chính phủ Việt Nam - Liên Bang Nga giai đoạn 2024 - 2027, hiện Hiếu đang trong quá trình học tiếng Nga và làm quen với đất nước, con người xứ sở bạch dương.

Tết đầu tiên xa nhà của những du học sinh tuổi Tỵ ảnh 4
Viết Hiếu tại thành phố Moscow - thủ đô Liên bang Nga.

Hiếu cho biết, chương trình học ở trường không có lịch nghỉ Tết Âm lịch giống Việt Nam, việc học tiếng Nga cũng khá vất vả, lượng bài tập về nhà rất nhiều nên cậu ở lại trường đón Tết. “Những ngày giáp Tết, mình thấy rất nhớ nhà và không khí tất bật chuẩn bị đón Tết”, Hiếu tâm sự.

Hiếu chia sẻ, theo truyền thống hàng năm, mỗi ký túc xá có du học sinh Việt Nam đều tổ chức một bữa tiệc liên hoan nhỏ để đón Tết. Ngoài ra, còn có sự kiện lớn do Hội Sinh viên Việt Nam tại RUDN tổ chức, với sự chuẩn bị công phu và nhiều hoạt động như văn nghệ, trò chơi, tiệc buffet món Việt. Năm nay, tiệc tất niên có tên “Tết trọn vị” vừa diễn ra hôm 25/01/2025 (tức 26 tháng Chạp).

Tết đầu tiên xa nhà của những du học sinh tuổi Tỵ ảnh 5
Chương trình “Tết trọn vị” do Hội Sinh viên Việt Nam tại RUDN tổ chức.

Tại Nga, lễ hội quan trọng nhất trong năm là dịp năm mới. Theo Hiếu quan sát, năm mới ở Nga chủ yếu tập trung vào Tết Dương lịch (ngày 1 tháng 1) và lễ Giáng sinh theo Chính thống giáo (ngày 7 tháng 1). Người Nga đón năm mới với tiệc tối, cây thông, ông già Tuyết và rượu sâm panh. Năm mới ở Nga thường thời tiết rất lạnh, tuyết rơi dày, trong khi Tết Việt lại có gió xuân mang hơi ấm và mưa phùn nhẹ.

“Mình thấy rằng giao điểm trong cách đón năm mới của hai nước là đều hướng tới sự đoàn viên và hội ngộ của gia đình. Và dù đi xa đến đâu thì mỗi dịp năm mới, mọi người đều nhớ đến cái hẹn để trở về nhà”, Hiếu nhận xét.

Chàng trai 24 tuổi kể, điều nhớ nhất với cậu là khoảng thời gian sắm sửa để đón Tết, bởi trong tâm thức của cậu thì những ngày trong Tết trôi qua rất nhanh và đơn điệu với những hoạt động như ăn uống, hỏi thăm, chúc tụng cả ngày. Còn những ngày trước Tết dù tất bật, vất vả biết bao nhiêu nhưng lại là những điều mà đến lúc “Có ngọn khói trăm tàu/Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” thì Hiếu lại xao xuyến nhất.

Đó là khoảnh khắc dọn dẹp nhà, chạp mộ ông bà tổ tiên, sắm sửa cây đào cành mai, làm mứt ngào đường cùng mẹ để hong khô trên sân phơi đầy nắng, gói những chiếc bánh chưng xanh bên bếp lửa giữa một đêm miền Bắc mưa phùn, hiu hiu gió bấc. “Những công việc đấy dù nhiều năm cũng chỉ có vậy, nhưng đã trở thành giá trị nuôi dưỡng một tâm hồn Việt sống mãi trong mình”, Hiếu bồi hồi.

Tết đầu tiên xa nhà của những du học sinh tuổi Tỵ ảnh 6
Hiếu (ngoài cùng bên phải) và các du học sinh Việt tại chương trình “Tết trọn vị”.

Năm Ất Tỵ 2025 cũng là năm tuổi của Hiếu và đặc biệt hơn khi cậu được sinh vào giờ Rắn, tháng Rắn, năm con Rắn. Do đó, cậu rất háo hức để đón chờ một năm mới với những dự định mới và mong bản thân luôn cố gắng học tập tốt, gia đình luôn bình an, khỏe mạnh.

Đêm giao thừa năm nay, Hiếu đã hẹn một vài người bạn nấu bữa cơm tất niên, ngồi xem Táo Quân qua màn hình máy tính và gọi điện chúc Tết gia đình. Cậu cũng có dự định đi chùa đầu năm ở Moscow cùng các bạn sinh viên Việt Nam.

Ảnh: NVCC

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Yêu y học cổ truyền, nữ sinh Hưng Yên trúng tuyển học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc

Yêu y học cổ truyền, nữ sinh Hưng Yên trúng tuyển học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc

SVVN - Ký ức tuổi thơ lớn lên tại làng nghề trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai (Hưng Yên), Trần Kiều Anh ấp ủ ước muốn quảng bá làng nghề truyền thống địa phương phát triển vươn xa. Từ đây, cô nàng chăm học và chinh phục thành công suất học bổng từ trường ĐH Trung Y Dược Bắc Kinh, Trung Quốc.
Từ ý tưởng trên giảng đường đến giải Nhì cuộc thi ‘Bệ phóng khởi nghiệp sinh viên 2024’

Từ ý tưởng trên giảng đường đến giải Nhì cuộc thi ‘Bệ phóng khởi nghiệp sinh viên 2024’

SVVN - GypFoam là một dự án khởi nghiệp đầy tâm huyết của nhóm sinh viên trẻ, trong đó Lê Đức Tâm đóng vai trò trưởng nhóm. Xuất phát từ những trăn trở về vấn đề ô nhiễm môi trường và sự cấp thiết của vật liệu xây dựng bền vững, nhóm đã nghiên cứu và phát triển thành công một loại vật liệu tái chế mới, giúp tận dụng phế thải nông nghiệp và công nghiệp.
Hành trình bứt phá ngoạn mục từ con số 0 đến giấc mơ khởi nghiệp

Hành trình bứt phá ngoạn mục từ con số 0 đến giấc mơ khởi nghiệp

SVVN - Võ Lê Thảo Nguyên ( sinh năm 2002) tốt nghiệp Cử nhân Quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) và hiện theo học Thạc sĩ Tài chính tại Loughborough University, Anh Quốc. Không chỉ xuất sắc trong học tập, cô còn là gương mặt nổi bật trong cộng đồng khởi nghiệp trẻ, ghi dấu ấn với tư duy sắc bén và tinh thần tiên phong, chinh phục nhiều cột mốc đáng nể trên hành trình phát triển bản thân.
‘Chill’ vỉa hè lên ngôi

‘Chill’ vỉa hè lên ngôi

SVVN - Không trang trí lung linh, không điều hòa mát lạnh hay nhạc lo-fi du dương, chỉ với góc vỉa hè thoáng đãng, những quán trà đá vỉa hè vốn từng được xem là “bình dân” giờ đây bỗng hóa thành “chốn chill” đầy sức hút trong lòng đông đảo giới trẻ GenZ.
Hành trình tri ân trên đất Quảng Trị cùng Tiền Phong Marathon 2025

Hành trình tri ân trên đất Quảng Trị cùng Tiền Phong Marathon 2025

SVVN - Giải Tiền Phong Marathon 2025 là ngày hội thể thao và cũng là hành trình tri ân nhiều cảm xúc, khi hàng trăm vận động viên và Ban tổ chức cùng nhau viếng thăm những địa danh lịch sử: Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị. Mỗi bước chân dừng lại là một phút trầm mặc nhớ về những người con anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.
Hướng về Lễ Thượng cờ đặc biệt của Tiền Phong Marathon 2025

Hướng về Lễ Thượng cờ đặc biệt của Tiền Phong Marathon 2025

SVVN - Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong 2025 là một sự kiện thể thao uy tín, mang ý nghĩa sâu sắc khi được tổ chức tại mảnh đất Quảng Trị lịch sử. Trong khuôn khổ giải đấu, Lễ Thượng cờ trang trọng sẽ diễn ra vào sáng ngày 29/3 tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (tỉnh Quảng Trị).