Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động!

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Đại dịch COVID - 19 hoành hành khiến Nguyễn Hoài Thương (sinh năm 1995) cũng như bao người khác phải từ bỏ công việc nơi Hà Thành trở về quê khởi nghiệp cùng với bao dự định, kế hoạch và lo âu. Với nickname Thảo Nguyên Farmer, Hoài Thương đã sáng tạo video trên TikTok nhằm lan tỏa nét văn hoá, ẩm thực độc đáo mảnh đất Hà Giang thân yêu và nhận được đông đảo sự yêu mến đón nhận của mọi người.
Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 1

Nguyễn Hoài Thương sinh năm 1995, là cô gái dân tộc Tày của mảnh đất phong cảnh hữu tình Hà Giang.

Khởi đầu của tuổi trẻ là những khó khăn…

Khi nói về công việc thì mình vẫn nghĩ rằng "nghề chọn người". Trước đây mình có học tiếng Trung ở trường THCS nên đã có sẵn nền tảng kiến thức cơ bản. Lên đại học mình lựa chọn chuyên ngành Nông nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đến năm 4 đại học khi làm xong khóa luận thì mình quyết định đi học lại tiếng Trung. Thời điểm sau khi nhận bằng mình phải tạm dừng mọi công việc nửa năm vì sức khỏe yếu, thời gian hầu như quanh quẩn bệnh viện và đi học tiếng. Nửa năm đó chính là cơ hội để mình tập trung học tiếng.

Sau đó mình bắt đầu đi làm những công việc liên quan đến tiếng Trung như: Nhân viên bán hàng cho khách nước ngoài ở phố cổ, Phiên dịch tự do, Hướng dẫn viên tự do,... Có lẽ công việc mình gắn bó lâu nhất là nhân viên điều hành tour cho khách nước ngoài tại một công ty du lịch với thu nhập rất ổn.

Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 2

Hoài Thương trước khi về quê cô đã từng làm rất nhiều công việc liên quan đến tiếng Trung.

Sự kiện lớn khiến không chỉ mình mà còn tất cả anh em cùng hoạt động trong ngành du lịch và các ngành liên quan đến khách Quốc tế chính là thời điểm đầu năm 2020 khi Đại dịch COVID - 19 diễn ra, công việc dường như ngưng trệ hoàn toàn. Bởi vậy, mình phải về quê nửa năm và sau đó mới quay lại Hà Nội để làm việc trong ngành khác.

Trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp vì mong muốn được sử dụng ngoại ngữ nên mình đã quyết định đi làm lại với một công việc khác. Với sự cố gắng học hỏi và khả năng chịu được áp lực công việc được rèn luyện từ trước đó nên mình nhanh chóng có vị trí khá quan trọng. Mình cảm thấy may mắn khi mình làm bất cứ công việc gì luôn được đồng nghiệp quý mến, khi mình nghỉ mọi người cũng khuyên mình rất nhiều, nhưng mình vẫn đi đến quyết định nghỉ việc để nghỉ ngơi một thời gian.

Bản thân mình cũng từng có sự lưỡng lự bởi ở thành phố dù là công việc gì mình cũng có thể làm từ sáng đến đêm mà mọi người hay gọi đùa là “cày” đó. Thời gian hầu như dành cho công việc còn khi rảnh mình gặp bạn bè nói chuyện nên khi về quê tự nhiên cuộc sống “khựng” lại nên mình cảm thấy buồn, còn nuối tiếc thì không có vì mình tự nhận thấy đã sống hết mình, yêu hết mình và làm việc hết mình!

Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 3

Do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, Hoài Thương quyết định từ bỏ công việc yêu thích tại Hà Nội để trở về quê nhà khởi nghiệp từ nghề nông.

Khởi nghiệp nghề nông: Nên bắt đầu từ đâu?

Mình khẳng định rằng dự định ban đầu của mình không phải về quê khởi nghiệp từ nông nghiệp và làm đến đâu tính đến đó chứ không hề có kế hoạch trước. Chắc hẳn nhiều bạn cũng như mình 2 năm qua có quá nhiều biến cố, là do tình hình “ép” chúng ta phải có sự thay đổi chứ thật sự đang làm công việc yêu thích thì ai đâu nghĩ đến về quê làm vườn đâu.

Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 4

Tốt nghiệp ngành Nông nghiệp nhưng khi trở về làm thực tế, Hoài Thương không tránh khỏi những khó khăn và bỡ ngỡ ban đầu.

Trước đây mình luôn nghĩ rằng, còn trẻ phải phấn đấu kiếm thật nhiều tiền, phải bay nhảy, phải làm những thứ mình thích đến khi có tuổi rồi mới quay về quê làm một chiếc vườn nho nhỏ, hưởng cuộc sống điền viên hay các bạn thường hay nói là “trồng rau nuôi cá”. Hoàn cảnh khiến mình phải thay đổi, phải đẩy kế hoạch khi về già lên trước vì không thể để thời gian trôi qua vô nghĩa được, thế là mình bắt tay vào làm thôi.

Vườn của mình được cải tạo từ rừng tạp, về quê mình bắt đầu từ việc cầm dao đi phát, dọn quả đồi cỏ dại, dây leo mọc um tùm quá cả đầu người. Với mình khó khăn thì làm gì đi chăng nữa thì cũng có, mặc dù tốt nghiệp ngành Nông nghiệp nhưng khi mình bắt tay vào làm vườn có rất nhiều thứ vướng mắc như: Trồng cây gì, trồng thế nào, xen kẽ hay chuyên canh, chăm sóc ra sao, quản lý dịch hại thế nào,... khó khăn nhiều vô kể.

Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 5
Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 6

Chính vì không chủ đích về quê làm vườn nên số vốn mình tích lũy để đổ vào vườn cây không nhiều, mình không có đủ điều kiện để lắp đặt hệ thống tưới tiêu nên khi trồng cây, đến mùa khô mình phải vào các khe đá dẫn nước về vườn để tưới. Những ngày trời nắng nóng mình bắt đầu xách từng xô nước leo đồi tưới cây từ 17 giờ chiều, khi mặt trời sắp lặn đến khi trời tối mịt không nhìn thấy gì mới dừng. Còn nếu không tưới xong sáng hôm sau tiếp tục dậy từ 5 giờ sáng ra vườn tưới cây cho đến khi mặt trời mọc là dừng lại. Nói chung, mình rất áp lực đã từng có thời điểm nóng quá mình ngồi dưới gốc cây suy nghĩ và muốn bật khóc.

Những vấn đề như: cây chết, trồng dặm, bón phân sai, cây bị gia súc phá, cỏ dại, áp lực mùa vụ và nhiều thứ khác mà phải đối mặt với nó, sai đâu sửa đó và tiếp tục lao động, tiếp tục cố gắng. Trong suốt thời gian này mình phải tham khảo tài liệu trong và ngoài nước rất nhiều, cùng với đó là học hỏi những người bạn, anh em đồng môn, may mắn hơn nữa là các thầy cô đã từng chỉ dạy mình ở trường đại học cũng sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho mình.

Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 7

Cô bắt đầu lên ý tưởng thu hoạch và sản xuất sản phẩm nông nghiệp có nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Mình loay hoay tìm hướng phát triển cho sản phẩm nông nghiệp. Chợt nhận ra, bố mình vẫn uống trà hàng ngày, và mình được sinh ra lớn lên tại vùng nguyên liệu trà sạch, ý tưởng nảy ra trong đầu chính là phát triển những thứ có sẵn tại địa phương. Ngoài trồng cây ra thì mình bắt đầu chế biến Thảo Quả, Trà Shan tuyết cổ thụ và bước đầu có sản phẩm, trước tiên là cung cấp cho khách quanh vùng còn để đi xa hơn thì mình cần thêm thời gian và kế hoạch dài hơn.

Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 8

Sản phẩm trà Shan Tuyết sau khi Hoài Thương chế biến.

Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 9

Hoài Thương thu hoạch và chế biến thảo quả.

Lan toả nét đẹp văn hoá, ẩm thực của mảnh đất Hà Giang trên TikTok

Mình vốn là người rất yêu văn hóa dân tộc, ngay từ thời đi học mình và các bạn đã nhận biểu diễn, diễn xướng dân ca dân gian dù có thù lao hay không thì chúng mình vẫn rất thích. Qua các video ngắn mình muốn nhiều người hơn nữa biết đến nét đẹp không chỉ trong ẩm thực mà còn cả văn hoá Hà Giang nơi mình đang sinh sống.

Mỗi video của mình đều là xoay quanh cuộc sống của mình hàng ngày nên hầu như mình không viết kịch bản gì cả. Từ lúc bắt đầu làm video (tháng 10/2021) cho đến nay mình làm một mình với 2 thiết bị là điện thoại và 1 chiếc tripod trị giá hơn 100.000 nghìn VNĐ. Tất cả mọi cảnh quay, góc máy đều là do một mình mình tự làm, đặt tripod xuống và chạy ra chạy vào xem góc máy ổn rồi bấm quay, sau đó về nhà tự chỉnh sửa cắt ghép luôn, không có ai hỗ trợ cả và bản thân mình thấy một mình làm vẫn ổn.

Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 10

Tất cả mọi công đoạn từ việc đặt góc máy, nội dung quay, cắt và dựng video đều do một mình Hoài Thương thực hiện.

Đầu tiên mình không định bán đồ ăn trên mạng, nhưng qua kênh của mình có rất nhiều anh chị và các bạn liên hệ để đặt hàng nên đa phần đều là làm theo đặt hàng chứ không mang tính thương mại. Còn sản phẩm mình muốn thương mại hóa và phát triển chủ yếu vẫn là Trà.

Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 11

Kênh Tiktok Thảo Nguyên Farmer với những video có nội dung về nét văn hóa, ẩm thực tại quê hương Hà Giang nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo mọi người. Ảnh chụp màn hình

Khi rời thành phố về quê và bắt đầu làm vườn mình luôn cảm thấy rất áp lực, căng thẳng hơn cả chạy deadline, nhiều lúc không muốn nói chuyện với ai. Có thể mọi người thấy mình tiêu cực nhưng thật sự thời điểm ban đầu rất khó khăn. Mình cứ làm việc với tâm trạng như thế khoảng vài tháng, đến khi mình làm video để lên các nền tảng mạng xã hội và may mắn được các bạn ủng hộ mình mới thoát khỏi tình trạng đó. Bạn bè và gia đình cũng ủng hộ vì thấy mình vui hơn cũng nhờ đó mà mình có thêm nhiều người bạn. Hiện tại, mình chưa có kế hoạch phát triển chuyên nghiệp hơn cho kênh TikTok, với mình được mọi người luôn ủng hộ và động viên đó là niềm hạnh phúc lớn lao rồi.

Thảo Nguyên Farmer: Dù ở đâu thì bằng cách này hay cách khác chúng ta cũng phải lao động! ảnh 12

Bản thân mình chưa có thành công gì to tát cả nên cũng không đưa ra lời khuyên cho các bạn “có nên về quê khởi nghiệp hay không?” vì chính bản thân mới là người hiểu bạn nhất. Mình chỉ muốn thông qua bài viết này cùng những video trên kênh TikTok của mình để chia sẻ với các bạn rằng: “Dù có ở đâu thì bằng cách này hay cách khác thì chúng ta cũng phải lao động mà thôi, mà đã lao động thì sẽ có áp lực và căng thẳng. Vì vậy hãy bình tĩnh và suy nghĩ thật kỹ cũng như chuẩn bị trước khi quyết định các bạn nhé!”

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Nữ sinh tóc xanh Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đỗ học bổng toàn phần thạc sĩ châu Âu

Nữ sinh tóc xanh Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đỗ học bổng toàn phần thạc sĩ châu Âu

SVVN - Với mái tóc ngắn nhuộm nổi bật, Hoài Thu là cô gái ngành kỹ thuật đam mê học hỏi, khám phá và không ngừng tiến bộ. Chỉ trong ba năm đại học, nữ sinh USTH hoàn thành 180 tín chỉ, học thêm tiếng Pháp, đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ, đi trao đổi và thực tập tại Ý, trước khi giành học bổng thạc sĩ Erasmus Mundus.
500 đội viên, đoàn viên đồng diễn, xếp hình cờ hoa mừng 'Tết Độc lập' tại Nam Định

500 đội viên, đoàn viên đồng diễn, xếp hình cờ hoa mừng 'Tết Độc lập' tại Nam Định

SVVN - Đồng diễn, xếp chữ, xếp cờ hoa chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9 là hoạt động truyền thống hằng năm của các bạn học sinh tại Hải Hậu, Nam Định - một trong những địa phương 'ăn Tết Độc lập' lớn nhất cả nước với nhiều hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ quần chúng sôi nổi cả tháng.
Thế hệ trẻ và Ngày Quốc khánh

Thế hệ trẻ và Ngày Quốc khánh

SVVN - Ngày Quốc khánh 2/9 từ lâu đã trở thành một biểu tượng lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam, gắn liền với lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường và đoàn kết dân tộc. Đây là ngày để tưởng nhớ sự kiện trọng đại của đất nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua góc nhìn của thế hệ trẻ ngày nay, ngày lễ vừa là cột mốc lịch sử, vừa là dịp để họ khám phá, thể hiện tình yêu quê hương theo cách riêng.
Đồng hành cùng tân sinh viên tìm nhà trọ

Đồng hành cùng tân sinh viên tìm nhà trọ

SVVN - Năm học mới đang cận kề, việc tìm kiếm một chỗ ở an toàn và phù hợp kinh tế trở thành nỗi lo lớn và áp lực đối với nhiều tân sinh viên. Nhằm giúp giảm bớt nỗi lo, các trường đại học tại TP. HCM đã và đang đẩy mạnh chương trình hỗ trợ tìm phòng trọ, giúp tân sinh viên sớm ổn định để yên tâm học tập.
Thủ khoa Nông nghiệp với hành trình chinh phục học bổng toàn phần tại châu Âu

Thủ khoa Nông nghiệp với hành trình chinh phục học bổng toàn phần tại châu Âu

SVVN - Lê Thị Thùy Linh (24 tuổi) là cựu sinh viên ngành Công nghệ Sinh học (Chất lượng cao), từng tốt nghiệp thủ khoa Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đầu năm 2023, Thùy Linh nhận được học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ do Liên minh châu Âu tài trợ, trị giá hơn 1,2 tỷ đồng cho hai năm học tại Pháp và Tây Ban Nha.