Lê Huỳnh Đức tốt nghiệp cử nhân loại Giỏi, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Sau đó, Đức tiếp tục theo học Thạc sĩ Lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Anh MTESOL, chương trình liên kết đào tạo giữa trường ĐH Hà Nội và trường ĐH Canberra (Úc).
Thành tích học tập của Lê Huỳnh Đức:
- Học bổng Odon Vallet liên tiếp trong 10 năm liền.
- Học bổng Khuyến khích học tập của trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng).
- Học bổng Bang Hessen, CHLB Đức dành cho sinh viên trẻ xuất sắc.
- Học bổng của Đại sứ quán Mỹ cho khóa học “Professional Development for Teacher Trainers.”
- Học bổng của Cơ quan Giáo dục New Zealand cho khóa học “Digital and Collaborative Teaching and Learning Microcredential.”
- Học bổng trị giá 20.000 đôla của University of Auckland Vietnam Excellence Scholarship cho chương trình "Master of TESOL".
- Học bổng trị giá 13.000 Bảng Anh của Global Excellence Scholarships (University of Exeter, Anh Quốc) cho khóa "MEd of TESOL".
Với niềm đam mê ngoại ngữ, Đức có cơ hội tham gia công tác dịch thuật, biên/ phiên dịch tại các sự kiện quốc tế tổ chức ở Đà Nẵng, như lễ hội pháo hoa quốc tế, tháp tùng đoàn cấp cao của Tổng thống Ấn Độ đến Đà Nẵng năm 2018, tiếp đoàn bộ trưởng Thái Lan đến Đà Nẵng tham dự Hội nghị Cấp cao Bộ trưởng khu vực CLMVT 2017...
Huỳnh Đức (hàng đầu, thứ hai, từ trái sang) và các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm với Bộ Ngoại giao Nhật Bản. |
Đức nói: “Những sự kiện đặc biệt này giúp mình trau dồi những bài học và kinh nghiệm thực tiễn quý giá. Một trong số đó là quy trình lễ tân ngoại giao, đón tiếp các đoàn đại biểu cấp cao đến làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, mình cũng học thêm kinh nghiệm từ các anh chị đi trước về kỹ năng dịch thuật".
Đặc biệt, Huỳnh Đức còn là một nhà lãnh đạo trẻ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và được chính quyền các cấp ghi nhận. Anh đã nhận bằng khen từ Thành Đoàn Vinh (tỉnh Nghệ An) cho vai trò Bí thư xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, được Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) vinh danh.
Lê Huỳnh Đức có cơ hội tham quan tại trụ sở ASEAN Jakarta (Indonesia). |
Trên trường quốc tế, Đức đã đại diện Việt Nam tham gia nhiều sự kiện quan trọng. Năm 2021, anh là đại diện duy nhất từ Việt Nam tham gia Ban tư vấn cho Trẻ em và Thanh thiếu niên tại Ngày Thảo luận chung của UNICEF. Năm 2023, anh được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách làm trưởng đoàn lãnh đạo trẻ Việt Nam tham gia chương trình ngoại giao JENESYS “Youth Leaders Exchange” tại Nhật Bản. Tháng 11/2024, Đức chính thức trở thành đại biểu thanh niên của chương trình SSEAYP – Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản 2024.
Hành trình của Đức trên tàu Nippon Maru (SSEAYP 2024). |
Huỳnh Đức cho biết: “Hành trình mà mình ứng tuyển vào chương trình SSEAYP 2024 cũng khá chông gai. Mình biết đến chương trình khá trễ và cố gắng hoàn thành đủ hồ sơ và bài luận cho vòng đầu tiên. Sau đó, mình được ban tổ chức lựa chọn tham gia phỏng vấn vòng 2. Rất may, mình đều vượt qua khá tốt các câu hỏi của hội đồng tuyển sinh và giành tấm vé chính thức tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) lần thứ 48, năm 2024”.
Năm nay, đoàn Việt Nam gồm 15 đại biểu, thuộc nhiều độ tuổi và lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhưng thể hiện hình ảnh chung về những người trẻ Việt Nam giỏi giang, năng động, tiến bộ và đầy cống hiến. Với mong muốn mang đến diện mạo mới, đoàn đại biểu Việt Nam tham gia SSEAYP 48 (VPY48) lựa chọn chủ đề “Shining Viet Nam”.
Huỳnh Đức (ngoài cùng, bên trái) và các đại biểu thanh niên các nước tại SSEAYP 2024. |
Đức chia sẻ thêm: "Logo 'Shining Viet Nam' là sự kết hợp của những họa tiết thổ cẩm, hình tượng Mặt Trời và những màu sắc rực rỡ thể hiện hình ảnh Việt Nam với khát vọng vươn lên, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững, song vẫn đậm đà bản sắc và tinh thần dân tộc. Tại chương trình, mình có cơ hội trao đổi văn hóa và kinh nghiệm học hỏi những giá trị mới từ bạn bè quốc tế”.
Trong tháng Mười Một vừa qua, hành trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản đã đưa Đức và những người bạn cập bến tại TP. HCM (Việt Nam), Jakarta (Indonesia) và Tokyo (Nhật Bản). Trong chuyến hành trình này, các đại biểu tham gia nhiều hoạt động như dâng hoa tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đến Nhật Bản, Đức cùng đoàn đại biểu đến thăm hỏi và tặng quà lưu niệm cho đại diện chính quyền tỉnh Nara. Sau khi trở về từ chương trình, đoàn thanh niên Việt Nam đã thực hiện chương trình cộng đồng về giáo dục giới tính và kiến thức sinh sản cho các em học sinh tại trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Bắc Giang và các hoạt động thiện nguyện tại địa phương.
Huỳnh Đức tập huấn cho Làng trẻ em SOS Đà Nẵng về chương trình chăm sóc cho thanh thiếu niên trước khi rời chương trình chăm sóc thay thế. |
Ngoài tham gia các chương trình giao lưu quốc tế, Huỳnh Đức cũng dành tâm huyết cho dự án “Leaving Care – An Integrated Approach to Capacity Building of Professionals and Young People” do Làng Trẻ Em SOS Quốc tế thực hiện tại Việt Nam. Là một trong ba điều phối viên quốc gia của dự án, anh đã góp phần mang lại sự hỗ trợ quý giá cho hơn 1.200 trẻ em và thanh thiếu niên cùng những người chăm sóc tại 5 làng trẻ em SOS và đang tiến tới triển khai ở các làng còn lại trên cả nước.
Huỳnh Đức chia sẻ thêm: “Dự án nhằm cải thiện việc chăm sóc cho các thanh thiếu niên trước khi rời khỏi chương trình chăm sóc thay thế. Chương trình nhằm tập huấn nâng cao năng lực của các người chăm sóc, cũng như thiết lập và mở rộng mạng lưới các thanh niên trưởng thành rời chương trình chăm sóc (care leavers) ở Việt Nam”.
Khi đặt vấn đề Đức học chuyên ngành thiên về kinh doanh nhưng hiện tại lại gắn bó với công việc giảng dạy tiếng Anh, Đức tâm sự: “Từ nhỏ, mình đã thích làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng khi lựa chọn đại học, mình học ngành Kinh doanh quốc tế để có thể năng động hơn. Sau khi tốt nghiệp đại học, mình sống chậm lại và tự hỏi: “Mình là ai?”, “Sứ mệnh của mình đến với cuộc đời này là gì?”. Mình nhận ra, giáo dục chính là sứ mệnh của mình. Mình muốn cùng trao đổi và phát triển kiến thức. Từ những trải nghiệm đó, Đức đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên tiếng Anh, mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh thiếu may mắn khi tiếp cận với ngoại ngữ”.