Trong hai năm đầu sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm, thầy Ngô Mạnh Cường (sinh năm 1957) được phân công về công tác tại huyện Kim Bôi (Hoà Bình). Sau đó, thầy chuyển về giảng dạy tại trường THCS Sơn Công (Hà Nội).
Suốt 35 năm gắn bó với mái trường của vùng đất nghèo khó, thầy Cường là người hiểu rõ hơn ai hết về những vất vả, nỗi trăn trở của các gia đình khi lo cho con được ăn học. Đã có quá nhiều học trò từng được thầy cưu mang. Nhưng chỉ có một ít trong số đó khiến thầy không thể quên.
Vị giáo già nhớ lại: “Vào một ngày năm 2004, khi tôi đang đứng lớp, có một học trò tên là Nguyễn Thị Hòa xin phép về sớm để làm lễ cúng tuần cho mẹ. Nhìn cô học trò lớp 7 nhỏ bé, vẻ mặt khắc khổ, tôi không cầm được nước mắt. Sau này, tôi mới biết bố của Hòa đã mất khi đi đánh cá ngoài biển, hai mẹ con Hòa về Ứng Hòa sinh sống chưa được bao lâu thì mẹ em đột ngột qua đời. Thương hoàn cảnh côi cút của học trò nghèo, ngoài việc trích tiền lương hằng tháng của mình, tôi vận động người quen tài trợ để giúp Hòa có thêm kinh phí mua sách vở, quần áo, dụng cụ học tập.
Ký ức về người thầy giáo già trong chương trình “Thay lời tri ân” năm 2021, với chủ đề “Gieo mầm”. |
Với đồng lương ít ỏi, lại phải nuôi ba con song thầy Cường vẫn trích ra để hỗ trợ Hoà suốt 5 năm học, cho đến tận khi cô học trò tốt nghiệp lớp 12. “Sau khi tốt nghiệp THPT, Hòa học tiếp Trung cấp Dược, đến nay đã có công việc ổn định và lập gia đình. Sự thành đạt của học trò khiến tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc của mình”, thầy Cường cho biết.
Hay như trường hợp của em Nguyễn Thị Hiền, lớp 6B trường THCS Sơn Công. Hiền hiện sống với ông bà nội, bố và anh trai sau khi mẹ mất sớm. Ông bà của Hiền đều đã gần 80 tuổi nhưng vẫn ngày ngày phải chăm sóc con trai đang mắc bệnh nặng. Thương ông bà, Hiền từng nhiều lần muốn nghỉ học để phụ giúp gia đình. Nhưng nhờ sự hỗ trợ suốt nhiều năm qua của thầy Cường, từ mua sách vở đến tiền đóng học, Hiền đã giảm được gánh lo để chú tâm học hành. Không chỉ vậy, nhờ sự kêu gọi của thầy Cường, căn nhà nhỏ đã xập xệ của gia đình Hiền đã được xây mới khang trang với kinh phí 300 triệu đồng.
Ngay cả những học trò cũ, dù nay đã lập gia đình riêng, vẫn được thầy Ngô Mạnh Cường quan tâm, giúp đỡ. Đặc biệt là trường hợp của cháu Phạm Minh Duy (12 tuổi) bị bệnh nặng nhưng gia đình không đủ tiền thuốc thang chạy chữa. Mẹ của Duy chính là một trong những học trò cũ của thầy Cường. Mẹ của Duy đã tìm đến thầy nhờ giúp đỡ vì biết thầy giàu lòng thương người. Không quản ngại khó khăn, thầy Cường vẫn "gõ cửa" khắp nơi để kêu gọi các mạnh thường quân cứu giúp Duy. Nhờ thầy, gần 200 triệu đồng đã được quyên góp để cho Duy có tiền phẫu thuật.
Học tập tấm gương nhân ái của thầy Cường, nhiều đồng nghiệp gần xa và các thế học trò cũ của thầy đã thường xuyên làm việc thiện. Nằm nhân lên những tấm lòng vàng, tạo điểm tựa cho các học trò nghèo, thầy Cường đã tự lập nhóm “Chia sẻ yêu thương” với các thành viên chủ yếu là đồng nghiệp đang giảng dạy tại trường THCS và một số trường học lân cận. Nhiều học trò của thầy Cường, dù sinh sống ở xa quê, vẫn gửi tiền đều đặn nhằm hỗ trợ nhóm. Ngoài tiền, họ còn trực tiếp hỗ trợ các học trò nghèo ở quê hương bằng hiện vật như quần áo, sách giáo khoa, dụng cụ học tập.Chương trình "Thay lời tri ân" năm 2021 với chủ đề “Gieo mầm”, do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp Bộ GD - ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức, nhằm ghi nhận và tôn vinh các thầy cô khắp mọi miền Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh đã vượt khó đóng góp cho những thành công của giáo dục nước nhà.
Chương trình "Thay lời tri ân" năm 2021 với chủ đề “Gieo mầm”, do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ GD - ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức, nhằm ghi nhận và tôn vinh các thầy cô khắp mọi miền Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh đã vượt khó, đóng góp cho những thành công của giáo dục nước nhà.