Kể từ khi debut vào năm 2022, nhóm nhạc nữ thế hệ thứ 4, NewJeans đã nổi lên như vũ bão và phủ sóng khắp phạm vi toàn cầu. NewJeans được cho là mở ra cách tiếp cận thị trường âm nhạc độc đáo 'nhấn mạnh vào âm nhạc trước bất kỳ điều gì khác', đúng như mô tả của Billboard là "một rủi ro nhưng cuối cùng là tiếp thêm sinh lực" trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi phát hành MV cho đĩa đơn Attention trước khi ra mắt vào ngày 22/7/2022 như một bản phát hành bất ngờ, mà không có bất kỳ quảng cáo hoặc thông tin trước nào về đội hình của nhóm. MV đạt hơn 1,3 triệu lượt xem trong vòng chưa đầy 24 giờ.
![]() |
Theo tờ Korea JoongAng Daily, các công ty con của HYBE gồm ADOR và Source Music đã mang về doanh thu hơn 170 tỷ won (khoảng 127 triệu đôla) trong năm 2023. Theo đó, ADOR với nhóm nhạc nữ duy nhất là NewJeans, chỉ sau một năm ra mắt đã mang về 10,2 tỷ won (khoảng 7,2 triệu đôla). Đây là con số lớn đối với một nhóm nữ tuổi đời non trẻ như NewJeans. Năm 2024, NewJeans đem lại doanh thu hơn 61 tỷ won (khoảng 45 triệu đôla) và thu nhập ròng là 11 tỷ won (khoảng 8 triệu đôla). Cũng trong năm này, NewJeans là nữ nghệ sĩ K-pop duy nhất được liệt kê trong 'Danh sách sức ảnh hưởng của giới trẻ Hollywood năm 2024' do Variety, một tạp chí văn hóa đại chúng của Mỹ đề xuất. Ngoài ra, New Jeans còn được đề cử ở hạng mục 'K-pop xuất sắc nhất', với Super Shy tại 2024 MTV Video Music Awards, một lễ trao giải âm nhạc uy tín tại Mỹ. Họ đã cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình khi được đề cử cho lễ trao giải này trong hai năm liên tiếp.
![]() |
Trong suốt những năm hoạt động của mình, NewJeans đã ghi tên mình vào hàng loạt các bảng xếp hạng, giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Các thành viên nhóm luôn được mời làm đại sứ thương hiệu, người mẫu quảng cáo cho các hãng thời trang cao cấp, nhãn hàng nổi tiếng khác nhau. Nhóm được ca ngợi là nghệ sĩ đột phá của thập kỷ K-pop nhờ hình ảnh lấy cảm hứng từ Y2K, âm thanh pha trộn thể loại và quan hệ đối tác toàn cầu với các thương hiệu như Chanel và Coca-Cola.
![]() |
How Sweet trở thành bài hát thứ 11 của NewJeans đạt 200 triệu lượt phát trực tuyến trên Spotify, nâng tổng số lượt phát trực tuyến trên Spotify của tất cả các bài hát do NewJeans phát hành cho đến nay vượt quá 6,2 tỷ. How Sweet cũng được tạp chí Rolling Stone bình chọn là một trong ‘100 bài hát hay nhất năm 2024’ nhờ mức độ phổ biến trên toàn thế giới và tiếp tục di sản âm nhạc thử nghiệm mới mẻ và độc đáo của NewJeans. Tổng cộng NewJeans đã có 5 video tính đến năm 2024 với hàng trăm triệu lượt xem trên YouTube, sau MV phiên bản biểu diễn của Hype Boy và OMG, MV của Super Shy và video trình diễn của Ditto. |
Khoảnh khắc chuyển tiếp trưởng thành và tạm dừng cho tương lai
Sự biến mất của một nhóm nhạc toàn cầu đã làm dấy lên làn sóng tranh luận quanh câu chuyện tiết lộ về ranh giới quyền lực ngày càng mờ nhạt và bản chất mong manh của mối quan hệ nghệ sĩ - hãng thu âm trong cỗ máy nhạc pop có hệ thống nhất thế giới.
![]() |
Nhóm nhạc nữ gồm 5 thành viên gồm: Minji, Hanni, Danielle, Haerin và Hyein đã tạm ngừng hoạt động vô thời hạn vào tháng Tư, sau khi Tòa án Seoul phán quyết họ không được phép hoạt động ngoài sự giám sát của hãng thu âm ADOR. Phán quyết này đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc chiến kéo dài một năm giữa các thành viên nhóm, nhà sản xuất trung thành Min Hee Jin và công ty mẹ của ADOR, Hybe - nơi sở hữu những nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu như BTS và Seventeen. Mặc dù tòa án đã ra phán quyết có lợi cho ADOR, vụ kiện NewJeans vẫn tiếp tục diễn ra và phiên điều trần thứ hai được ấn định vào ngày 5/6. Trong phán quyết lệnh cấm ban đầu, tòa án đã bác bỏ tất cả 11 khiếu nại do NewJeans đệ trình làm căn cứ chấm dứt hợp đồng độc quyền với ADOR.
![]() |
Buổi biểu diễn Complexcon Hong Kong của NewJeans được tổ chức vào đêm 23/3 là một sự kiện ngắn, với chỉ 6 bài hát trong 1 giờ, nhưng đủ để cho thấy sự thay đổi về màu sắc của nhóm. Tại địa điểm này, NewJeans tuyên bố tạm dừng hoạt động.
![]() |
Tranh chấp pháp lý giữa các thần tượng K-pop và các công ty quản lý không phải là điều mới mẻ, nhưng điều khiến tranh cãi về NewJeans trở nên khác biệt chính là thông điệp công khai chưa từng có từ nhóm, sự thách thức trực tiếp của nhóm đối với một hãng thu âm lớn và vai trò gây chia rẽ của Min Hee Jin, người có sức sáng tạo lớn trong nhóm, người thường mô tả các thành viên của mình giống như con của cô ấy.
NewJeans: 'Quân bài' của Min Hee Jin trong cuộc chiến với Hype
Cuộc xung đột nổ ra vào năm ngoái khi Hybe báo cáo Min Hee Jin, khi đó là CEO của công ty mẹ ADOR với cảnh sát, vì bị cáo buộc âm mưu thâu tóm thù địch bằng cách làm giả cổ phiếu của công ty.
![]() |
Min Hee Jin đã phản pháo bằng một loạt cáo buộc công khai, tuyên bố Hybe đã có hệ thống làm suy yếu cô và tham gia vào hành vi đạo văn sáng tạo. Sau khi Min từ chức CEO, cô trở thành mục tiêu của vụ kiện phỉ báng do Belift Labs, một công ty con khác của Hybe đệ đơn kiện về những tuyên bố của cô.
![]() |
Là một giám đốc sáng tạo được kính trọng trước khi thành lập ADOR, Min trước đây đã làm việc với các nghệ sĩ K-pop hàng đầu như Girls' Generation và f(x), giúp định hình một số khái niệm mang tính biểu tượng nhất của thể loại này. Vị thế của cô trong ngành công nghiệp này càng làm tăng thêm sức nặng cho những bất bình của cô và cho lòng trung thành của nhóm. |
Tranh chấp lên đến đỉnh điểm vào tháng Tư năm ngoái, khi Min tổ chức một cuộc họp báo kéo dài 2 giờ, đầy lời tục tĩu và lan truyền trên YouTube. Vừa khóc, vừa thách thức, cô tự coi mình là sức mạnh thực sự đằng sau NewJeans và là nạn nhân của cuộc đấu tranh giành quyền lực của công ty trong Hybe.
Vào tháng 9/2024, NewJeans đã phát trực tiếp kêu gọi Hybe phục chức CEO của Min cho ADOR, gọi công ty này là "vô nhân đạo". Hai tháng sau, họ đưa ra tối hậu thư: "Đáp ứng yêu cầu của các thành viên trong vòng 14 ngày, hoặc phải đối mặt với việc hủy hợp đồng". ADOR không nhúc nhích. Nhóm đã đáp trả bằng cách đổi tên thành NJZ và ra mắt một tài khoản Instagram mới, động thái khiến hãng thu âm của họ bất ngờ và khiến tòa án phải can thiệp.
Theo nhà phê bình nhạc pop, Kim Sung Hwan, một thành viên của Ủy ban tuyển chọn Giải thưởng Âm nhạc Hàn Quốc: "Không có bằng chứng nào cho thấy hãng thu âm trả lương không công bằng hoặc đối xử tệ với các nghệ sĩ trong trường hợp này. Lập luận chính của NewJeans là Min Hee Jin đã bị sa thải một cách bất công. Nếu tòa án đứng về phía NewJeans trong trường hợp này, điều đó sẽ làm suy yếu khoản đầu tư vào ngành và gây bất lợi cho lĩnh vực K-pop". Các công ty như Hybe đổ hàng triệu đôla vào việc đào tạo, sản xuất và tiếp thị tài năng mới, nghĩa là các hoạt động thường bị ràng buộc vào hợp đồng dài hạn như một hình thức giảm thiểu rủi ro. Mọi chuyện đã khác đi nếu NewJeans gia hạn hợp đồng của họ, nhưng thực tế là họ chỉ hoạt động mới hơn 2 năm.
Lòng trung thành và sự mất mát
![]() |
Có nhiều ví dụ về những tranh chấp trong quá khứ giữa các thần tượng K-pop và công ty quản lý của họ. Nhưng điều khiến câu chuyện NewJeans trở nên bất ổn hơn chính là tính dễ tiên liệu của nó và thời điểm. Theo Kim Jeong Seob, giáo sư về văn hóa và giải trí Hàn Quốc tại ĐH Nữ sinh Sungshin thì hệ thống hợp đồng đã được quản lý chặt chẽ hơn trong hai thập kỷ qua: "Những ngày đầu của K-pop bị chi phối bởi hợp đồng nô lệ, với các thần tượng làm việc theo các điều khoản khắc nghiệt và sự giám sát tối thiểu. Nhưng khi K-pop trở nên công nghiệp và toàn cầu hóa hơn kể từ những năm 2000, các chuyên gia như luật sư, kế toán và chuyên gia quản lý đã tham gia vào ngành để tăng cường giám sát hệ thống".
Mặc dù vậy, vẫn còn những lo ngại rằng hiệu quả giống như máy móc của hệ thống K-pop phải trả giá bằng sự tự do nghệ thuật: "Cùng một khái niệm, cùng một phong cách, chạy theo xu hướng, và tất cả có thể bắt đầu trở nên mờ nhạt. Có rất nhiều tài năng, nhưng tôi nghĩ, người hâm mộ muốn thấy nhiều rủi ro sáng tạo, độc đáo hơn được thực hiện".
![]() |
Theo thước đo đó, NewJeans là ngoại lệ: "NewJeans bùng nổ trên sân khấu nhanh hơn bất kỳ nghệ sĩ nào trong lịch sử K-pop. Ngoài việc lập đủ loại kỷ lục, màn ra mắt của họ giống như một khoảnh khắc văn hóa tức thời. Không rõ liệu nhóm có thể tồn tại trong cuộc xung đột này hay không? Nhưng tranh chấp có thể thúc đẩy sự tự vấn giữa các nhà lập pháp Hàn Quốc và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Luật có thể được thắt chặt để cả hai bên trong hợp đồng pháp lý thực hiện nghĩa vụ của mình dễ dàng hơn. Trong khi lòng trung thành vẫn là đức tính nền tảng trong thế giới giải trí của Hàn Quốc, các công ty cũng cần phải trở nên thận trọng và nhân đạo hơn trong việc quản lý nghệ sĩ".
Cơ hội để mở ra một trang về nhân quyền thần tượng
Luật sư Seo Yeon Jang của Tổ chức Luật Nhân quyền vì lợi ích công cộng Gonggam đã chỉ trích quyết định của tòa án về việc bác bỏ lệnh cấm đối với các hợp đồng độc quyền của các thành viên NJZ: “Thần tượng cũng là con người trước khi họ trở thành thành viên của một nhóm nhạc cụ thể và họ nên có thể tự quyết định xem mình sẽ tham gia hoạt động nghệ thuật với ai. Nếu một công ty quản lý vi phạm những quyền cơ bản này, hợp đồng nên bị chấm dứt. Các thành viên New Jeans lên tiếng bảo vệ lẫn nhau và các giá trị mà họ tin tưởng là điểm khởi đầu để mở ra một trang mới về quyền con người của thần tượng”.
Ông giải thích: "Hầu hết các thần tượng đều chuẩn bị cho buổi ra mắt khi còn là trẻ vị thành niên và ký hợp đồng 7 năm theo sự chỉ đạo của công ty quản lý. Đây là cấu trúc mà họ ký hợp đồng trong suốt cuộc đời làm thần tượng trong 7 năm, không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ. Khi số tiền đầu tư tăng lên, khối lượng công việc và thời gian cần thiết cũng tăng lên. CEO Min Hee Jin và thành phần nhân sự đã bị thay đổi bất chấp mong muốn của các thành viên là sự thay đổi đáng kể đối với các điều khoản hợp đồng và cấu thành hành vi vi phạm lòng tin. HYBE tiết lộ tin nhắn cá nhân cho giới truyền thông, rò rỉ video thực tập và thông tin cá nhân của các thành viên NewJeans và thậm chí là cả sự kỳ thị người nước ngoài, thì việc NewJeans cảm thấy không an toàn tại công ty quản lý hiện tại là điều dễ hiểu. Việc ép buộc các hoạt động độc quyền với một công ty quản lý mà các thần tượng cảm thấy không an toàn là hành vi vi phạm quyền cá nhân của họ, và quyết định cấm hoạt động là hành vi hạn chế quyền tự do nghề nghiệp của họ".
![]() |
Nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng Yoon Il Sang cũng đã bày tỏ quan điểm của mình: "Hợp đồng không phải là trò đùa. Bạn không thể nói rằng bạn yêu một nghệ sĩ rồi lại đẩy họ vào nguy hiểm. Thật đáng xấu hổ khi họ đưa nghệ sĩ ra ngoài thực địa, thao túng và để họ nói về mọi thứ. Nghệ sĩ là phải tập trung làm nhạc. Đó là lý do tại sao họ cần có một công ty. Nhưng nếu họ thực hiện tất cả các cuộc phỏng vấn và làm rõ vị trí của mình, thì công ty tồn tại để làm gì?".