Chân dung nữ thủ khoa đầu ra Học viện Ngoại giao 2024. |
Hoài Linh tự gọi mình một cách hóm hỉnh là ‘người hướng nội ở Ngoại giao’. Cô bạn chia sẻ: “Mình có một khuyết điểm mà ai xung quanh mình cũng biết, đó là chứng sợ nói trước đám đông. Nhiều người sẽ thấy đây là nghịch lý khi mình chọn học Ngoại giao và đúng là yếu điểm này cũng khiến mình trượt kha khá các câu lạc bộ, cuộc thi ở vòng phỏng vấn. Mình học được nhiều từ những thất bại ban đầu đó để trở nên dũng cảm và tự tin hơn.”
Dấu ấn đầu tiên trong 4 năm đại học của Hoài Linh chính là chập chững bước vào năm nhất, cô bạn đã mạnh dạn thử sức tại cuộc thi “Đại sứ trong một ngày” do Đại sứ quán Bulgaria, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển tổ chức. Nữ sinh đã được lựa chọn trải nghiệm trở thành “Đại sứ” làm việc một ngày tại Đại sứ quán Hà Lan và đóng góp góc nhìn của người trẻ về vấn đề bình đẳng giới.
Hoài Linh chụp ảnh cùng Đại sứ Vương quốc Hà Lan Elsbeth Akkerman. |
Từ trải nghiệm đặc biệt đó, Hoài Linh cũng có thêm cho mình nhiều cơ hội thực tập tại các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế khác. Nữ thủ khoa cho biết: “Những cơ hội quý giá này đã cho mình các mối quan hệ rất chất lượng - là những người cho mình những lời khuyên, định hướng nghề nghiệp hữu ích và quan trọng hơn cả, họ là những người bạn mình ngưỡng mộ, tin tưởng và luôn sẵn sàng tâm sự, chia sẻ với nhau. Trên hành trình phát triển, mình chưa bao giờ phải đi một mình cả, mình cảm thấy biết ơn thật nhiều vì luôn được học hỏi từ những người xung quanh. Giống một câu nói mình khá tâm đắc: ‘If you are the smartest person in the room, then you are in the wrong room.’ (Nếu bạn là người thông minh nhất trong phòng, thì bạn đang ở nhầm phòng rồi.)”
Hoài Linh (áo vàng, bên trái) trong kỳ thực tập tại Đại sứ quán Hoa Kỳ. |
Với Hoài Linh, mỗi cơ hội làm việc ở một môi trường quốc tế có bản sắc văn hóa riêng biệt là một lần cô gái trẻ được học thêm về những vùng đất mới lạ và được mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết lẫn tư duy.
Cô gái trẻ luôn tận dụng tốt các cơ hội làm việc ở môi trường quốc tế. |
Tích lũy những kinh nghiệm này, khi được lựa chọn trở thành đại diện Việt Nam tham gia chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, Hoài Linh đã vận dụng kỹ năng giao tiếp liên văn hóa để kết nối với nhiều bạn trẻ trong khu vực ASEAN và Timor Leste.
“Mỗi người một tính cách, một chuyên môn, nhưng chúng mình luôn tôn trọng sự khác biệt đó và cùng chia sẻ những ý tưởng, khát vọng chung để tạo nên một cộng đồng gắn kết. Dù đã hơn một năm trôi qua kể từ chuyến đi này, chúng mình vẫn thường xuyên liên lạc, hẹn gặp nhau khi đi du lịch, công tác, đóng góp, chia sẻ về hoạt động mà bọn mình đang theo đuổi” - nữ sinh chia sẻ về trải nghiệm đáng nhớ của mình.
Hoài Linh (ngoài cùng bên phải) và các bạn trẻ tại chương trình YSEALI. |
Với những nỗ lực ấy, Lê Hoài Linh đã có cho mình bảng thành tích đáng ngưỡng mộ có thể kể đến như: Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka, Giải thưởng AmCham Runners-Up, Học bổng Nguyễn Cơ Thạch của Học viện Ngoại giao...
Nữ sinh nhận giải thưởng AmCham Runners-Up của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam. |
Bước chân vào trường cấp 3, Hoài Linh là Thủ khoa đầu vào của lớp Chuyên Anh 1, trường THPT Chuyên Trần Phú. Bây giờ, nữ sinh một lần nữa xuất sắc trở thành Thủ khoa đầu ra của Khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, đồng thời là Thủ khoa đầu ra của toàn Học viện Ngoại giao năm 2024. Nữ sinh xúc động chia sẻ: “Danh hiệu này là một dấu chấm kết thúc trọn vẹn quãng đời học sinh, sinh viên của mình.”
Một số thành tích tiêu biểu:
- Thủ khoa đầu ra Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao;
- Một trong 45 đại biểu tham gia Bàn tròn thanh niên về Quản trị khí hậu - Youth for SDG 16 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức;
- Một trong 5 đại biểu Việt Nam tham gia Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) kỳ Thu năm 2023 về chủ đề Môi trường do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức;
- Học bổng Nguyễn Cơ Thạch hạng Nhì của Học viện Ngoại giao;
- Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Học viện Ngoại giao; Thanh niên tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên cấp Học viện; Sinh viên 5 tốt cấp Học viện;
- Giải thưởng AmCham Runners-Up của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam;
- Giải Khuyến khích Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 24;
- Giải thưởng Đại biểu xuất sắc tại Hội nghị Mô phỏng Ngoại giao do Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức;
- Đại sứ “Một ngày vì bình đẳng giới” tại Đại sứ quán Hà Lan.
(Ảnh: NVCC)