Trưởng nhóm Nguyễn Hoàng Phước cho biết, là người sinh ra lớn lên ở Ninh Thuận nên bạn rất hiểu từ đời sống đến khí hậu, con người và những khó khăn của quê nhà, trong đó có các trường học của học sinh ở các huyện.
Nhóm quen biết với thầy Lê Văn Tuấn, giáo viên tại Trường Tiểu học Phước Tân A ( huyện Bác Ái, Ninh Thuận) và biết được các học sinh tại đây đang phải học tập trong môi trường rất nhiều khó khăn. Ở xã này, học sinh đa phần là con em dân tộc thiểu số, tỉ lệ trẻ em đến trường rất ít, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học thiếu thốn mọi thứ.
Đúng vào lúc cả nhóm đang làm đồ án thực hạnh môn “Môi trường và Kiến trúc bền vững”, cả 3 lên ý tưởng thiết kế ngay một không gian học tập và sinh hoạt phù hợp với trường Phước Tân A.
Nhóm tác giả của "Mật ngọt". |
Yêu cầu đặt ra là công trình phải giải quyết vấn đề sinh hoạt cho cộng đồng học sinh, sử dụng hoàn toàn nguyên vật liệu thân thiện, tốt nhất là vật liệu có sẵn tại địa phương. Theo Hoàng Phước, lên ý tưởng và thiết kế không khó bằng việc đi thực tế và tìm kiếm vật liệu phù hợp trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, giãn cách ở nhiều địa phương. Cả nhóm phải làm việc trực tuyến là chủ yếu. Mất đến 4 tháng, mọi việc mới hoàn tất.
Nhóm sử dụng phương pháp Bioclimatic (sinh khí hậu) trong việc thiết kế. Bioclimatic giúp công trình hài hòa với môi trường tự nhiên và khí hậu địa phương, đảm bảo các điều kiện về tiện nghi nhiệt bên trong công trình. Tận dụng tối đa không khí tự nhiên vào mùa khô, sử dụng các vật liệu bảo vệ mặt tiền khỏi thấm nước trong mùa mưa. Kết hợp nguyên liệu sẵn có và vật liệu xây dựng để tiết kiệm chi phí, không gây ra quá nhiều ô nhiễm.
Phối cảnh Thư viện "Mật ngọt" của nhóm sinh viên ĐH Bách khoa TP. HCM. |
“Mật ngọt - Thư viện cho trẻ em vùng núi“ có kết cấu bê tông lắp ghép đơn giản. Tường là hỗn hợp xi măng, cát và rơm băm nhỏ. Mái cách nhiệt bằng trấu trộn với tảo cát. Cửa làm bằng mây tre và gỗ đã qua sử dụng.
Không gian bên trong được chia làm 2 khu chứa sách và sinh hoạt. Khu vực chứa sách gồm 4 kệ gỗ có thể chứa 200 đầu sách, có lối đi giữa các kệ. Không gian sinh hoạt nằm ở trung tâm thư viện, được trang bị những dãy bàn dài kèm ghế ngồi với chiều cao phù hợp nhằm giữ đúng tư thế ngồi cho các bạn nhỏ. Không gian còn có thể sử dụng trong các hoạt động ngoại khóa của học sinh.
Không gian bên trong thư viện được làm từ những vật liệu sẵn có, thân thiện môi trường. |
Hoàn thành xong thiết kế, nhóm mang “Mật Ngọt - Thư viện cho trẻ em vùng núi” dự thi INSEE Prize, cuộc thi thường niên nhằm tìm kiếm những ý tưởng xây dựng bền vững và bảo vệ môi trường của sinh viên và giành giải Nhất. Niềm vui lớn hơn cả là dự án của các chàng trai ĐH Bách khoa sẽ được thi công thực tế tại điểm trường Đá Trắng của trường Tiểu học Phước Tân A, toàn bộ kinh phí xây dựng sẽ được tài trợ.
Theo TS Lê Thị Hồng Na – giảng viên ngành Kiến trúc (Khoa Kỹ thuật xây dựng – ĐH Bách khoa TP. HCM) , người đã theo sát cả nhóm trong suốt quá trình thực hiện dự án, cho biết, tại Trường ĐH Bách khoa, ngành Kiến trúc được đào tạo theo định hướng kiến trúc bền vững và sinh viên có rất nhiều cơ hội tiếp cận thực tiễn. Môn học 'Môi trường và kiến trúc bền vững' được áp dụng các phương pháp học tập chủ động (Active Learning) và dựa vào dự án thực tế (Project-Based Learning). Thông qua môn học này, sinh viên được trang bị kiến thức về các vấn đề môi trường toàn cầu và các nguyên tắc thiết kế kiến trúc bền vững, công trình xanh. Điểm nổi bật của dự án là tính khả thi vì quy mô nhỏ, sử dụng nhiều vật liệu sẵn có tại địa phương và truyền tải được thông điệp môi trường.
Khu chứa và đọc sách cho học sinh của thư viện. |
Theo nhóm, “Mật ngọt” lấy cảm hứng từ cách người Do Thái dạy trẻ em yêu thích sách bằng cách nhỏ những giọt mật lên trang sách và cho trẻ em nếm, người lớn sẽ nói cho trẻ biết sách là món ăn ngọt ngào. “Nhóm muốn mang một thứ mật ngọt như vậy đến với các trẻ em ở nơi khó khăn này. Mong muốn của nhóm là dự án sẽ không chỉ dừng lại ở điểm trường Phước Tân A mà sẽ có thêm nhiều thư viện “mật ngọt” khác được xây dựng để đem đến môi trường học tập cho trẻ em”, Phước cho biết.