Để chuẩn bị cho tọa đàm, Ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn đã tiến hành một cuộc khảo sát toàn diện. Ban Tổ chức đã thu thập số liệu từ 65 tỉnh, thành Đoàn và lấy ý kiến từ hơn 80 cán bộ Đoàn trường. Đồng thời, một nghiên cứu xã hội học đã được thực hiện với 126.394 câu trả lời từ đoàn viên trên toàn quốc. Kết quả, Ban Tổ chức đã tổng hợp được hơn 170 bài tham luận để phục vụ nội dung thảo luận.
Thủ lĩnh sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
Theo báo cáo, chi đoàn trường THPT chiếm tỷ lệ cao nhất, với 56% tổng số đoàn viên, nhưng sinh hoạt chi đoàn ở đây vẫn còn mang tính hình thức và chưa đồng đều về chất lượng. Đối với sinh viên tại các trường đại học, mặc dù hình thức sinh hoạt khá phong phú, nhưng việc duy trì tần suất gặp gỡ gặp khó khăn do lịch học linh động và không gian sinh hoạt hạn chế. Trong khi đó, khối đoàn viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ chiếm 5% tổng số đoàn viên, gặp khó khăn do nhiều người vừa học vừa làm, khiến thời gian tham gia sinh hoạt chi đoàn trở nên hạn chế. Các chi đoàn giáo viên và giảng viên trẻ cũng gặp thách thức do lịch trình công tác bận rộn, dẫn đến việc thiếu tính kế thừa trong các hoạt động của chi đoàn.
Với hơn 3 triệu đoàn viên, chiếm gần 60% tổng số đoàn viên cả nước, hệ thống đoàn trong khu vực trường học phải đối mặt với thách thức duy trì chất lượng hoạt động giữa các nhóm đoàn viên có điều kiện và nhu cầu sinh hoạt khác nhau. Các yếu tố từ chương trình giáo dục phổ thông mới, chính sách tự chủ đại học và chương trình hướng nghiệp đã tác động mạnh mẽ đến sinh hoạt chi đoàn, đòi hỏi cần phải đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức và vai trò của các cán bộ đoàn.
Tọa đàm "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn trong khu vực trường học", hứa hẹn sẽ trở thành một diễn đàn hiệu quả, nơi các chuyên gia, cán bộ Đoàn và đoàn viên có thể cùng nhau thảo luận và tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong sinh hoạt chi đoàn.