Học phí không ngừng tăng
Nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế học phí cho học sinh, sinh viên giai đoạn 2021 – 2025 có hiệu lực từ năm 2021. Nhưng đến nay chưa triển khai do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, từ năm nay, dự định sẽ áp dụng mức học phí mới, tuy không tăng cao đột ngột theo lũy tiến cộng dồn 3 năm nhưng cũng là 2 năm. Vì vậy học phí là gánh nặng với nhiều sinh viên gia đình có thu nhập trung bình, trung bình khá ở vùng ngoại thành.
Theo quy định, học phí sẽ tăng dần đều hằng năm 10%. Như vậy học phí năm học cuối (năm thứ tư) tăng gần 45% so với năm thứ nhất.
Hiện nay chỉ có chính sách tín dụng giúp sinh viên nghèo khó khăn vay vốn tại ngân hàng chính sách theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg.
Tân sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội nhập học năm 2023. Ảnh:HMU |
Nhu cầu vay vốn của sinh viên lớn
Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng chính sách này chưa phát huy hiệu quả do nhiều lý do khác nhau. Trong đó, đối tượng điều chỉnh của chính sách này khá hẹp, chưa đa dạng phương thức cho vay, thủ tục cho vay, hầu như chỉ tập trung ngân hàng chính sách. Tập trung chủ yếu cho vay tín chấp, người đi vay không có tài sản đảm bảo, không phải là người trực tiếp sử dụng vốn vay. Thời hạn vay vốn khá ngắn, đã ảnh hưởng đến tính hiệu lực của chính sách tín dụng sinh viên. Bởi, nhiều trường hợp sinh viên ra trường chưa có việc làm là đã hết hạn hợp đồng vay.
Quy trình tín dụng được đánh giá là gây khó khăn, làm mất nhiều thời gian cho cả người vay và người đi vay do mỗi hồ sơ phải qua 2 lần bình xét, phê duyệt. Riêng thủ tục bình xét đối tượng vay vốn tại địa phương có thể lên đến hàng tháng vì các Tổ tiết kiệm và vay vốn phải tập hợp nhiều hồ sơ mới làm thủ tục một lần. Các cơ sở giáo dục chưa chủ động hoạt động cấp tín dụng cho sinh viên do khung pháp lý còn chưa rõ ràng.
Kết quả khảo sát nhu cầu tín dụng của sinh viên các trường đại học thành viên tại Đại học Quốc gia TPHCM cho thấy tỷ lệ nhu cầu vay tín dụng chiếm hơn 22%. Kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu tín dụng không chỉ giới hạn ở nhóm sinh viên thuộc gia đình khó khăn, chính sách, mà ở cả các sinh viên có hoàn cảnh bình thường, không phân biệt theo trường, hay theo chuyên ngành, hay theo hệ đào tạo.
Mặt khác, mục đích vay của sinh viên cũng rất đa dạng, nhóm nghiên cứu tổng hợp và phân loại vào 3 nhóm chính: vay đóng học phí, vay trả tiền nhà trọ, và vay cho sinh hoạt phí. Trong đó tỷ lệ sinh viên vay tiền đóng học phí và vay tiền chi trả sinh hoạt phí có tỷ lệ cao nhất, chiếm gần 75%.
Trong tổng số sinh viên tham gia khảo sát, có 13,56% gặp tình trạng khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số này là có nhu cầu đi vay (232/436 sinh viên). Phân tích sâu hơn nhóm sinh viên có nhu cầu vay do đang gặp khó khăn về tài chính, có hơn 55% gặp khó khăn do tai nạn, bệnh tật, hỏa hoạn và dịch bệnh; tiếp đến là nhóm sinh viên mồ côi cha hoặc mẹ hoặc mồ côi cả cha và mẹ chiếm hơn 17%; nhóm sinh viên còn lại rơi vào diện chính sách khác và hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đối với phương thức cho vay, theo kết quả khảo sát cho thấy có 47,15% sinh viên muốn tự mình đứng tên vay vốn và được một đơn vị tại nơi học tập bảo lãnh (Quỹ Phát triển của Đại học Quốc gia TPHCM). Nhóm sinh viên tiếp theo (43,95%) lựa chọn phụ huynh như người bảo lãnh cho mình đứng tên vay vốn, chỉ một số ít sinh viên (8,90%) mong muốn được phụ huynh thay mình trực tiếp đứng tên vay vốn.
Cần mở rộng đối tượng cho vay
Qua đó, nhóm nghiên cứu khẳng định hầu hết sinh viên muốn tự đứng tên vay (91%) và được bảo lãnh bởi một bên thứ ba (Quỹ Phát triển hoặc phụ huynh). Mặt khác, số sinh viên lựa chọn Quỹ Phát triển để bảo lãnh cũng nhiều hơn so với lựa chọn phụ huynh dù tỷ lệ giữa hai hình thức bảo lãnh này không chênh lệch nhau đáng kể. Từ đó, có thể thấy sinh viên thường không muốn gia đình can thiệp hoặc biết đến việc vay tín dụng hoặc các vấn đề cá nhân khác của mình.
Tín dụng sinh viên được phát triển nhằm tạo thêm kênh tài chính, nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính trong quá trình học tập, đào tạo của người học. Chính sách tín dụng sinh viên góp phần giảm tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục, thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cho mọi sinh viên dù có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể theo học các bậc học khác nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân. Do vậy, việc hoàn thiện chính sách vay tín dụng để mở rộng nguồn vay cho người học là vô cùng cần thiết để có những mô hình mới, phương thức mới phù hợp với thực tiễn.
Từ kết quả khảo sát thực tế tại các trường Đại học thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số kiến nghị chính đề hoàn thiện chính sách tín dụng cho sinh viên Việt Nam. Ngoài ra, tín dụng sinh viên có rủi ro lớn và theo khuôn khổ pháp lý hiện hành của Việt Nam, chưa có cơ chế hỗ trợ rủi ro này. Tham khảo kinh nghiệm từ các nước đã vận hành mô hình tín dụng sinh viên từ lâu, con số vốn cho vay không thu hồi được lên đến 20% doanh số cho vay. Vì thế, chủ yếu nguồn vốn cho vay được cấp từ ngân sách nhà nước cùng với cơ chế cấp bù rủi ro. Do vậy, các vấn đề liên quan đến việc cấp bù lãi suất, phòng ngừa rủ ro cũng như cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các nên liên quan cần được tiếp tục nghiên cứu, tính toán kỹ để có các quy định cụ thể. Những đề xuất này nằm trong tham luận tham gia Hội thảo Thúc đẩy hoạt động thanh toán thẻ và xu hướng thanh toán tương lai, nằm trong chuỗi các sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam 2023 được tổ chức tại Hà Nội ngày 26/9/2023.