Tham dự chương trình có GS.TS. Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng nhà trường; ThS. Phạm Thị Thanh Nga – Trưởng phòng Công tác Sinh viên; cô Đỗ Thị Thùy Trang – Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế. Diễn giả chính là Đại úy, Thạc sĩ Tống Duy Ngọc – trinh sát Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA03), Công an TP. Hà Nội.
![]() |
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Hiệu trưởng Đinh Thị Mai Thanh nhấn mạnh đây là hoạt động thiết yếu, vì trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc sinh viên bị lừa đảo với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Dù nhà trường đã liên tục cảnh báo, nhiều sinh viên vẫn lơ là, bỏ qua thông tin quan trọng dẫn đến việc rơi vào "bẫy" lừa đảo qua mạng:
“Tôi mong các em không chỉ lắng nghe mà còn chia sẻ lại với bạn bè để cùng nhau nâng cao cảnh giác. Nhà trường sẽ tiếp tục gửi thông tin cảnh báo đến sinh viên và phụ huynh qua email cá nhân, website và các kênh truyền thông nội bộ. Quan trọng nhất là mỗi người phải chủ động bảo vệ chính mình”, bà chia sẻ.
Bước vào phần chia sẻ chính, Đại úy Tống Duy Ngọc cho biết: “Trong số các em ở đây, có lẽ không ít người đã từng bị các đối tượng xấu tiếp cận, hoặc ít nhất cũng từng nghe qua các chiêu trò lừa đảo,” ông đặt vấn đề. Ông cho biết, theo nghiên cứu của mình, phần lớn các trường hợp bị lừa đều xuất phát từ việc nạn nhân không chú ý đến các thông tin cảnh báo đã được tuyên truyền rộng rãi.
![]() |
Đại úy Tống Duy Ngọc - trinh sát Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA03), Công an TP. Hà Nội. |
Đại úy Tống Duy Ngọc bày tỏ mong muốn buổi nói chuyện không chỉ là sự truyền đạt một chiều từ góc độ người làm công tác đấu tranh tội phạm, mà còn là cơ hội để lắng nghe, tiếp nhận phản hồi từ chính các bạn sinh viên và gia đình. Ông trăn trở: “Điều đáng buồn là khi chúng ta được học hành trong một môi trường đại học danh tiếng, được trang bị bao kiến thức công nghệ hiện đại, mà người thân, thậm chí chính chúng ta, đôi khi lại không giải thích nổi những thủ đoạn lừa đảo cơ bản. Như thế là chưa ổn.”
Đại úy Ngọc không ngần ngại chia sẻ rằng bản thân, dù không phải là “cao thủ công nghệ” như nhiều sinh viên USTH, cũng đã nhiều lần bị các đối tượng lừa đảo tiếp cận: “Nhưng chưa ai lấy được đồng nào của tôi cả,” đại úy dí dỏm khẳng định. Điều này, theo ông, không hẳn đến từ việc nhạy bén trong công nghệ, mà đến từ sự tỉnh táo và bản lĩnh tâm lý.
Đồng thời, ông phân tích qua các phương thức hoạt động phổ biến của những kẻ lừa đảo, bao gồm: Khai thác thông tin cá nhân từ mạng xã hội; Dùng công nghệ deepfake, giả giọng nói, số điện thoại ảo; Đánh vào tâm lý lo sợ, lòng tham hoặc sự nhẹ dạ; Tạo áp lực thời gian để người bị hại không kịp suy nghĩ.
Ông liên tục đưa ra những con số gây ám ảnh: 500 triệu, 1 tỷ, 3 tỷ, và thậm chí hàng chục tỷ đồng, đó là số tiền mà nhiều nạn nhân đã mất vào tay tội phạm mạng. Nhưng nghiêm trọng hơn cả tiền bạc, đó là những tổn thất về tinh thần, những sang chấn tâm lý, thậm chí có những trường hợp dẫn đến trầm cảm hay những quyết định tiêu cực. “Giữ được tiền đã quan trọng, giữ được mạng sống và sự bình yên tinh thần còn quan trọng hơn,” Đại úy Ngọc nhấn mạnh.
Đại úy Ngọc gọi cho biết “thời gian vàng” trong hoạt động lừa đảo là 39 giây, còn ngắn hơn cả “thời gian vàng” từ 5-7 phút trong phòng cháy chữa cháy: “39 giây đó là khoảng thời gian các bạn phải đấu tranh tâm lý và tư tưởng để đưa ra quyết định. Làm hay không làm? Quyết định đó mang tính sống còn".
Thống kê sơ bộ trong năm 2024 từ những trường hợp trình báo cho thấy thiệt hại đã lên đến 18.900 tỷ đồng từ 220 vụ việc. Con số thực tế, theo Đại úy Ngọc, còn lớn hơn rất nhiều do nhiều nạn nhân chọn cách im lặng.
Vậy tại sao trong thời đại số, nhiều người vẫn mắc lừa? Đại úy Tống Duy Ngọc chỉ ra tâm lý chủ quan của nhiều nạn nhân: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, “chuyện đó xảy ra ở đâu ấy, không phải với mình đâu”. Đến khi sự việc ập đến, tiền mất tật mang thì đã quá muộn.
![]() |
Các bạn sinh viên chăm chú lắng nghe. |
Về việc lộ lọt thông tin cá nhân, ông cảnh báo về thói quen chia sẻ quá nhiều trên mạng xã hội: từ địa điểm check-in, thông tin sức khỏe, nhà cửa, thành tích, đến cả ngày tháng năm sinh, sở thích:
“Tất cả đều có trên đó. Các đối tượng lừa đảo thu thập những thông tin này, theo dõi và phân tích tâm lý của các bạn. Khi đã hiểu tâm lý, chúng ra đòn rất dễ thành công,” ông phân tích. Ngay cả công nghệ Deepfake tạo khuôn mặt giả cũng đã được sử dụng, khiến nhiều người điêu đứng.
Một hình thức phổ biến khác là lừa đảo tuyển cộng tác viên chốt đơn ảo. Với lời hứa hẹn hoa hồng hấp dẫn (10-30% giá trị đơn hàng), công việc nhẹ nhàng, không cần kinh nghiệm, chiêu trò này đánh trúng tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của nhiều người, đặc biệt là sinh viên. “Ban đầu có thể được hoàn tiền và một chút hoa hồng để tạo lòng tin, nhưng khi số tiền bỏ ra lớn hơn, kẻ lừa đảo sẽ biến mất. Không có chuyện việc nhẹ lương cao. Cái gì cũng có giá của nó.”
Xuyên suốt buổi nói chuyện, Đại úy Tống Duy Ngọc liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức, giữ vững tâm lý và sự bình tĩnh khi đối mặt với các tình huống lừa đảo cũng như khẳng định: “Thế giới này không có gì phức tạp đến mức chúng ta phải hoảng loạn. Hãy tiết chế lòng tham, sự cả tin và cả nỗi sợ hãi vô cớ. Các cơ quan quản lý Nhà nước KHÔNG làm việc với người dân qua điện thoại ”, ông khuyên.
Cuối cùng, Đại úy Ngọc khuyến khích sinh viên dành thời gian cập nhật thông tin từ các kênh chính thống, bởi “ra đường bây giờ mà không biết gì thì rất dễ mất tiền oan”.
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Đại úy, Thạc sĩ Tống Duy Ngọc đã đưa ra Bộ kỹ năng phòng tránh và xử lý lừa đảo mạng:
Phòng tránh lừa đảo qua không gian mạng:
Tuân thủ Nguyên tắc 3 KHÔNG - 3 NÊN:
• KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân/dữ liệu ngân hàng qua mạng.
• KHÔNG bấm vào link lạ/dẫn dụ quà tặng, trúng thưởng.
• KHÔNG vội chuyển tiền dù trong bất kỳ tình huống nào.
• NÊN xác minh kỹ thông tin người liên hệ (gọi lại bằng số đã lưu)
• NÊN báo ngay cho người thân hoặc Công an khi nghi ngờ.
• NÊN cài đặt phần mềm bảo mật trên thiết bị.
Kỹ năng xử lý khi đã bị lừa:
• Lưu giữ bằng chứng (tin nhắn, số điện thoại, hình ảnh...).
• Trình báo với cơ quan chức năng: Công an, ngân hàng, Cục An toàn thông tin.
• Cảnh báo người thân, bạn bè để tránh bị lừa tương tự.
Ảnh: USTH