Gây “sốt” với “Bà già thời Cô-vy”, tại sao bạn lại chọn “Chiếc khăn Piêu” cho dự án lần này?
Tôi nghĩ rằng những ca khúc nổi tiếng đã tạo nên những ấn tượng trong lòng người nghe rồi, nên sẽ “rút ngắn khoảng cách tiếp cận” đến mọi người khi được làm mới lại hơn. Tôi và ekip chọn ca khúc “Chiếc khăn Piêu” vì đây là một bài hát huyền thoại mà hầu như người dân Việt Nam nào cũng biết, cũng nghe và cũng thuộc. Ca khúc này được “khai sinh” vào thời kỳ chiến tranh, và khi làm dự án “Bà già Cô-vy” cũng là lúc cả nước ta đang chung ta chống dịch Covid-19 nên có khá nhiều điểm tương đồng khiến tôi nghĩ tới. Thêm nữa, đây là ca khúc “tủ” tôi thuộc nằm lòng từ khi còn bé nên từng ý tưởng về câu chữ cứ lảnh lót trong đầu tôi khiến tôi quyết định phải chọn “Chiếc khăn Piêu” cho “bà già” của mình.
Lời mới cho ca khúc được bạn hoàn thiện trong bao lâu?
3 đêm! Trừ những lúc ngủ và vệ sinh cá nhân thì đó là khoảng thời gian tôi dành cho việc viết lời mới cho ca khúc này. Ý tưởng về một bà lão “tuổi già nhưng suy nghĩ không già” được hình thành khi tôi xem thời sự thấy ở nhiều địa phương có nhiều bà, nhiều mẹ hy sinh công của, dành hết số tiền tiết kiệm cả đời để ủng hộ cho đất nước chống dịch. Tôi thấy rất khâm phục. Nhưng khi nhắc đến dịch thì toàn là những tin tiêu cực, gây mệt mỏi cho mọi người nên tôi nghĩ sẽ mang đến một luồng gió mát bằng một sản phẩm hài hước vừa để cổ vũ tinh thần chống dịch của mọi người, vừa để tri ân những “người hùng thầm lặng” đang ngày đêm chung tay diệt dịch.
Thành công của “Bà già thời Cô-vy” có nằm trong kế hoạch của bạn?
Khi làm tôi chỉ nghĩ đây là tiếng nói nhỏ của mình trong thời dịch. Nhưng khi đăng tải, nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả và bất ngờ hơn khi sản phẩm lọt “top trending” của Youtube khiến tôi cũng như ekip rất vui mừng và hạnh phúc. Tôi cho rằng sản phẩm đạt được thành tích như vậy một phần là được ra mắt vào đúng thời điểm. Bên cạnh đó sự chỉn chu và cố gắng của cả ekip phía sau cũng giúp cho “Bà già thời Cô-vy” được lan tỏa, tiếng nói được to và truyền tải được thông điệp đến nhiều người hơn.
Rất nhiều ý kiến cho rằng trong thời đại bùng nổ mạng xã hội như hiện nay, ai cũng có thể làm nghệ sĩ. Bạn nghĩ sao?
Trước đây tôi học Chèo trong trường điện ảnh, nhưng duyên số đã đưa tôi đến với các tiểu phẩm hài và được khán giả yêu mến. Chính từ đó, tôi quyết định sẽ đầu quân cho hài kịch luôn. Tôi nghĩ rằng ở bất cứ thời kỳ nào thì từ nghệ sĩ vẫn được định nghĩa theo đúng quy chuẩn từ xưa đến nay mà thôi. Với riêng cá nhân tôi, “nghệ sĩ” là cụm từ rất thiêng liêng, ngoài mang đến những sản phẩm nghệ thuật thì còn phải truyền tải được những giá trị nhân văn về con người và cuộc sống. Bản thân tôi chưa bao giờ dám nhận mình là nghệ sĩ. Tôi nghĩ mình chỉ là một diễn viên tập sự trên hành trình nghệ thuật “cao hơn cả núi, dài hơn cả sông” trước mặt. Để đạt được danh hiệu trên tôi nghĩ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Khán giả cho rằng con đường nghệ thuật của Trung Ruồi trải đầy hoa hồng khi sản phẩm luôn được đón nhận?
Nếu quả thực có con đường trải đầy hoa hồng thì tôi chưa từng được đi trên nó. Con đường dẫn đến nghệ thuật của tôi nhiều “chướng ngại vật” đến nỗi mà nhiều khi tôi nghĩ thêm 3 người đồng hành là thành một team huyền thoại được rồi. Khi mới manh nha có ý định thi vào trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tôi đã bị gia đình ngăn cản vì cho rằng đó là một môi trường “có đỏ mà không có thơm”, không thuộc về tôi. Bất chấp điều đó, tôi một mình phóng xe đi thi với 20 ngàn đồng trong túi. Giữa đường thì xe nổ lốp. Tôi nghĩ đây là điềm chẳng lành rồi. Tôi vào thi trong tâm trạng tồi tệ nhất từ trước đến lúc đó, mắt còn đỏ hoe vì vừa khóc vì tủi thân. Không nằm ngoài dự đoán, tôi trượt vỏ chuối cái “oạch” và đành ghi danh học một trường ngoài ngành.
Điều gì đã mang Trung Ruồi trở lại với nghệ thuật?
Nói đúng hơn là tôi chưa từng chệch đường ray nghệ thuật. Dù học một trường ngoài ngành nhưng tôi vẫn hừng hực lửa đam mê. Cứ có cơ hội là tôi nhảy ngay vào, từ nhóm văn nghệ ở trường đến những hội nhóm diễn viên nghiệp dư. Cơ hội đầu tiên của tôi là khi gặp được anh Đinh Tiến Dũng (Giáo sư Xoay), được anh quan sát và cho khá nhiều lời khuyên. Thời gian này, tôi vừa học vừa làm thêm để tích cóp tiền đi học lớp đào tạo nguồn của trường Sân khấu điện ảnh.
Sau rất nhiều cố gắng, cuối cùng tôi cũng ghi tên mình vào tấm thẻ sinh viên của trường ở khoa Kịch hát. Để có tiền trang trải, tôi nhận đi đánh trống múa lân cho nhà hát Tuồng. Rồi từ bạn bè và các mối quan hệ tôi dần tham gia vào các nhóm hài từ Kem Xôi, Loa Phường, … May mắn là những sản phẩm đó tạo hiệu ứng tốt và tôi dần dần được khán giả nhớ mặt quen tên. Cái tên Trung Ruồi cũng ra đời từ đó thay cho Nguyễn Hà Trung năm nào.
Nhưng không thể phủ nhận rằng Trung Ruồi được các anh chị trong nghề ưu ái?
Những ngày chập chững vào nghề, tôi còn chẳng quen biết ai, cái gì cũng phải tự lực cánh sinh. Nhìn người này người kia có quan hệ được cất nhắc vai lọ vai chai tôi cũng ước ao mình được như họ. Nhưng sau khi được may mắn tham gia Gala Cười và Gặp nhau cuối năm: Táo Quân, tôi có quen biết các anh chị trong nghề mà tôi hay gọi là tiền bối. Các anh chị coi những đám trẻ con chúng tôi như em, tận tình chỉ bảo đường đi nước bước khi lên sân khấu, thỉnh thoảng còn kéo việc cho để “chống móm mùa mưa”. Qua những lần làm việc ấy tôi thấy mình trưởng thành hơn, suy nghĩ sâu rộng hơn và làm nghề một cách chỉn chu hơn.
Là những gương mặt trẻ đầy triển vọng trong Táo Quân, bạn có tiếc khi chương trình dừng lại?
Ở góc độ khán giả thì tôi tiếc lắm, nhưng ở góc độ của một diễn viên thì tôi chưa đủ tầm để bình luận điều đó. Với tôi, ở giai đoạn hiện tại, được may mắn tham gia những chương trình lớn như vậy là một niềm hạnh phúc “siêu to khổng lồ” rồi.
Đang kết hợp ăn ý, tại sao Trung Ruồi và Minh Tít lại “đường ai nấy đi”?
Trước đây, khi cùng tham gia vào các dự án online, tôi và anh Minh được khán giả yêu mến vì hay “cặp” với nhau trong rất nhiều tiểu phẩm hài, tếu táo. Anh Minh cũng là bạn diễn ăn ý với tôi từ trước đến nay nên khi không còn xuất hiện chung thì mọi người nghĩ là chúng tôi xích mích, nhưng không phải. Chúng tôi mỗi người có một đường đi riêng của mình, nhưng tình cảm thì không hề rạn nứt. Anh Minh là người có tư duy khá tốt, có thiên hướng làm đạo diễn và nhà sản xuất. Khi có cơ hội thì anh em lại tái ngộ, tay bắt mặt mừng. Không có tiếng nói chung nhưng hai anh em nói riêng thì vẫn ổn.
Minh Tít đi đường riêng của mình rồi, còn đường của bạn thì sao?
Tôi muốn có những bộ phim như của thần tượng lớn của mình, anh Châu Tinh Trì. Hơn thế nữa, tôi muốn có tạo nên những show diễn như của “ông trùm” PSY. Nghe xong có thể nhiều người sẽ nói tôi “ngông”, nhưng có ai cấm mình vạch mục tiêu để hướng đến đâu, đúng không? Tôi vẫn đang trau dồi, hoàn thiện bản thân để có thể làm được những điều to lớn ấy. Vừa rồi, tôi cũng đi tập thanh nhạc, dự định sẽ cho ra MV trong thời gian sắp tới nhưng “Cô Vy”, “cô” ấy bắt nghỉ hết rồi.
Một lúc ôm nhiều giấc mơ như vậy, liệu bạn có đang hơi tham không?
Tôi nghĩ mình còn trẻ thì nên thử thách bản thân để tìm ra những “siêu năng lực” của mình. Nghệ thuật là không ngừng sáng tạo. Không cần phải quá hoàn hảo cho một lĩnh vực nào đó chỉ cần bạn đủ thú vị và thực hiện nó một cách nghiêm túc. Nhất là với một người lấy sự hài hước làm gốc như tôi thì các sản phẩm của tôi cũng không đi theo lối “họp hành” rồi. Nên một công làm nhiều việc để mọi thứ cộng hưởng với nhau tạo nên một Trung Ruồi đa sắc màu, đó là điều tôi hướng đến.
Cảm ơn bạn, và chúc bạn sẽ thành công trên hành trình sắp tới!