Vào Top đầu
Ngày 5/12/2020, Tổ chức xếp hạng đại học thế giới theo thành tựu học thuật (University Ranking by Academic Performance: URAP) đã công bố các trường đại học trên thế giới được xếp hạng trong bảng xếp hạng URAP. Trong đó, trường ĐH Nguyễn Tất Thành xuất sắc lọt Top 12 trường đại học Việt Nam tại bảng xếp hạng này.
URAP sử dụng dữ liệu về thành tựu học thuật của tất cả các đại học do Web of Sciences thống kê để thực hiện xếp hạng. Các tiêu chí về số lượng, chất lượng công trình khoa học, chỉ số trích dẫn và ảnh hưởng khoa học... đều chiếm trọng số lớn nhất trong quá trình đo lường. Hệ thống này không dùng số liệu do các đại học tự cung cấp, cũng không dựa trên kết quả bầu chọn của chuyên gia. Những điều này làm cho kết quả xếp hạng trở nên tuyệt đối khách quan xét trên phương diện học thuật.
Trước đó, hồi tháng 8/2020, Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) công bố, 5 trường đại học của ASEAN và 25 trường đại học tại Việt Nam được hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và khu vực UPM (University Performance Metrics - UPM) gắn sao. Theo kết quả ban đầu, các cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng đạt tiêu chuẩn 4 sao trong đó có trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
PGS. TS Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng: “Với kinh nghiệm tham gia bảng xếp sao quốc tế, trường thấy rằng Bảng xếp loại gắn sao UPM rất tương thích với các chuẩn quốc tế. Đây sẽ là một trong những cơ sở tốt để trường điều chỉnh phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức và xây dựng chỉ số KPI trong chiến lược phát triển của trường”.
Tương tự, trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường đại học duy nhất tại Việt Nam tiếp tục vào bảng xếp hạng ARWU và được xếp ở Top 701 - 800. Cụ thể, Hệ thống xếp hạng đại học thế giới: Academic Ranking for World Universities (ARWU) đã công bố kết quả xếp hạng các đại học xuất sắc nhất toàn thế giới năm 2020. Trong đó, Việt Nam có một đại học duy nhất là trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục vào trong bảng này và được xếp ở Top 701 - 800, tăng ít nhất 200 bậc so với năm 2019 (là 901 - 1000).
Cùng nhóm hạng với trường ĐH Tôn Đức Thắng là các đại học danh tiếng thế giới từ nhiều năm trước như: The University of Waikato (New Zealand), Università Della Svizzera Italiana (Thụy Sỹ), Czech Technical University in Prague (Cộng hoà Séc), Université Gustave Eiffel (Pháp), Chulalongkorn University (Thái Lan), Chungnam National University (Hàn Quốc); Aston University, Heriot-Watt University, City University London (Top 46-54 của Anh Quốc), Bielefeld University (Top 40-45 của Đức)... Đứng đầu bảng xếp hạng này năm nay vẫn là những đại học danh giá và lâu đời trên thế giới. Số 1 là ĐH Harvard (Mỹ), số 2 là ĐH Stanford (Mỹ), số 3 là ĐH Cambridge (Anh).
ARWU được giới giáo dục đại học thế giới nhìn nhận là Hệ thống xếp hạng đại học uy tín, khách quan và khó nhất thế giới. Tính khách quan của bảng xếp hạng ARWU so với bảng của QS (QS World University Rankings), THE (Times Higher Education) là chỉ căn cứ vào thực lực, sản phẩm đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học, thành công của nhà trường và người học… mà không sử dụng dữ liệu từ bình chọn (vote) của giới học thuật hay doanh nghiệp. AWRU tự xây dựng dữ liệu đánh giá các đại học trên toàn thế giới căn cứ vào các cơ sở dữ liệu khoa học hàng đầu thế giới, chứ không phụ thuộc và cũng không yêu cầu các đại học phải cung cấp dữ liệu. Các tiêu chí đánh giá chính bao gồm: chất lượng giáo dục (10%), chất lượng giảng viên (40%), nghiên cứu khoa học (40%) và năng suất học thuật bình quân trên đầu người (10%).
Thăng hạng
Lần đầu tiên 2 đại học lớn ở Việt Nam là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. HCM lọt vào Top 150 trường dưới 50 tuổi hàng đầu thế giới. Cụ thể, Tổ chức xếp hạng đại học QS (Quacquarelli Symonds, Anh) công bố kết quả bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 2021 hàng đầu thế giới. Bảng xếp hạng này dành cho các trường đại học có thời gian thành lập dưới 50 năm.
Việt Nam có hai đại học lớn là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. HCM lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng. Cả hai trường đều trong nhóm 101 - 150 các trường đại học trẻ có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới.
Trước đó, cả hai trường đều được QS xếp vào nhóm 801 - 1000 đại học tốt nhất thế giới năm 2021. Tổ chức xếp hạng đại học QS công bố bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 lần đầu tiên vào năm 2012 nhằm vinh danh các trường đại học trẻ có chất lượng đào tạo và nghiên cứu hàng đầu thế giới, tức dưới 50 tuổi. Ban đầu bảng chỉ xếp hạng cho top 50 cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, từ năm 2015, QS Top 50 Under 50 mở rộng quy mô xếp hạng thêm 100 trường đại học trẻ trên thế giới (Next 100 Under 50). Bảng QS Top 50 Under 50 sử dụng các tiêu chí xếp hạng của bảng QS thế giới gồm 6 tiêu chí đánh giá: Danh tiếng học thuật (40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỉ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỉ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), tỉ lệ giảng viên quốc tế (5%) và sinh viên quốc tế (5%).
Còn trường ĐH Kinh tế TP. HCM được tổ chức xếp hạng U-Multirank đưa vào danh sách xếp hạng các trường đại học trên thế giới năm 2020. Theo đó, năm 2020 có 11.759 trường đại học đến từ 96 quốc gia tham gia về hạng mục xếp hạng “25 trường đại học có đóng góp cho sự phát triển nghề nghiệp suốt đời” thuộc lĩnh vực Chuyển giao tri thức.
Trong kết quả 25 trường này, có 20 trường đến từ châu Âu, một trường đến từ châu Phi, một trường đến từ châu Mỹ Latinh và ba trường đến từ châu Á. Trong đó, trường ĐH Kinh tế TP. HCM là một trong ba trường đại học thuộc châu Á được vinh danh vào top 25 trường đại học tốt nhất thế giới. Hai trường đại học còn lại là Asian Institute of Technology (viết tắt là AI, ở Thái Lan) và Al-Nisour University College (Iraq). Và đây cũng là lần thứ 4 trường ĐH Kinh tế TP. HCM đạt giải thưởng này.
U-Multirank là tổ chức độc lập xếp hạng các trường đại học trên thế giới, với nguồn tài trợ đến từ chương trình Erasmus+ của Ủy ban Châu Âu. U-Multirank cung cấp đánh giá đa chiều về các trường ĐH và Cao đẳng khắp thế giới, nhằm định hướng cho người học.