Theo đó, Kỳ thi Đánh giá đầu vào đại học do trường ĐH Cần Thơ phối hợp với Bộ GD - ĐT tổ chức, với 7 môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Trong đó, môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, các môn còn lại 60 phút, với hình thức trắc nghiệm, thi trên máy tính.
Đề thi có 3 dạng câu hỏi: trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm đối chiếu cặp đôi, trắc nghiệm trả lời ngắn.
Phạm vi kiến thức của đề thi nằm trong chương trình phổ thông. Trong đó, 90% nội dung đề thi thuộc chương trình lớp 12, còn lại là kiến thức lớp 10, 11. Thí sinh được thi nhiều lần, nhiều môn và sử dụng tổ hợp môn, kết quả của lần thi có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển.
Trường ĐH Cần Thơ sẽ dành tối đa 20% chỉ tiêu mỗi ngành (trừ các ngành đào tạo giáo viên, Văn học và Báo chí) bằng cách xét kết quả của kỳ thi này.
Thí sinh đăng ký theo phương thức này phải có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp từ 15 trở lên, không môn nào dưới 1 điểm (thang điểm 10). Với môn năng khiếu, thí sinh có thể sử dụng kết quả do trường ĐH Cần Thơ hoặc trường khác tổ chức, nhưng phải đạt từ 5 điểm trở lên. Thời gian đăng ký xét tuyển dự kiến từ ngày 20/5 đến 15/6. Lịch thi V-SAT sẽ được trường thông báo sau.
Năm 2023, đầu vào theo điểm thi tốt nghiệp THPT của trường ĐH Cần Thơ dao động 15 - 26,86, cao nhất là ngành Giáo dục Công dân. |
Ngoài xét điểm V-SAT, trường ĐH Cần Thơ còn tuyển sinh bằng 6 phương thức khác, gồm: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD - ĐT; xét điểm thi tốt nghiệp THPT (ít nhất 50% chỉ tiêu); xét học bạ (tối đa 30%); xét học bạ vào các ngành sư phạm (tối đa 40% chỉ tiêu ngành); tuyển chọn vào chương trình tiên tiến, chất lượng cao; xét tuyển thẳng vào học bồi dưỡng kiến thức.