Với công trình “Low-energy electron inelastic mean free path in materials” xuất bản trên tạp chí uy tín Applied Physics Letters, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu đã khiến giới khoa học trong nước sửng sốt khi đi tìm lời giải trong bài toán xác định quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu, vốn còn chưa được xác quyết một cách chính xác do độ bất định lớn và không đáng tin cậy của các phương pháp hiện hành.
“Không định hình một lý tưởng cao siêu cho khoa học”
Một tuần sau khi được vinh danh, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu có buổi gặp gỡ cùng các bạn trẻ trong một cuộc hội luận chủ đề về lý tưởng tuổi trẻ với khoa học. Nhưng trái ngược với kỳ vọng về những tuyên ngôn lớn lao về lý tưởng nghiên cứu, nhiệt huyết cống hiến, nhà khoa học trẻ xin được bỏ “lý tưởng” khỏi cuộc trò chuyện.
“Phải nói thật, con đường của tôi đang đi là khoa học nhưng tôi bắt đầu hoàn toàn bằng sự thực tế của tuổi trẻ chứ không phải bằng lý tưởng cao siêu hay mong muốn cống hiến vĩ đại gì cả. Lúc còn nhỏ, tôi có may mắn được đọc nhiều sách, vì ba tôi làm việc tại một thư viện ở Nha Trang. Không hiểu sao, tôi cứ nhằm sách khoa học mà đọc, dần dần “nhiễm” vào người như những đứa trẻ thích xem phim hay bị “nhiễm” hình mẫu và đời sống của nhân vật. Tôi đọc những quyển sách về cuộc đời Marie Curie, một vị bác sĩ kiên cường đã chiến thắng những định kiến hẹp hòi ngăn cản phụ nữ tiếp cận học vấn. Tôi khâm phục bà, và đó là lý do vì sao rất yêu thích Toán học nhưng khi làm hồ sơ thi đại học, tôi lại đăng ký nguyện vọng vào ngành Vật lý. Trong khi đó, mẹ tôi chỉ muốn con vào ngành Sư phạm, lý do duy nhất là để đỡ được khoản học phí vì gia cảnh không mấy khá giả”, TS Hiếu dí dỏm.
Trở thành sinh viên hệ Cử nhân tài năng của khoa Vật lý, trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM), trải nghiệm học kỳ đầu tiên của đời sinh viên tại Làng Đại học Thủ Đức đã cho chàng tân sinh viên hiểu về sự vất vả của đấng sinh thành. Lúc còn ở nhà, chỉ cần kêu đói bụng, ba hoặc mẹ sẽ lo phần còn lại. Nhưng ở ký túc xá nơi đất khách, mọi thứ đều phải tự lo.
“Dân tỉnh lẻ, lại ở Thủ Đức nên cũng chẳng có nhiều thú vui, suốt ngày “đối diện với 4 bức tường và học”, như cách bạn bè hay trêu. Nhờ đó, sau học kỳ đầu, tôi lọt top đầu những sinh viên có điểm số học tập cao nhất và nhận học bổng. Đó là những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được, với suy nghĩ đơn giản là để ba mẹ bớt vất vả, hoàn toàn không có ý niệm gì về khoa học hay lý tưởng học thuật", TS Hiếu kể về thời sinh viên.
Ba năm đầu sau khi sang Nga du học theo diện học bổng, mọi thứ với Hiếu cũng khá bình lặng. Thông thường vào năm thứ 3, sinh viên tại Nga bắt đầu chuẩn bị làm đề tài tốt nghiệp và phải tìm giảng viên hướng dẫn. Vị giáo sư già hướng dẫn cho TS Hiếu lúc đó, khi biết cậu du học sinh đến từ Việt Nam, ông vui vẻ hướng dẫn tận tình. Như nhiều người Nga lớn tuổi khác, ông có cảm tình đặc biệt với quê hương của Hiếu.
Tuy vậy, Hiếu cũng gặt hái nhiều thành công về nghiên cứu tại Nga khi giành giải Ba tại hội nghị các nhà nghiên cứu trẻ khu vực Volgograd (2008), giải Nhất Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật quốc gia Volgograd (2009), giải nhất (Poster, Vật lý) Hội nghị quốc tế các nhà khoa học trẻ “Lomonosov 2013” (2013) cùng nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí nghiên cứu uy tín.
Rất nhiều người thắc mắc sao không tiếp tục ở lại Nga hay sang châu Âu có nhiều cơ hội hơn mà lại trở về Việt Nam? Nhất là thời điểm đó Hiếu đã có nhiều bài báo khoa học quốc tế, đủ điều kiện để xin Visa châu Âu, TS Hiếu lại cười nhẹ, khẳng định lại “hoàn toàn không phải lý do to tát nào liên quan đến cống hiến”. Cuộc trở về đơn giản vì lý do gia đình. “Một ngày trước khi bước vào buổi bảo vệ thử (quy định trước khi bảo vệ chính thức ở bậc Tiến sĩ tại Nga – PV), tôi nhận được điện thoại của gia đình. Ba tôi bị ung thư tụy đã vào giai đoạn nặng. Qua điện thoại chỉ nghe những tiếng ú ớ yếu ớt, tôi chỉ kịp nói với ba nhất định sẽ trở về để lo cho mẹ. Cái gì hứa thì mình làm, vậy thôi. Sau buổi bảo vệ chính thức, tôi sắp hành lý trở về Việt Nam”.
Cần nhiều “cánh én trẻ” cho văn hóa khoa học
Điều duy nhất khiến TS Hiếu hài lòng đó là vẫn yêu thích và theo đuổi Vật lý từ lúc quyết định thi vào đại học cho đến lúc trở về từ Nga. Và trong lúc nhiều anh chị đi trước khao khát được làm khoa học nhưng vì nhiều lý do phải rẽ ngang thì Hiếu lại được trao cơ hội để toàn tâm toàn ý.
“Cho đến khi học xong và quay về nước công tác tại trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM) và sau này là trường ĐH Tôn Đức Thắng, tôi vẫn chưa đặt cho mình những lý tưởng của người làm khoa học. Mọi thứ đơn giản như một công việc yêu thích thì phải làm, vậy thôi”.
Trở về Việt Nam, TS Hiếu bắt đầu công việc nghiên cứu tại trường cũ, sau đó chuyển về trường ĐH Tôn Đức Thắng. Năm 2015 là thời điểm có nhiều đổi mới tích cực trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, tiêu biểu có thể kể đến Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), như một hình mẫu cho các quỹ khoa học khác, là nơi hỗ trợ và “làm tổ đón đại bang” cho nhiều du học sinh có năng lực, yêu thích con đường khoa học. Nhiều trường đại học cũng đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công bố các nghiên cứu, bài báo khoa học. Điều đó tạo thuận lợi cho người trẻ yêu con đường nghiên cứu. Đó là thuận lợi của Hiếu. Tuy nhiên, khao khát của vị tiến sĩ trẻ này là được thấy một “văn hóa nghiên cứu khoa học” của Việt Nam. Trong nền văn hóa đó, những người trẻ tâm huyết và thực tài phải là trung tâm.
TS Hiếu tỏ ra hứng thú khi một bạn trẻ hỏi làm cách nào để người trẻ “bền tâm bền trí” với khoa học giữa rất nhiều lựa chọn về thu nhập hiện nay: “Chỉ có hai thứ: Đam mê và kiên trì. Cả hai thứ này người trẻ đều có. Vì khi bạn thích, thì bạn mới làm. Khoa học phải bắt đầu bằng yêu thích, không thể đến với nó bằng gượng ép vì bất cứ lý do gì”.
Theo TS Hiếu: “Thế giới biết và có thể kể tên nhiều thứ thuộc về văn hóa Việt Nam. Chúng ta cũng có nhiều nhà khoa học nổi tiếng được thế giới biết đến và thừa nhận. Nhưng như vậy vẫn còn ít. Mùa xuân khoa học cần cả một đàn én, chưa định hình được trường phái như phương Tây. Ở Đan Mạch, có hẳn trường phái khoa học Copenhagen được thế giới biết đến và mang tính dẫn dắt một thế hệ đi sau. Chúng ta chưa có sự phát triển khoa học mang tính hệ thống và tạo dựng “văn hóa khoa học”. Tôi biết nhiều bạn trẻ tài năng và họ sẽ là những cánh én. Vì các bạn có tuổi trẻ và sự say mê, trong khoa học, điều đó quan trọng hơn tất cả”, TS Hiếu tâm đắc.