Ồ ạt nâng cấp
Theo dữ liệu của PV, từ năm 1998 - 2009, cả nước có 307 trường đại học, cao đẳng được thành lập mới hoặc nâng cấp (chưa tính các trường sĩ quan quân đội, công an, các trường đại học, cao đẳng thành viên, khoa trực thuộc, phân hiệu của các đại học). Tính đến hết năm 2009, cả nước có 409 trường đại học, cao đẳng trong đó có 76 trường ngoài công lập.
Đáng nói, từ năm 1998 đến 2009, có 312 trường đại học, cao đẳng được thành lập, nghĩa là trung bình cứ gần hai tuần lại có một trường đại học, cao đẳng ra đời. Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh, các điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, giáo trình… để bảo đảm chất lượng đào tạo lại không theo kịp, hoặc chắp vá.
Từ năm 2010 đến nay, làn sóng đua nhau thành lập hoặc nâng cấp lên trường đại học là rõ nét nhất. Chỉ trong hai năm 2010 - 2011 đã có khoảng 20 trường đại học được thành lập trên cơ sở nâng cấp các trường cao đẳng hoặc thành lập mới và nhiều trường đại học đang trong quá trình xem xét cho thành lập.
Theo quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2016 - 2020, cả nước có 460 trường, gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng. Nhưng số liệu từ Bộ GD - ĐT cho thấy, tại năm 2018, cả nước đã có 235 trường đại học và viện, chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng an ninh. Như vậy, ngành giáo dục vẫn vượt chỉ tiêu quy hoạch đề ra với chín trường đại học.
Việc ồ ạt nâng cấp thành trường đại học, cao đẳng khiến các trường này đang gặp rất nhiều khó khăn như địa phương không thể cấp ngân sách, rất ít thí sinh trúng tuyển và theo học... Nguyên nhân là phong trào nâng cấp, thành lập đại học trước đây đã bỏ qua yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững của một trường là đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Điều này dẫn đến chất lượng đào tạo kém, năng lực tiêu thụ của nền kinh tế không nhiều nên sinh viên ra trường thất nghiệp.
Với các trường ngoài công lập, trong gần 70 trường đại học tư thục hiện có, nhiều trường thành lập đã hơn chục năm vẫn phải đi thuê mướn cơ sở. Cụ thể, năm 2018 còn 14 trường, trong đó có 11 trường thành lập từ năm 1998 và một số trường địa điểm học rải rác ở nhiều nơi, không thuận tiện triển khai các hoạt động đào tạo.
Cụ thểm trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định thành lập năm 2007 đến nay vẫn phải thuê cơ sở đào tạo của đơn vị khác, trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) cũng đang trong tình trạng mượn đất để dạy học...
Phát biểu tại một cuộc họp, thành viên đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các trường được phép mở ngành ồ ạt mà không có sự kiểm tra thực tế các điều kiện mở ngành có đáp ứng hay không. Đây là lý do quan trọng nhất của việc tồn tại các trường đại học, cao đẳng hoạt động nhưng không có điều kiện đảm bảo chất lượng như quy định và cam kết của trường. Một số ngành mới mở ở các trường không phù hợp với trình độ đào tạo đại học như các ngành võ thuật, nấu ăn, thời trang...
Tuyển sinh èo uột
Hệ quả nhãn tiền của việc chạy đua nâng cấp trường đại học, cao đẳng là việc tuyển sinh rất èo uột. Điển hình như trường hợp của trường ĐH An Giang. Trường này được nâng cấp từ trường cao đẳng sư phạm năm 1999 và là một trong những trường đại học tỉnh được đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng nhất cả nước. Tuy nhiên, trường gặp rất nhiều khó khăn khi mỗi năm, nguồn thu của trường chỉ đáp ứng 30% nhu cầu hoạt động, ngân sách tỉnh phải bù đắp phần còn lại. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, do ngân sách khó khăn nên An Giang từng đề nghị chuyển giao trường về Bộ GD - ĐT nhưng không được. Sau đó, trường ĐH An Giang được chuyển về làm thành viên của ĐHQG TP. HCM. Mùa tuyển sinh 2002, trường ĐH An Giang phải tuyển bổ sung đến đợt thứ 2 cho 35 ngành đào tạo, với điểm sàn từ 15 - 20 điểm tùy theo ngành.
Tương tự, trường ĐH Bạc Liêu thành lập từ năm 2006 nhưng đến nay tuyên sinh vẫn rất èo uột. Từ năm 2017 đến năm 2018, ngành Tài chính ngân hàng có chỉ tiêu tuyển sinh 100 sinh viên nhưng chỉ có 67 thí sinh trúng tuyển, ngành Khoa học Môi trường chỉ tiêu tuyển sinh cũng là 100 nhưng có 43 thí sinh trúng tuyển, ngành Bảo vệ thực vật và Chăn nuôi không có thí sinh nào trúng tuyển. Năm 2019 và 2020, tình cảnh èo uột trong tuyển sinh cũng diễn ra với trường ĐH Bạc Liêu.
Còn trường ĐH Đồng Tháp thành lập từ năm 2003 nhưng đến nay nhiều ngành tuyển sinh vẫn rất ảm đạm. Năm 2018, hàng loạt ngành không có thí sinh trúng tuyển như Sư phạm Vật lý, Sư phạm Tin học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Mỹ thuật. Những ngành khác như Sư phạm Địa lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Lịch sử, dù chỉ tiêu mỗi ngành là 20 nhưng tính trung bình chỉ có 5,7 thí sinh trúng tuyển mỗi ngành. Năm 2020, trường cũng phải xét tuyển bổ sung nhưng không có nhiều thí sinh quan tâm.
Tại miền Trung, trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) hay trường ĐH Phú Yên cũng chung hoàn cảnh khi kết quả tuyển sinh hằng năm chỉ đạt khoảng 40 - 60% so với chỉ tiêu. Ở TP. HCM, trường ĐH tài nguyên và Môi trường được nâng cấp lên đại học vào ngày 14/10/2011, từ trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP. HCM. Thế nhưng, từ khi lên đại học đến nay, hầu như năm nào trường cũng phải chật vật trong khâu tuyển sinh. Năm 2020, trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM thông báo xét tuyển bổ sung đến 14/17 ngành bằng cả hai phương thức điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Riêng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, trường xét bổ sung 756 chỉ tiêu, mỗi ngành dao động từ 26 đến 100 chỉ tiêu.