Được biết, đây là một dự án xã hội được thực hiện bởi 3 thành viên gồm: Nguyễn Đình Đạo - Nghiên cứu sinh trường Đại học Queensland Úc, Lê Đào Khánh Long - Giảng viên, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp trong lĩnh vực Kinh tế sức khỏe, Đại học Monash, Úc và Trần Thị Phúc Duyên - Giảng viên, Đại học Greenwich Cần Thơ.
Lê Đào Khánh Long - Giảng viên, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp trong lĩnh vực Kinh tế sức khỏe, Đại học Monash, Úc. |
Nguyễn Đình Đạo - Nghiên cứu sinh trường Đại học Queensland Úc. |
Đạo chia sẻ: “Mình từng nhận học bổng Chính phủ Úc (AAS Scholarship) cho khóa học Thạc sĩ Kinh tế tại trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Úc. Hiện tại, mình đang là nghiên cứu sinh ngành Kinh tế sức khỏe, với đề tài về sức khỏe trẻ em, tại trường Đại học Queensland. Anh Long là giảng viên, đã có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong các đánh giá kinh tế dựa trên thử nghiệm và tập trung mạnh vào các kỹ thuật lập mô hình để đánh giá hiệu quả chi phí của các can thiệp đối với rối loạn tâm thần. Trong thời gian công tác tại các trường Đại học ở Úc, tiến sĩ Long đã có nhiều công trình khoa học về sức khỏe tâm thần, được công bố trên các tạp chí quốc tế. Chị Duyên cũng là 1 trong số cựu sinh viên Việt Nam nhận học bổng Chính phủ Úc. Năm 2019, chị nhận bằng thạc sĩ Kinh tế tại trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Úc, và trở về Việt Nam công tác tại trường Đại học Greenwich Cần Thơ”.
Trần Thị Phúc Duyên - Giảng viên, Đại học Greenwich Cần Thơ. |
Năm 2022, dự án nghiên cứu về sức khỏe tinh thần của trẻ em Việt Nam của nhóm đã được Chính phủ Úc phê duyệt tài trợ thông qua Quỹ hỗ trợ cựu sinh viên Úc (AAGF). Đây là quỹ tài trợ cho dự án của các cựu sinh viên Việt Nam đã từng học tập tại Úc nhằm củng cố các kiến thức và kỹ năng chuyên môn; góp phần thay đổi về tổ chức của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội; và tăng cường mối quan hệ bền vững giữa hai quốc gia.
Sau đại dịch COVID-19, Việt Nam quay trở lại “một cuộc sống bình thường mới”, các chính sách giãn cách xã hội và đóng cửa trường học đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của bệnh dịch đến sức khỏe tinh thần của trẻ em vẫn còn kéo dài, đặc biệt đối với nhóm trẻ em ở vùng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
“Chúng mình thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu không chỉ đóng góp học thuật về nghiên cứu sức khỏe tinh thần trẻ em Việt Nam mà còn mong muốn nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề tiêu cực của sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Nghiên cứu của chúng mình sẽ đem lại các bằng chứng khoa học để giúp các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan địa phương và các trường học có thêm cơ sở để thực hiện các chương trình, dự án phù hợp, góp phần đem lại sự thành công cho chương trình quốc gia y tế học đường và nâng cao sức khỏe của trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam.Thông qua các hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu, chúng mình cũng mời tới các chuyên gia là các nhà tâm lý học và bác sĩ để chia sẻ các kiến thức chăm sóc sức khỏe tinh thần ở trẻ em và kinh nghiệm từ Úc trong vấn đề này” - Đạo chia sẻ.
Tâm sự với phóng viên, Đạo cho biết trong quá trình thực hiện dự án, nhóm đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải là cả ba đều sinh sống xa khu vực nghiên cứu. “Anh Long và mình hiện tại đều đang học tập và công tác tại Úc, chị Duyên lại đang làm việc ở Cần Thơ. Trong khi đó, khu vực mà nhóm tiến hành nghiên cứu là tại ba tỉnh thành Hà Nội, Lào Cai, và Sơn La.” Với tinh thần tích cực và niềm đam mê trong nghiên cứu sức khỏe tinh thần của trẻ em Việt Nam, cả nhóm đã nỗ lực hết sức trong nghiên cứu này.
Bên cạnh đó, sự động viên tinh thần của các địa phương và các bậc phụ huynh tham gia trong dự án và sự hỗ trợ nhiệt tình của tổ chức Aus4Skills đã tạo động lực cho nhóm hoàn thành dự án này. Nhóm đã trình bày kết quả nghiên cứu tới các tổ chức quốc tế như ChildFund Việt Nam, Save The Children Việt Nam, và Trung tâm CBEH, trường Đại học Queensland. Đạo chia sẻ, “Nhóm đã hoàn thành bản nháp để nộp cho tạp chí quốc tế với mong muốn phổ biến kết quả nghiên cứu dưới góc độ học thuật”.
Cả một quá trình dài đầy khó khăn và vất vả nhưng hằn sâu trong kí ức của Đạo lại là những kỉ niệm không bao giờ quên. Kỉ niệm đặc biệt nhất có lẽ là những chia sẻ đầy tâm sự của những học sinh cấp 2 tham gia vào dự án. Một học sinh đã chia sẻ rằng “Bố mẹ cháu đi làm vất vả có nhiều thời gian áp lực nên bố mẹ rất dễ cáu giận. Nhiều khi bố mẹ mắng cháu vì chuyện học hành nên cháu có rất buồn”.
Đạo nhận thấy một thực tế: nhiều phụ huynh luôn mong muốn con cái của họ có một tương lai tốt đẹp dựa vào học hành, nhưng quên mất đi rằng điều trẻ em cần chỉ đơn giản là sự quan tâm của gia đình, sự cảm thông và chia sẻ: “Cháu được ở gần gia đình, được nghe những câu chuyện cười mà lâu không được người lớn kể và được quây quần bên nhau”, là “Con có nhiều hiểu biết hơn và nhiều tình cảm với mẹ hơn qua những lần trò chuyện với mẹ mà trong thời gian trước dịch mà con chưa có được”, hay “Điều cháu hạnh phúc nhất trong thời gian COVID-19 là được làm những món ăn tại nhà với mẹ và gia đình, cùng nhau xem phim”.
Đạo cho biết thêm nhóm rất vui khi dự án đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực cho cộng đồng. Chị Đồng Thị Hà Uyên, cán bộ từng công tác tại các tổ chức như ChildFund Việt Nam và WorldVision chia sẻ về dự án “Là người từng tham gia các dự án nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em Việt Nam, tôi rất vui mừng khi Nhóm nghiên cứu đã thực hiện một dự án bao gồm cả trẻ em dân tộc thiểu số. Đồng hành cùng với các nhóm tác giả trong quá trình thu thập dữ liệu, tôi cảm thấy hạnh phúc khi thấy nhiều em nhỏ suy nghĩ nghiêm túc về những gì đã diễn ra đối với cuộc sống và học tập của các em trong thời gian đóng cửa trường học do COVID-19, và những cảm nhận rất sâu sắc của các em”.
Anh Vàng A Bình, người dân tại Bản Liền, Bắc Hà, Lào Cai chia sẻ: “Mình và người dân nơi đây cảm thấy rất biết ơn khi các bạn (các thành viên trong nhóm nghiên cứu) đã không ngại đường xa để tới Bản Liền với những chia sẻ rất hữu ích về việc nâng cao sức khỏe tinh thần của trẻ em. Bình hi vọng qua các buổi chia sẻ này, các em học sinh có động lực nhiều hơn để học tập tốt và bước ra ngoài thế giới rộng lớn ngoài kia, và đi xa hơn thế hệ của Bình.” Anh Hà Văn Hát, UBND xã Mường Tè, tỉnh Sơn La cho biết: “Là cán bộ xã, tôi cho rằng dự án rất ý nghĩa và thiết thực tới các em học sinh và phụ huynh cũng như người dân tại địa phương”.
Khi được hỏi về kết quả nghiên cứu, Đạo chia sẻ: “Chúng tôi phát hiện ra rằng, mặt bằng chung, trẻ em vùng nông thôn, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số có sức khỏe tinh thần về các vấn đề cảm xúc và mối quan hệ bạn bè kém hơn trẻ em thành thị. Ở khu vực thành thị, tác động tiêu cực của COVID-19 tới sức khỏe tinh thần của trẻ em là rõ nét hơn.”
Nhóm nghiên cứu đề xuất rằng các hoạch định chính sách nhằm tăng cường sức khỏe tinh thần của trẻ em nên tính đến các yếu tố khu vực, đặc biệt là trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ cộng đồng, trường học, và gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của trẻ em. Đối với trường học, việc áp dụng các phương pháp tiếp cận toàn diện để cải thiện mối quan hệ tích cực và thân thiện với học sinh là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, các trường học có thể nâng cao xây dựng các hoạt động ngoại khóa lồng ghép các kỹ năng cảm xúc và xã hội để tạo cơ hội cho học sinh thể hiện và xác định cảm xúc của mình.”
Đạo cũng chia sẻ, bản thân các bậc phụ huynh và các giáo viên cũng cần quan tâm và chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính bản thân, vì điều này sẽ ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe tinh thần của trẻ em. Kết quả của báo cáo cũng đồng thời cũng là cơ sở khoa học để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng cấp địa phương và trung ương, các trường học có được các chính sách, giải pháp hoặc các can thiệp phù hợp để nâng cao sức khỏe tâm thần của trẻ em, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề sức khỏe này.
Là du học sinh, Đạo cho rằng “các bạn trẻ nên phát triển bản thân để có có nhiều cơ hội nhận được các học bổng quốc tế như Học bổng Chính phủ Úc (AAS), từng bước bước ra thế giới, để tương lai đóng góp ngược lại tới sự phát triển của Việt Nam. Phát triển bản thân là bước đầu để phát triển quốc gia, mình tin là vậy!”. Trong tương lai, Đạo sẽ tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình trong nghiên cứu học thuật về kinh tế phát triển và kinh tế sức khỏe, với hi vọng những nghiên cứu ấy sẽ đóng góp một chút gì đó tới cộng đồng khoa học Việt Nam và thế giới.