6 kỹ năng sinh viên cần có để làm việc hiệu quả trong môi trường chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - TS. NGƯT Phạm Xuân Khánh – Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Hội đồng trường, trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ về sự chuẩn bị của nhà trường trước xu hướng chuyển đổi số, với mục tiêu sớm trở thành cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo các nghề công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh các kỹ năng sinh viên cần trang bị để sẵn sàng thích ứng, nếu muốn thành công trong tương lai.

Thưa ông, xu hướng chuyển đổi số rất cần những nhân lực chất lượng cao được đào tạo theo chuẩn quốc tế, trường đã chuẩn bị cho xu hướng này như thế nào?

Chuyển đổi số đơn giản là chuyển đổi hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số, là xu thế tất yếu giúp tăng năng suất, giảm chi phí, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có trên cơ sở ứng dụng những đột phá công nghệ số. Trong giáo dục, chuyển đổi số là chuyển đổi hoạt động dạy và học lên môi trường số. Theo xu hướng thời đại thì bất cứ cơ sở giáo dục nào cũng cần thực hiện chuyển đổi số.

6 kỹ năng sinh viên cần có để làm việc hiệu quả trong môi trường chuyển đổi số ảnh 1

TS. NGƯT Phạm Xuân Khánh – Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Hội đồng trường, trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, trong giai đoạn mới, mục tiêu của trường là sớm trở thành cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo các nghề công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn. Trước xu hướng chuyển đổi số, nhà trường sớm nhận biết được xu hướng, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để áp dụng vào thực tiễn như nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo thông minh, theo hướng mở, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự thay đổi kỹ năng mới, thích ứng cao với công nghệ tiên tiến, tận dụng cơ hội để bứt phá trong kỷ nguyên số.

Trong đó, đầu tiên là thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, học sinh sinh viên về sự cần thiết phải tham gia công cuộc chuyển đổi số. Nếu trước đây “cá lớn nuốt cá bé” thì nay, nếu không nhanh tay trong quá trình chuyển đổi số sẽ có tình trạng “cá nhanh, nuốt cá chậm”. Sự thay đổi về nhận thức có ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển đổi số tại trường.

Tiếp đến phải nhanh chóng đầu tư hạ tầng CNTT đủ mạnh để triển khai hệ thống ứng dụng quản trị trường tiên tiến và đưa toàn bộ các hoạt động dạy và học lên môi trường số như: Thực hiện số hóa bài giảng, tài liệu, giáo trình; xây dựng thư viện số; triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến; xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng thực hành với công nghệ thực tại ảo; số hóa ngân hàng câu hỏi, đề thi; triển khai hệ thống trợ lý ảo hỗ trợ việc tự học của sinh viên; số hóa và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu tuyển sinh…

Áp dụng mô hình quản trị cơ sở dữ liệu tiên tiến để giảng viên và sinh viên có thể chia sẻ, tương tác với nhau một cách liên tục và linh hoạt trên lớp hoặc ngay tại nhà, kịp thời nắm bắt các thông tin như: điểm số, lịch học, thông báo… giúp sinh viên tăng cơ hội học tập với thời gian linh động, gắn kết giữa cộng đồng người học với trường và đơn vị tuyển dụng.

Đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi ngoại ngữ, sử dụng thành thạo và khai thác có hiệu quả các thiết bị công nghệ số, có kiến thức và tiếp cận với công nghệ mới để khai thác dữ liệu lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo… làm nòng cốt trong việc chuyển đối số ở nhà trường.

6 kỹ năng sinh viên cần có để làm việc hiệu quả trong môi trường chuyển đổi số ảnh 2

6 kỹ năng sinh viên cần trang bị để có thể làm việc hiệu quả trong môi trường chuyển đổi số.

Chủ động mở mới, thay đổi ngành nghề đào tạo, quy mô đào tạo trên cơ sở năng lực của trường nhu cầu của doanh nghiệp và sự thay đổi của công nghệ.

Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học toàn trường, phát triển vườn ươm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học, Sở KH - CN TP. Hà Nội, Cục Phát triển thị trường DN KH - CN và với Bộ KH - CN trong các hoạt động KH - CN.

Thực tế, trong làn sóng đại dịch COVID-19, cán bộ, giáo viên, sinh viên không đến trường được nhưng trường không dừng hoạt động. Các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và giải quyết việc làm… vẫn được thực hiện hiệu quả trên môi trường số.

Để có những sinh viên ưu tú thì đầu vào phải cao, ông có lo ngại khi những sinh viên xuất sắc nhất thường chọn vào đại học chứ không theo học cao đẳng?

Tôi hoàn toàn không lo ngại mà rất vui mừng khi những sinh viên xuất sắc nhất chọn vào đại học. Mà tôi thực sự lo ngại về thực trạng bất cập cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động Việt Nam, đó là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Thị trường lao động đang rất thiếu nhiều kỹ thuật viên, công nhân lành nghề, trong khi rất nhiều kỹ sư, cử nhân ra trường lại không có công ăn việc làm, phải làm trái nghề, thậm chí lao động chân tay.

Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội đang góp phần giải quyết bất cập này. Mặc dù đầu vào là sự lựa chọn cuối cùng nhưng qua quá trình đào tạo, đầu ra được thị trường chấp nhận. Thực tế đến nay các doanh nghiệp, công ty đều phản hồi tốt về chất lượng đầu ra của sinh viên của chúng tôi.

Là một người giảng viên với hơn 30 năm kinh nghiệm quản lý, giảng dạy cả trong hai hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, tôi nhận thấy rằng khi người học được học tập, rèn luyện trong môi trường vừa với sức mình sẽ tự phát huy được phẩm chất, năng lực của bản thân. Những sinh viên thực sự có đầu vào cao thực sự (xuất sắc) nhất nên chọn vào đại học, đó là môi trường nghiên cứu, hàn lâm giúp sinh viên phát huy tốt nhất tư duy, trí tuệ của mình để sau khi ra trường trở thành những “đầu tàu”, “máy cái”, những nhà phát minh, sáng chế, nghiên cứu phát triển hoặc các nhà quản lý tài ba để tạo ra việc làm cho những người khác.

Tất nhiên, thực tiễn ở trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội có không ít sinh viên có đầu vào thấp, không đủ điểm để vào đại học. Nhưng khi lựa chọn nhà trường, với mục tiêu học nghề, được thầy cô truyền lửa, đã nhanh chóng thích nghi và đã khởi nghiệp thành công ngay khi chưa rời ghế trường. Nhiều em ra trường đã có những bước tiến dài, tốt hơn các bạn cùng trang lứa theo học đại học vì đã chọn cho mình một con đường đi phù hợp với hoàn cảnh, sức học. Nên không nhất thiết cứ phải học đại học mới vào đời thành công mà điều quan trọng nhất là tìm được một ngành học phù hợp với chính mình.

Thiết nghĩ, đó là do sự định hướng đúng kết hợp môi trường học tập và rèn luyện như có đầy đủ máy móc trang, thiết bị trong các trường nghề, cùng với sự hướng dẫn tận tình của giảng viên với lý thuyết ngắn gọn, dễ hiểu, học đến đâu được thực hành đến đó, kích thích sự tò mò, suy nghĩ, sáng tạo, giúp các em phát huy được tố chất, bản năng gốc của mình.

Thông qua quá trình đào tạo, các em tích luỹ được kiến thức căn bản, từng bước hình thành và hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp và nhận thức được sự quan trọng của kỹ năng nghề. Từ đó, giúp các em tự tin lập thân, lập nghiệp thành công, khẳng định được mình trong cuộc sống.

Theo ông, ngoài những kiến thức chuyên môn trong trường, sinh viên cần học tập và tích luỹ thêm những kỹ năng gì khi để có thể làm việc hiệu quả trong môi trường chuyển đổi số?

Đối với sinh viên, muốn sau này trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước trong thời đại 4.0 các em cần học tập và rèn luyện để sớm hình thành những tố chất sau:

- Kỹ năng nghiên cứu độc lập, khả năng tự học: Đây là kỹ năng rất quan trọng bởi vì ngoài những kiến thức trên lớp do giảng viên truyền đạt, các em cần tham khảo, nghiên cứu tài liệu để tự nâng cao, hoàn thiện kiến thức của mình trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh hiện nay. Điều này sẽ giúp kể cả khi rời nhà trường các em cũng có thể tự học để nâng cao trình độ chuyên môn.

- Kỹ năng giao tiếp: Ngoài các kỹ năng giao tiếp truyền thống như đọc, nói và viết mạch lạc, rõ ràng; kỹ năng ngoại ngữ các em sinh viên cần bổ sung thêm kỹ năng giao tiếp trên mạng xã hội, thông qua Internet để tiếp cận với nhiều người để thu thập và trao đổi thông tin.

- Kỹ năng làm việc theo nhóm: Kỹ năng này rất cần thiết để sinh viên có thể biết cách hợp tác, phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ học tập và sớm hình thành tác phong cần thiết này khi làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, khi mà môi trường học tập và công tác có thể phân tán, từ xa, sinh viên có thể phải cách xa thầy cô và bạn cùng lớp học.

- Kỹ năng tư duy sáng tạo: Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, bởi vì các em cần hình thành và phát triển kỹ năng này, vì sau khi ra trường, các doanh nghiệp rất cần nhân sự có khả năng sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới và quy trình mới để giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.

- Kỹ năng khai thác và sử dụng công nghệ thông tin: Rất nhiều các doanh nghiệp và tổ chức hiện nay đang trong quá trình chuyển đổi số, quá trình này phụ thuộc phần lớn vào việc sử dụng, khai thác hệ thống CNTT. Do đó, sinh viên cần phải thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính và các thiết bị số hóa để có thể sử dụng, tương tác với môi trường làm việc trong thời đại 4.0.

- Khả năng cập nhật kiến thức mới: Đây là kỹ năng rất cần đối với sinh viên, vì hiện nay khoa học và công nghệ thay đổi rất nhanh chóng với các nghiên cứu mới, phát triển mới, và có thể được phổ biến rất nhanh chóng trên Internet. Kiến thức mà các em học ở trường có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời. Do đó, khả năng cập nhật kiến thức mới là kỹ năng quan trọng mà sinh viên cần có trong thời đại 4.0.

Bản chất con người là ngại thay đổi, trong khi những thay đổi do chuyển đổi số mang lại là vô cùng lớn. Ông có chia sẻ gì với các bạn học sinh, sinh viên về vấn đề này?

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một phương tiện quan trọng giúp tổ chức đạt được sự hiệu quả trong vận hành, thích ứng nhanh với những nhu cầu thay đổi của khách hàng và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho tổ chức của mình. Chính vì vậy, trong tương lai gần, hầu hết các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện… sẽ phải thực hiện chuyển đổi số, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, đặc biệt là dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến rất nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế. Nhưng đồng thời cũng gây ra không ít khó khăn và thách thức bởi tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực cao do sự dịch chuyển lao động giữa các nước trong khu vực. Nhân lực có trình độ cao trong khu vực ASEAN sẽ tự do di chuyển đến Việt Nam do chúng ta đang thiếu hụt lực lượng lao động này. Thực tế hiện nay, nguồn nhân lực chúng ta vẫn còn nhiều điểm yếu như: tính chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm; năng lực giải quyết vấn đề; khả năng tự tư duy, tự nhận biết vấn đề và tự đưa ra được những giải pháp cải tiến hiệu suất công việc hoặc sự nỗ lực để có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng tốt hơn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, ý thức văn hoá công nghiệp, kỷ luật lao động, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với doanh nghiệp, khả năng sử dụng ngoại ngữ, sự hiểu biết văn hoá các nước trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài không được đánh giá cao.

Trước bối cảnh đó, ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường, các bạn sinh viên cần chuẩn bị kỹ cho mình tinh thần, tâm thế, sự sẵn sàng vượt qua mọi sự thay đổi, khó khăn, thách thức; quyết tâm khắc phục những nhược điểm cố hữu của bản thân, những điểm yếu của lao động Việt Nam, tích cực học tập, rèn luyện, tích luỹ những kiến thức kỹ năng chuyên môn và liên quan để làm tiền đề cho thành công trong tương lai như:

1. Vượt qua được tư duy cũ, tư duy an toàn, thay đổi bản thân để nắm bắt các cơ hội. Các doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số đều cho rằng những thay đổi về văn hoá doanh nghiệp khó khăn hơn là những thay đổi về công nghệ. Bởi xét cho cùng, công nghệ cũng chỉ là một loại công cụ hỗ trợ. Công cụ dù có thông minh đến đâu mà người sử dụng không có tư duy thay đổi thì cũng không thể phát huy được tác dụng.

2. Chủ động, tích cực học tập, rèn luyện kỹ năng chuyên môn để có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác và vận hành hiệu quả, những tiến bộ công nghệ, thích ứng nhanh với sự thay đổi của doanh nghiệp.Ví dụ, các kỹ sư trong nhà máy sẽ phải biết điều khiển hệ thống robot, điều khiển các hệ thống tự động hóa… thì mới vận hành được các nhà máy thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0

3. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ, kỹ năng tin học trên máy tính và các thiết bị thông minh để đáp ứng các nhu cầu học tập, làm việc trong môi trường số.

4. Chú trọng học tập và rèn luyện các kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy sáng tạo, năng lực quản lý, nắm vững các kiến thức an toàn lao động, các tiêu chuẩn quốc tế ISO, 5S, Kaizen... áp dụng trong doanh nghiệp.

5. Không ngại tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; các phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ôn luyện thi kỹ năng nghề… do nhà trường tổ chức để nâng cao kiến thức, kỹ năng; sự say mê, sáng tạo; khả năng tư duy, tự khám phá, tiếp cận khoa học công nghệ. Từ đó có thể hình thành phát triển các ý tưởng/dự án khởi nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học. Tận dụng các điều kiện, cơ hội để nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm sáng tạo làm tiền đề cho khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

Từ 24 - 28/4, Bộ GD - ĐT sẽ cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến

SVVN - Bộ GD-ĐT vừa ban hành kế hoạch số 299/KH-BGDĐT về việc tổ chức Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024. Từ 24/4 đến 28/4, Bộ sẽ tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi chính thức từ 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

Chuyên gia mách nước để vượt qua áp lực thi cử

SVVN - “Giá trị con người không nằm ở điểm số, nhưng nó giúp con đường đi sau này dễ dàng hơn, nếu các bạn có mục tiêu và hoạch định được con đường đi của mình”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà - giảng viên trường ĐH Mở TP. HCM chia sẻ tại chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - đưa chuyên gia đến với trường học", sáng 8/4, tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM).