Công việc sáng tạo và chữa lành
Hứng thú với việc từ một cuộn len lại có thể tạo nên vô số những thành phẩm xinh đẹp, Nguyễn Ngọc Mộng Tuyền (sinh năm 2002) đã bắt đầu học móc len và biến nó trở thành một trong những nguồn thu nhập từ tháng 3/2023. Đây cũng là cách để cô có thể duy trì kinh phí cho đam mê nhỏ của mình.
“Móc len cũng là một loại phương pháp chữa lành. Khi móc len mình hoàn toàn tập trung vào từng mũi móc và tâm trí được thoải mái, thư giãn hơn. Mình có tinh thần tích cực hơn từ ngày biết móc len”, Mộng Tuyền chia sẻ.
Vì tự kinh doanh nên Tuyền phải đảm nhận tất cả công việc từ chụp ảnh, quay video sản phẩm, làm sản phẩm, chăm sóc khách hàng, đóng gói, gửi hàng... Đang là sinh viên năm cuối nên đôi lúc Mộng Tuyền cảm thấy rất mệt mỏi và phải tạm dừng kinh doanh: “Mình gần như phải liên tục tạm ngưng nhận đơn vì bị quá tải đơn không làm nổi”.
Móc len là một việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Tùy vào kích thước to nhỏ, mức độ đơn giản hay phức tạp mà thời gian bỏ ra cho các sản phẩm len móc sẽ khác nhau, nhanh thì tầm 2 - 3 ngày, chậm hơn thì 7 - 15 ngày.
Nguyễn Ngọc Mộng Tuyền hiện đang là sinh viên năm cuối của trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM). (Ảnh: NVCC) |
Cũng bắt đầu từ niềm đam mê với đồ handmade, Hoàng Thị Kiều Dân (sinh năm 1998) đã bắt đầu kinh doanh sản phẩm móc len thông qua kênh TikTok “Tiệm len Bạn nhỏ”, với hơn 16.000 follows.
Kiều Dân biết đến và học móc len từ năm lớp 8 thông qua bạn của mình. Đến năm 2022, khi trào lưu móc len làm quà tặng quay lại thịnh hành ở giới trẻ thì Dân đã tự tìm hiểu và bắt đầu kinh doanh các sản phẩm đa dạng và dễ thương hơn như hoa len, móc khóa, thú len, kẹp tóc, phụ kiện cho thú cưng…
Hoàng Thị Kiều Dân cùng sản phẩn của mình. (Ảnh: NVCC) |
Lúc mới bắt đầu công việc kinh doanh, Dân không được gia đình ủng hộ vì cho rằng công việc này không ổn định và tốn nhiều thời gian. Đôi lúc, cũng có nhiều người hỏi giá, rồi... đi mất, nhưng với niềm đam mê đan móc và kinh doanh nên Dân đã không từ bỏ. Khi thấy Dân bán được hàng thì gia đình cô cũng dần ủng hộ và động viên cô tiếp tục công việc.
Công việc móc len đòi hỏi phải có sự sáng tạo không ngừng để mang đến những sản phẩm thú vị cho khách hàng. Đây là một trong những nghề tay trái khá phổ biến ở giới trẻ hiện nay, bởi giá vốn bỏ ra không nhiều và không bị cạnh tranh quá mạnh như các ngành hàng ăn uống hay may mặc.
Lúc đầu, móc len chỉ là công việc tay trái của Kiều Dân, nhưng hiện tại lại chuyển qua "nghề chính" khi công việc của cô gặp khó khăn. Kinh doanh sản phẩm len móc vừa giúp Kiều Dân kiếm thêm thu nhập, vừa giúp cô có thêm những người bạn để trò chuyện về niềm đam mê len móc. “Nghề chọn người là có thật ạ, trước đây mình không tin, thực sự là mình chưa bao giờ nghĩ có thể làm nghề móc len kiếm tiền, nó vốn chỉ là niềm vui thú giải trí của mình mà thôi!”, Kiều Dân chia sẻ.
Rèm hoa là sản phẩm được đặt hàng nhiều nhất ở tiệm của Kiều Dân gần đây bởi sự độc đáo của nó. (Ảnh: NVCC) |
Kiên trì với đam mê
Cùng bắt đầu kinh doanh với hoa handmade, đồng thời đây cũng là công việc chính của Trần Thị Nguyệt Ánh (sinh năm 2003). Là một người yêu hoa và mong muốn mở một tiệm hoa nhỏ, nhưng đặc tính của hoa tươi rất khó để vận chuyển xa, nên Nguyệt Ánh quyết định mở bán và tạo ra HALi Florist, một thương hiệu hoa handmade với mong muốn lan tỏa sự xinh xắn từ những bông hoa nhỏ đến với mọi người.
Mỗi loại hoa có cách làm riêng nên giá bán sẽ khác nhau, tuy nhiên, với Nguyệt Ánh, sản phẩm handmade nói chung và hoa handmade nói riêng không nên và cũng rất khó để định giá đắt hay rẻ, bởi phía sau mỗi sản phẩm là tâm huyết, chất xám và thời gian của người thợ. “Công việc làm hoa handmade đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng khó nhất có lẽ là việc sử dụng chất liệu, phối màu sao cho phù hợp và phân tích bố cục cho bó hoa”, Nguyệt Ánh chia sẻ.
Các loại hoa handmade ở tiệm của Nguyệt Ánh được làm chủ yếu từ len, đất sét, giấy nhún. (Ảnh: NVCC) |
Hiện nay, Nguyệt Ánh đang từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu HALi của riêng cô. Không chỉ ở Việt Nam, Ánh còn dự định mở rộng thị trường sang Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua Naver - Một nền tảng thương mại điện tử tại Hàn Quốc.
Giá trị của những món quà handmade không nằm ở giá tiền hay thương hiệu mà đến từ chính ý nghĩa mà người tặng muốn gửi gắm cùng với món quà. Ngoài các sản phẩm handmade, đồ thủ công, nhiều bạn trẻ cũng không ngại thử thách bản thân và luôn chủ động kiếm thêm thu nhập bằng cách tự kinh doanh hay xây dựng thương hiệu cá nhân.