Thích nghi trước những thay đổi mới
Sau những ngày tháng tuân thủ Chỉ thị 16, Nguyễn Lê Tú Uyên (năm thứ hai, ngành Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Kinh tế TP. HCM) đã sẵn sàng để thích nghi với những thay đổi của TP. HCM sau ngày 1/10. Tú Uyên sống tại phường Bình Thuận, Q. 7, đây là “vùng xanh” của TP. HCM từ ngày 15/9. Cô bạn chia sẻ: “Hiện tại, tình hình dịch Q. 7 đã được kiểm soát. Tuy là “vùng xanh” nhưng mọi người vẫn còn e ngại khi ra khỏi nhà”. Khu phố của Uyên đã triển khai tiêm vắc xin mũi thứ nhất được 100% và đang gấp rút lên danh sách tiêm mũi thứ hai.
Dịch bệnh kéo dài đã khiến những kế hoạch của Uyên bị trì hoãn. Cô bạn đã chuyển hết lịch trình sang hình thức online và những kế hoạch bắt buộc di chuyển thì dời lại sau dịch. Thời gian này, Uyên đã học thêm Content Marketing và các phần mềm thiết kế đồ họa để “nâng cấp” bản thân. Sau ngày 1/10, cô sẽ tiếp tục học tập và làm việc online cho đến khi tình hình ổn hơn.
Sau ngày 1/10, Tú Uyên sẽ tiếp tục học tập và làm việc online cho đến khi tình hình ổn định hơn. |
Vì phải đi làm thêm nên Đinh Thị Hoài Thanh (năm thứ hai, ngành Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Kinh tế TP. HCM) đã quyết định không về quê và ở lại TP. HCM trong đợt dịch này. Tuy vậy, dịch kéo dài đã gây khá nhiều khó khăn cho Thanh trong sinh hoạt và chi tiêu. Hiện tại, Thanh đang sống tại phường 8, Q. 10 và khu vực này đã trở thành “vùng xanh” từ khoảng giữa tháng Tám. Cô chia sẻ: “Khi thành phố triển khai “bình thường mới”, mình sẽ có cơ hội thực hiện các dự định còn dở dang và mình đang rất hào hứng vì điều đó”.
Để khoảng thời gian này không lãng phí, Thanh đã đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện. Cô cho biết, mình bắt đầu tham gia “Bếp xanh tình nguyện” từ ngày 20/7 tại P. 5, Q. 10. Tại đây, Thanh nhận nhiệm vụ nấu ăn cho lực lượng chống dịch của địa phương, phân chia thực phẩm rồi đi phát cho người dân. Khi đăng ký tham gia tình nguyện, cô không báo cho gia đình vì sợ ba mẹ sẽ lo lắng. Nhưng sau khi nghe cô thuyết phục, ba mẹ cũng hiểu và đồng ý cho Thanh tiếp tục công việc tình nguyện này.
Hoài Thanh sẽ tiếp tục công việc thiện nguyện của mình và hoàn thành những kế hoạch dang dở. |
Thanh đã hoàn thành 2 mũi vắc xin và đã được cấp “thẻ xanh”. Điều này sẽ giúp Thanh dễ dàng hơn trong việc làm thêm và học tập sau ngày 1/10. Thanh khẳng định, đây là khoảng thời gian đáng nhớ bởi cô đã học thêm được nhiều kỹ năng mới.
Mong chờ cuộc sống “mới”
Vốn là một người mẫu tự do nhưng do dịch bùng phát nên công việc của Trần Nguyễn Thiên Tài (năm thứ nhất, ngành Quan hệ công chúng, trường ĐH Văn Lang) đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy vậy, cậu luôn giữ tinh thần lạc quan, xem đây là “cơ hội” để tự nâng cấp bản thân và tận hưởng hạnh phúc bên gia đình.
Hiện tại, Tài đã tiêm xong mũi vắc xin thứ nhất và chuẩn bị cho mũi tiêm thứ hai. Mặc dù chưa được cấp “thẻ xanh” nhưng Tài đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho những thay đổi sắp tới của thành phố. Tài mong muốn dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống sớm trở lại "bình thường mới". Cậu cũng dự định sẽ tìm công việc làm mới vào thời gian tới.
Thiên Tài mong muốn dịch bệnh sớm qua và dự định sẽ tìm công việc mới. |
Cũng như bao bạn sinh viên khác, Nguyễn Trần Tấn Phát (năm thứ hai, ngành Sư phạm Tiểu học, trường ĐH Sài Gòn) cảm thấy háo hức khi nghe tin thành phố sắp trở lại “bình thường mới”. Phát cho biết, P. Bình Thuận, Q. 7 đã trở thành “vùng xanh” từ ngày 16/9 và sẽ cho phép các câu lạc bộ thể thao, các công viên có dụng cụ thể dục được hoạt động trở lại từ ngày 1/10. Cậu bạn đã tiêm đủ hai mũi vắc xin và đã được cấp “thẻ xanh” nên có thể đi chợ nếu được phát phiếu. “Có thể đi ra ngoài với tâm lý thoải mái hơn xíu sau một thời gian dài ở nhà chính là niềm vui giản đơn đối với mình. Tuy nhiên, mình luôn ý thức việc thực hiện "5K" để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng”, cậu chia sẻ.
Tấn Phát cảm thấy háo hức khi nghe tin thành phố sắp trở lại “bình thường mới”. |
Gia đình Phát vốn sống ở Q. 4 nhưng khi dịch bệnh ở đây diễn biến phức tạp, cậu phải sang nhà người thân ở Q. 7 để tránh dịch. Vì tuân thủ nguyên tắc giãn cách xã hội nên Phát dành hầu hết thời gian ở nhà để đọc sách, học tiếng Anh và quây quần bên gia đình. Khi dịch bùng phát trở lại, Phát đã lường trước tình huống học online nên luôn trong tâm thế sẵn sàng. Mặc dù khá bỡ ngỡ vào thời gian đầu nhưng sau đó, cậu đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới.