Phạm An Khanh, sinh năm 2006, nhận thư trúng tuyển học bổng toàn phần trị giá gần 1.2 tỷ đồng cho bốn năm học tại BUV hồi đầu tháng. Cô đang là học sinh lớp 12A7, trường THPT Khoa học giáo dục, trực thuộc trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
An Khanh chụp ảnh kỷ yếu tại trường. |
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Khanh cho biết: “Mình rất run khi mở mail và vỡ oà khi thấy dòng chữ ‘Bạn nhận được học bổng’. Bố mẹ mình thậm chí đã dùng Google dịch lá thư trúng tuyển để chắc chắn nội dung. Sau đó cả nhà cùng ôm nhau và hét lên đầy sung sướng”.
Được khám phá và trải nghiệm môi trường đa văn hoá từ lâu đã là ước mơ của Khanh. Tuy nhiên, cô bị mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi vừa muốn đi du học nhưng lại không thể xa gia đình.
Anh trai cô đã đi du học để có thể hiện thực hóa ước mơ của mình, còn bố của cô không lâu sau đó đổ bệnh. Do đó, việc giành được suất học bổng toàn phần tại một trường quốc tế tại Việt Nam đã giúp cô giải quyết bài toán khó này.
Nữ sinh trúng tuyển ngành Kinh tế và Quản lý, bằng cử nhân do Đại học London (UoL) cấp, với chương trình học từ trường thành viên UoL là Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (LSE). LSE đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng các trường đại học nhóm ngành kinh tế tốt nhất thế giới của QS năm 2024.
Người thân và bạn bè đến chung vui cùng Khanh ngày nhận học bổng. |
Trong bài luận gửi trường, Khanh viết về câu chuyện của máy rút tiền tự động ATM. Lúc còn nhỏ, trước khi dịch vụ ngân hàng trực tuyến phổ biến như hiện nay, Khanh thỉnh thoảng lại được bố dắt đến trước cây ATM. Trong đôi mắt trẻ thơ, cây ATM giống như một vật nhiệm màu bởi chỉ cần nhét thẻ vào rồi tự nhiên sẽ nhận được một khoản tiền.
Khi lớn hơn, Khanh cũng dần hiểu ra cách vận hành của cây ATM và biết rằng không có khoản tiền nào mình nhận được là “tự nhiên”. Nhưng điều đó không hề khiến cô thất vọng, trái lại, còn làm cô thêm tò mò lẫn khao khát được hiểu thêm về lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ngành ngân hàng.
Cả bố và mẹ của Khanh đều làm việc trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, nên cô đã sớm được tiếp xúc với nhiều kiến thức chuyên ngành. Đam mê lớn dần hơn khi cô tự mày mò, tìm hiểu thêm nhiều điều bổ ích qua Internet, sách, báo hay những lần cùng bố, mẹ thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội.
“Ước mơ của mình là trở thành một chuyên viên quản lý nguồn vốn”, Khanh nói.
Anh Nguyễn Bùi Minh Huy, cố vấn học bổng (mentor) tại Hà Nội, đồng hành cùng Khanh trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và sửa bài luận. Anh Huy đánh giá cao mentee bởi tính chủ động và tự tin.
Theo anh, Khanh luôn tách biệt rõ ràng giữa công việc và cảm xúc, biết cách hạn chế khuyết điểm và thể hiện cho ban tuyển sinh thấy được tiềm năng của bản thân. “Bạn tự tìm hiểu trường, ngành nghề và tự định ra chiến lược ngay từ đầu cho riêng mình một cách rất bài bản và chỉn chu”, anh Huy cho biết.
Dù xác định được ngành học, định hình được công việc muốn theo đuổi, Khanh vẫn mất gần một tháng để hoàn thành bài luận. Có quá nhiều ý tưởng khiến cô loay hoay trong việc lựa chọn đề tài và cách triển khai, thậm chí đã phải “đập đi xây lại” một bài luận hoàn chỉnh bởi cảm thấy vẫn thật sự đột phá.
Về thành tích học tập, cô có điểm trung bình học tập các học kỳ đều trên 9.0 và IELTS 7.5. Khanh còn gửi thêm hồ sơ năng lực (portfolio) dài 30 trang, do cô tự tay thiết kế, đính kèm nhiều hình ảnh minh chứng cho hoạt động ngoại khoá. Nổi bật hơn cả là vai trò chủ tịch CLB âm nhạc của trường và đồng sáng lập một dự án về phát triển văn hoá đọc cho người trẻ.
Trong thời gian là chủ nhiệm CLB, Khanh và các thành viên đã tổ chức thành công 2 đêm nhạc gây quỹ, thu hút hơn 2500 khán giả, chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên. Số tiền gây quỹ từ chương trình được ủng hộ để xây trường cho các em nhỏ vùng cao.
Khanh trong thời gian làm chủ nhiệm câu lạc bộ. |
Tại vòng phỏng vấn học bổng, Khanh mang theo “phiên bản mini” của chính mình là một búp bê bằng len để giới thiệu với hai vị giáo sư. Bên cạnh những câu hỏi phổ biến, cô rất ấn tượng khi bất ngờ được hỏi: “Em sẽ làm gì nếu mở tủ lạnh và thấy một chú chim cánh cụt đang nhìn mình?”.
Cô nói rằng sẽ gọi cảnh sát để đưa bé chim cánh cụt đi. Trong lúc chờ người tới, cô sẽ kiếm đồ ăn cho bé cánh cụt. “Bởi nếu bé cánh cụt ở trong tủ lạnh nhà mình khi anh trai mình cũng ở nhà, chắc chắn anh ấy đã ăn hết đồ ăn trong tủ lạnh rồi. Nếu thế thì bé cánh cụt sẽ chết đói mất”, Khanh nhớ lại.
Theo cô, dù câu trả lời có phần hơi “ngô nghê”, nhưng lại thể hiện sự chân thật, gần gũi và hài hước, khiến hai giáo sư phỏng vấn cười rất vui. Cuối buổi phỏng vấn, các thầy, cô nhận xét Khanh là một nữ sinh nhẹ nhàng, có năng lượng tích cực và biết lắng nghe.
Khanh mang theo búp bê may mắn cùng đến nhận học bổng. |
Tại lễ trao học bổng của BUV, khi đại diện các học sinh phát biểu, Khanh đã tổng kết chặng đường vừa qua: “Lần đầu tiên trong đời, em có cơ hội nhìn lại bản thân và nhận ra những giá trị, tiềm năng của mình. Hành trình ứng tuyển còn muôn vàn thử thách, nhưng em thực sự đã rất vui và nhận ra tình yêu thương mà tất cả mọi người dành cho mình”.
Ảnh: NVCC