Các chuyên gia ngôn ngữ của Oxford đã lựa chọn từ này từ danh sách rút gọn gồm sáu từ tiêu biểu, phản ánh những vấn đề nổi bật của năm qua. Sau hai tuần thu thập ý kiến, phân tích dữ liệu ngôn ngữ và xem xét kết quả bình chọn, "brain rot" được vinh danh là từ đại diện cho năm 2024.
Theo định nghĩa của Oxford, "brain rot" là thuật ngữ mô tả tình trạng suy giảm khả năng tư duy hoặc trí tuệ, đặc biệt do tiêu thụ quá nhiều nội dung tầm thường, thiếu chiều sâu, thường là nội dung trực tuyến. Thuật ngữ này cũng được dùng để chỉ những nội dung gây ra hiện tượng trên.
"Brain rot" được Từ điển Oxford bình chọn là Từ của năm 2024 với hơn 37.000 lượt bình chọn. (Ảnh: Oxford University Press) |
Năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể của thuật ngữ này, với tần suất sử dụng tăng 230% so với năm trước. Sự phổ biến của từ "brain rot" chủ yếu gắn liền với những lo ngại về tác động tiêu cực của việc lạm dụng mạng xã hội và nội dung trực tuyến kém chất lượng.
Thuật ngữ "brain rot" thực tế đã xuất hiện từ lâu, lần đầu được ghi nhận vào năm 1854 trong cuốn Walden của Henry David Thoreau. Trong tác phẩm này, Thoreau chỉ trích xu hướng xã hội coi trọng các ý tưởng đơn giản, hời hợt hơn là những tư duy phức tạp, sâu sắc, và ông coi đây là biểu hiện của sự suy thoái trí tuệ.
Bước sang thế kỷ 21, "brain rot" mang ý nghĩa mới, đặc biệt trong năm qua. Từ này nổi lên trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, nơi thế hệ Gen Z và Gen Alpha thường dùng để chỉ nội dung vô nghĩa hoặc mang tính giải trí nhẹ nhàng. Tuy nhiên, thuật ngữ này cũng dần xuất hiện trong báo chí và văn bản chính thống, khi xã hội ngày càng lo ngại về tác động tiêu cực của nội dung trực tuyến đối với sức khỏe tâm thần, đặc biệt ở giới trẻ.
Từ "brain rot" chủ yếu gắn liền với những lo ngại về tác động tiêu cực của việc lạm dụng mạng xã hội và nội dung trực tuyến kém chất lượng. (Ảnh minh họa) |
Ví dụ điển hình có thể kể đến loạt video Skibidi Toilet của Alexey Gerasimov hay các meme "chỉ có ở Ohio" – những nội dung được coi là biểu tượng của văn hóa "brain rot" trên mạng xã hội. Các từ như "skibidi" (để chỉ điều vô nghĩa) hay "Ohio" (ám chỉ điều kỳ quặc) đã bước ra khỏi không gian mạng và trở thành một phần của ngôn ngữ đời thường.
Cũng trong năm nay, một trung tâm sức khỏe tâm thần ở Mỹ đã công bố hướng dẫn nhận diện và hạn chế tình trạng "brain rot", nhấn mạnh những nguy cơ tiềm ẩn đối với tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên khi tiêu thụ quá nhiều nội dung không chất lượng.
Casper Grathwohl, Chủ tịch Oxford Languages, nhận định: “Thật thú vị khi chứng kiến công chúng toàn cầu cùng tham gia và giúp chúng tôi chọn ra Từ của Năm. Trong hai thập kỷ qua, các Từ của Năm đã cho thấy sự thay đổi trong cách xã hội tiếp nhận và phản ứng trước văn hóa internet.
"Từ 'rizz' của năm ngoái đến 'brain rot' năm nay, chúng ta thấy ngôn ngữ ngày càng được định hình bởi các cộng đồng trực tuyến. Việc thế hệ Gen Z và Gen Alpha – những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ mạng xã hội – lại chính là nhóm phổ biến thuật ngữ này, thể hiện sự tự ý thức đầy hài hước của họ về tác động của thế giới số đối với chính mình."
Tháng trước, Từ điển Cambridge đã chọn “manifest” làm từ đại diện cho năm 2024. Thuật ngữ này phản ánh xu hướng chú trọng sức khỏe tinh thần, khuyến khích việc hình dung rõ ràng các mục tiêu để gia tăng khả năng hiện thực hóa chúng.
Theo thống kê, từ "manifest" đã được tra cứu tới 130.000 lần trên trang web của Từ điển Cambridge.