Threads – Sân chơi mới của nhà tuyển dụng
Nguyễn Minh Phương (25 tuổi), chuyên viên nhân sự tại một công ty thời trang ở TP.HCM, đã quyết định thử nghiệm Threads như một kênh tuyển dụng mới. “Mình vô tình lướt thấy những bài đăng tuyển dụng trên Threads của bạn bè và nhận ra đây là cách tiếp cận độc đáo, thân thiện với Gen Z. Sau khi đăng thử một tin tuyển dụng, bất ngờ nhận được hơn 70 hồ sơ trong chưa đầy ba ngày,” Minh Phương hào hứng chia sẻ.
Khác với các nền tảng tuyển dụng truyền thống như LinkedIn hay TopCV, Threads có cách hoạt động đơn giản, nhanh chóng. Chỉ cần liên kết tài khoản Instagram, người dùng đã có thể đăng bài và tương tác ngay lập tức. Nền tảng này phù hợp với các bài đăng có nội dung ngắn gọn, dùng ngôn ngữ gần gũi. “Chính phong cách không quá trang trọng đã giúp Threads trở thành công cụ thu hút các ứng viên trẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo và dịch vụ,” Phương nhận định.
Trào lưu tuyển dụng trên mạng xã hội Threads thu hút nhiều ứng viên trẻ tuổi. (Ảnh chụp màn hình). |
Tuy nhiên, Minh Phương cũng cảnh báo về những lỗ hổng của nền tảng này: “Do không yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp, Threads dễ trở thành nơi để các đối tượng lừa đảo lợi dụng. Mình từng nhận được phản hồi từ ứng viên rằng họ bị yêu cầu chuyển tiền đặt cọc sau khi ứng tuyển qua Threads.”
Minh Tâm (23 tuổi), một bạn trẻ đam mê "lướt" mạng xã hội và thường xuyên sử dụng Threads, chia sẻ rằng thời gian gần đây, gần nửa số bài đăng trên nền tảng này có nội dung liên quan đến tuyển dụng. “Mình không thực sự cần tìm việc, nhưng mỗi khi lướt thấy các bài đăng thú vị về tuyển dụng, mình vẫn dừng lại đọc vì tò mò,” Tâm cho biết.
Theo Minh Tâm, nếu Instagram là nơi dành cho những người yêu thích thị giác và nghệ thuật thì Threads lại phù hợp hơn với các ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo bằng ngôn từ. “Giới hạn ký tự trên Threads khiến mọi người phải sáng tạo trong cách diễn đạt, vừa ngắn gọn vừa đủ hấp dẫn,” Tâm nhận xét.
Các bài tìm việc liên tục được biến tấu phù hợp với ngôn ngữ Gen Z. (Ảnh chụp màn hình) |
Ngoài ra, Tâm cảm thấy việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trên Threads có một số điểm lợi thế so với các nền tảng truyền thống như LinkedIn hay VietnamWorks. “Khi gửi CV qua các trang web truyền thống, mình phải mất nhiều bước để chứng minh năng lực cá nhân. Nhưng trên Threads, chỉ cần xây dựng hình ảnh cá nhân thông qua các bài viết và tương tác, mình có thể để lại ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng,” Tâm giải thích.
Việc tìm việc qua Threads có một lợi thế lớn: các ứng viên không còn bị ràng buộc bởi khuôn mẫu CV truyền thống. Theo báo cáo từ Randstad năm 2023, có đến 63% thanh niên từ 18-24 tuổi cho rằng CV không phản ánh đầy đủ năng lực của họ. Thay vào đó, xây dựng hình ảnh cá nhân qua các bài đăng và tương tác trên Threads giúp Gen Z thể hiện cá tính một cách tự nhiên hơn.
Gen Z có nhiều cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trên Threads. (Ảnh chụp màn hình). |
Trần Khải Nam (24 tuổi), một freelancer về thiết kế đồ họa tại Hà Nội, cho rằng Threads còn là nơi để tìm kiếm cơ hội dài hạn. “Không như các trang web chỉ đăng tin tuyển dụng một chiều, Threads tạo ra sự tương tác hai chiều giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Một bài đăng hài hước, ngắn gọn sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý hơn những bản mô tả công việc truyền thống.”
Xu hướng tuyển dụng này có hiệu quả lâu dài?
Dù đang tạo nên làn sóng mới, không ít người hoài nghi về tính bền vững của việc tuyển dụng trên Threads. Chị Đỗ Phương Linh (32 tuổi), giám đốc nhân sự tại một công ty fintech ở Hà Nội, cho rằng Threads chủ yếu phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ hoặc start-up.
“Threads giống như con dao hai lưỡi. Nếu muốn tuyển dụng nhanh những vị trí part-time hoặc không yêu cầu nhiều kinh nghiệm, đây là lựa chọn tốt. Nhưng để tìm ứng viên phù hợp cho những vị trí quan trọng, nền tảng này chưa đủ chuyên nghiệp,” chị Linh phân tích.
Thực tế, Threads vẫn thiếu một số tính năng hỗ trợ tuyển dụng như bộ lọc ứng viên, đánh giá hồ sơ hay quảng cáo mục tiêu. Sho Dewan, nhà sáng lập trang web việc làm Workhap, nhận định rằng Threads mang tính chất thử nghiệm hơn là công cụ tuyển dụng chính thức. “Đa số nội dung trên Threads vẫn xoay quanh các câu chuyện đời thường. Nếu muốn xây dựng hình ảnh doanh nghiệp chuyên nghiệp, đây không phải nền tảng lý tưởng,” Sho nhấn mạnh.
Bàn thêm về khía cạnh này, chị Nguyễn Mai Lan, chuyên gia tư vấn tuyển dụng với hơn 15 năm kinh nghiệm tại Hà Nội, chia sẻ: “Threads là một hiện tượng thú vị trong tuyển dụng hiện nay, đặc biệt là khi Gen Z – thế hệ năng động và sáng tạo đang là lực lượng lao động chính. Tuy nhiên, nền tảng này thiếu sự chính thống và các công cụ chuyên biệt để đánh giá ứng viên một cách toàn diện. Điều này gây khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng ứng viên cho các vị trí quan trọng.”
Theo chị Lan, các doanh nghiệp lớn thường cần những quy trình nghiêm ngặt và hệ thống hóa trong tuyển dụng để giảm thiểu rủi ro về nhân sự. “Mặc dù Threads mở ra cơ hội để tiếp cận ứng viên trẻ, linh hoạt, nhưng sự thiếu hụt các tính năng như đánh giá kỹ năng, kiểm tra năng lực, hoặc xác thực thông tin khiến nó khó thay thế các nền tảng chuyên nghiệp như LinkedIn hay VietnamWorks,” chị nhấn mạnh.