Kể chuyện bằng màu sắc
Tsoul Duy hiện tại là một trong những colorist trẻ hàng đầu tại Việt Nam, được mệnh danh là “phù thủy màu sắc” đứng sau nhiều sản phẩm âm nhạc đình đám của làng giải trí thời gian vừa qua như: Gặp nhưng không ở lại (Hiền Hồ), Nắm đôi bàn tay (Kay Trần), Nàng thơ (Hoàng Dũng), Vùng ký ức, Qua khung cửa sổ (Chillies), Mình yêu đến đây thôi (Tóc Tiên), Lớn rồi còn khóc nhè (Trúc Nhân), Nước mắt em lau bằng tình yêu mới (Tóc Tiên), Trốn tìm (7UPPERCUTS)... Qua bàn tay của Tsoul Duy, các sản phẩm âm nhạc đã khoác lên màu sắc ấn tượng, phù hợp với nội dung, thông điệp mà từng cảnh quay hướng đến, tạo hiệu ứng về thị giác và tác động đến cảm xúc của người xem.
Tsoul Duy bắt đầu đến với công việc này từ năm 2016 với vai trò quay phim du lịch kiêm chỉnh màu hậu kỳ, sau đó kinh qua các vị trí trợ lý sản xuất, trợ lý đạo diễn, hậu kỳ. Từ năm 2018 - 2019, anh tập trung vào công việc của một editor và trong quá trình đảm nhiệm vị trí này, Tsoul Duy cảm thấy chưa thỏa mãn với màu sắc mà đa phần các sản phẩm mang đến cho đại chúng.
Anh cho biết: “Tôi thích vẽ và chỉnh màu từ 2017, nhưng việc chỉnh màu theo tiềm thức làm tôi luôn gặp vấn đề để kể chuyện bằng màu sắc. Cho tới khi mình thấy một bài breakdown trên YouTube: Understanding color. Tôi hiểu hơn về màu sắc đối với mắt người và màu sắc, ánh sáng ảnh hưởng đến cảm xúc như thế nào. Tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa ánh sáng và màu sắc. Khi chỉnh màu, tôi thường xem lại MV hoặc xem “mood and tone”, ý đồ của DOP, đạo diễn. Rồi bắt đầu những bước đầu tiên là chuẩn bị color mood cho story rồi phát triển nó lên. Độ contrast bao nhiêu là đủ, highlight giảm bao nhiêu là đủ cho phân cảnh, có nên soften ảnh hay thêm glow?”.
Tsoul Duy là một chàng trai ưa trải nghiệm, đam mê du lịch, phóng khoáng. Anh đã du lịch đến rất nhiều nơi trên thế giới, cả những vùng đất ít người đặt chân đến, dành nhiều thời gian để hòa mình cùng cộng đồng bản địa chứ không chỉ là một khách du lịch đơn thuần. Chính những trải nghiệm, khám phá này đã giúp anh có cái nhìn sâu sắc, đa chiều về sự vật, hiện tượng và giúp ích trực tiếp cho công việc của một colorist.
Anh chia sẻ: “Chính việc quan sát thiên nhiên thật kỹ, ở nhiều góc độ, nhiều thời điểm trong ngày đã trực tiếp giúp tôi trong công việc của một nghệ sĩ chỉnh màu. Tôi có thể nhìn ngắm một khung cảnh thiên nhiên trọn vẹn một ngày, từ sáng cho đến chiều tối để nhìn rõ sự biến chuyển về màu sắc, bóng đổ, ánh sáng... của từng sự vật. Đấy cũng chính là bài học kinh nghiệm để tôi áp dụng vào công việc chỉnh màu”.
Người “biến ngày thành đêm”
Với các bạn muốn theo đuổi công việc này, Tsoul Duy 'bật mí' hãy học quan sát. Khi quan sát thành bản năng, bạn sẽ nhạy cảm với màu sắc hơn. Đồng thời, bạn cần bổ sung thêm các kỹ năng mềm như chỉnh lightroom, vsco, follow nhiều photographer có nhiều style khác nhau như trắng đen, documentary, fashion, động vật... để hiểu tư duy về hình ảnh của họ, nheo mắt lại cũng là một cách để bạn phân tích ánh sáng. Bạn sẽ có một cái nhìn rõ ràng, hiểu về mối quan hệ giữa màu sắc, ánh sáng. Dành nhiều thời gian trải nghiệm thiên nhiên, con người, dành thời gian quan sát cả các hôm mưa, nắng, bình minh, hoàng hôn, trời nhiều mây, âm u, ghi nhận và hãy chụp lại nó, sự training này sẽ giúp bạn kiểm soát màu sắc tốt hơn.
Một trong những dự án đáng nhớ nhất của Tsoul Duy trước đây có thể kể đến MV Gặp nhưng không ở lại của Hiền Hồ. Anh hài hước chia sẻ: “Tôi phải “biến ngày thành đêm” đúng nghĩa. Cụ thể, trong phân cảnh cao trào cháy nổ lúc cuối vì quá kỳ công trong lúc quay nên trời đã chuyển sang buổi sáng, mặt trời lên lúc nào không hay. Không thể đưa các khung hình này đến khán giả được nên tôi phải chỉnh sửa tất cả các phân đoạn trời sáng để chuyển về đúng thời điểm ban đêm. Phân đoạn cháy nổ cũng là một thử thách không nhỏ khi tôi phải khắc họa vị trí, hình dạng và ánh sáng từ những ngọn lửa hoàn toàn trên máy, vừa phải đảm bảo đúng cảm xúc mà MV truyền tải”.
Xác định rõ được hướng đi, Tsoul Duy đầu tư máy móc, thiết bị và chuyên tâm vào mảng chỉnh sửa màu sắc, tách biệt khỏi việc biên tập hậu kỳ nói chung. Anh kể: “Vấn đề ở nhiều ê kíp chính là ở việc khi có video, họ sẽ tập trung để chỉnh sao cho từng khung hình đẹp nhất, canh sáng, chỉnh sửa rất kỹ lưỡng. Nhưng cuối cùng thì mỗi khung hình dù đẹp nhưng lại rời rạc, không kết nối với nhau về mặt thời gian, cảm xúc. Chúng ta có kỹ thuật quay không hề thua kém gì nước ngoài nhưng màu sắc lại không đẹp bằng, điều này khiến tôi cảm thấy luôn trăn trở. Từ đó, tôi tự học hỏi, tìm tòi. Sản phẩm ghi dấu ấn đầu tiên của tôi là Vùng ký ức của Chillies, gây tiếng vang đến nhiều người trong giới ở các nước trong khu vực vì họ cứ nghĩ do một ê kíp Nhật Bản thực hiện để có được màu sắc như trong MV này”.
Tsoul Duy chia sẻ: “Vốn dĩ thích mạo hiểm nên tôi sẽ cảm thấy thích thú nhiều hơn là lo lắng khi gia nhập một môi trường chuyên nghiệp. Mỗi quyết định như một bước đi đưa tôi tới những nơi mình không biết trước được. Hy vọng thời gian tới, tôi sẽ có những bước phát triển hơn về tư duy”.