Lịch "nhậu” như "chạy show"
Nguyễn Hoàng Nam (25 tuổi), một chuyên viên kinh doanh tại Hà Nội, chia sẻ rằng từ giữa tháng 11 đến nay, lịch của anh chàng luôn kín mít với các buổi tiệc liên hoan, từ công việc đến bạn bè. "Cứ mỗi tuần, mình phải tham gia 4-5 buổi nhậu. Có tuần căng thẳng, mình còn đi đủ 7 ngày. Đa số là những bữa nhậu với khách hàng hoặc đồng nghiệp, mà mình không thể từ chối được," Nam nói.
Những cuộc nhậu nhẹt, liên hoan cuối năm liên miên khiến nhiều người trẻ "ngán ngẩm". (Ảnh minh họa bởi AI) |
Trung bình mỗi bữa nhậu, chi phí của Nam rơi vào khoảng 3-4 triệu đồng nếu chia đều với bạn bè. Khi đi cùng khách hàng, số tiền còn có thể cao hơn, dù một phần được công ty hỗ trợ. Tuy nhiên, gánh nặng tài chính vẫn khiến anh chàng 25 tuổi áp lực. "Một tháng mình tiêu gần hết lương vào các buổi ăn nhậu. Không đi thì không giữ được mối quan hệ, mà đi thì tài chính cạn kiệt," Nam thở dài.
Ngoài vấn đề chi phí, những cuộc vui bất tận này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của Nam. Anh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đầu đau như búa bổ vào sáng hôm sau, thậm chí phải uống thuốc bổ gan và hỗ trợ tiêu hóa để "sống sót". "Trước đây, mình tập thể dục thường xuyên, nhưng giờ thì không còn thời gian. Cân nặng mình tăng vọt, bụng bia thấy rõ. Chỉ sợ từ giờ đến Tết còn nhiều tiệc hơn nữa, cứ như 'chạy show' vậy, không biết mình có trụ nổi không," anh chàng lo lắng.
Từ chối, nhưng... không dễ
Cùng chung cảnh ngộ, Lê Thanh Tú (25 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cũng cho biết lịch trình cuối năm của cô nàng gần như bị chiếm trọn bởi các buổi tụ tập với đồng nghiệp và bạn bè. Tú chia sẻ, cô thường tham gia 1-2 buổi mỗi tuần, chi phí dao động từ 300.000-500.000 đồng cho một lần. "Mình hay bị bạn bè rủ rê, mà từ chối thì không khéo sẽ mất lòng. Có hôm mình đi mà không muốn chút nào, chỉ để giữ hòa khí," Tú cho hay.
Những "cuộc vui" liên tục không chỉ khiến người trẻ tốn kém mà còn kèm theo cả ảnh hưởng đến sức khỏe. (Ảnh minh họa bởi AI) |
Với bản tính cả nể, Tú thường xuyên đồng ý tham gia những buổi tiệc mà bản thân không mấy hứng thú. "Có khi họ chỉ cần người đi cùng, chứ không nhất thiết phải chia chi phí, nhưng mình vẫn cảm thấy phiền lòng. Càng về cuối năm, lịch tiệc càng dày đặc, mình thực sự thấy mệt mỏi cả về tài chính lẫn sức khỏe," cô gái trẻ bộc bạch.
Không chỉ mất thời gian và tiền bạc, những buổi nhậu còn khiến Tú đối mặt với những vấn đề sức khỏe. Cô thường xuyên bị đau đầu, buồn nôn sau mỗi lần uống rượu bia, chưa kể đến các dấu hiệu khó tiêu và mệt mỏi kéo dài. Dù vậy, Tú vẫn "cắn răng" thừa nhận rằng những buổi liên hoan như thế là cơ hội để cô nàng duy trì và mở rộng các mối quan hệ xã hội. "Mình đang nghĩ đến việc chọn lọc các buổi tiệc thật sự quan trọng để tham gia, thay vì ôm đồm hết mọi lời mời như hiện tại," cô quyết tâm.
Nguyễn Minh Hưng (26 tuổi), nhân viên ngân hàng, cho rằng việc tham gia các buổi nhậu cuối năm gần như là "bắt buộc" đối với anh. "Ngành của mình đòi hỏi xây dựng mối quan hệ rất nhiều, nên mình không thể không đi. Tháng vừa rồi, mình đi nhậu ít nhất 15 buổi, mà đây còn chưa phải là tháng cuối năm," anh nói.
Dù tửu lượng khá tốt, Hưng vẫn cảm thấy mệt mỏi và lo lắng về sức khỏe khi phải liên tục sử dụng rượu bia. "Vui đấy, nhưng ngày hôm sau mình thấy người rã rời, mất tập trung trong công việc. Có hôm bận rộn, mình chẳng có thời gian để nghỉ ngơi, cứ thế cuốn vào vòng xoáy công việc và liên hoan," anh chia sẻ.
Tuy nhiên, áp lực không chỉ đến từ công việc mà còn từ chính bạn bè và gia đình. "Mọi người cứ nghĩ cuối năm là thời điểm để gặp gỡ, tụ họp, nên lịch mình kín mít từ cơ quan đến người thân. Mình thực sự mong có cách nào đó để cân bằng hơn, chứ cứ thế này thì quá tải," Hưng than thở.
Lối thoát nào cho nỗi "ám ảnh cuối năm"?
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Nam Anh, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại trường Viện Đại học California tại Davis, Hoa Kỳ, áp lực từ các buổi liên hoan cuối năm xuất phát từ tâm lý xã hội.
Ông phân tích: “Trong văn hóa Việt Nam, các bữa tiệc cuối năm thường được xem là cơ hội để thắt chặt mối quan hệ, từ bạn bè, đồng nghiệp đến đối tác. Tuy nhiên, điều này vô hình chung tạo ra môt 'luật' ngầm, khiến người trẻ cảm thấy việc tham gia là bắt buộc. Nếu từ chối, các bạn lo sợ bị cô lập hoặc mất cơ hội phát triển sự nghiệp.”
Thạc sĩ Nam Anh cũng chỉ ra rằng, áp lực tài chính từ các buổi tụ họp này là một yếu tố đáng lo ngại: “Các bạn trẻ phải đối mặt với mâu thuẫn nội tâm: tham gia để duy trì mối quan hệ hay từ chối để bảo vệ sức khỏe và 'túi tiền'. Điều này lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, gây ra căng thẳng và thậm chí là hội chứng kiệt sức,” ông nhận định.
Th.S tâm lý cho rằng, nếu việc này lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, gây ra căng thẳng và thậm chí là hội chứng kiệt sức. (Ảnh: Hà Nguyễn) |
Ngoài áp lực tài chính và tâm lý, sức khỏe thể chất cũng là vấn đề lớn đối với những người trẻ tham gia tiệc tùng, liên hoan liên tục. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo rằng việc tiêu thụ rượu bia, tiệc tùng thường xuyên gây ra nhiều tác hại, từ tăng cân, béo phì đến các bệnh lý nghiêm trọng như gan nhiễm mỡ, viêm loét dạ dày hay rối loạn tiêu hóa.
“Người trẻ thường cho rằng mình còn khỏe nên bỏ qua tác động lâu dài. Tuy nhiên, việc sử dụng rượu bia thường xuyên sẽ làm giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất công việc. Đây là cái giá đắt đỏ mà họ phải trả nếu không biết cách tự bảo vệ mình,” bác sĩ cảnh báo thêm.
Thạc sĩ Nam Anh gợi ý một số giải pháp để người trẻ có thể cân bằng giữa công việc, tài chính và sức khỏe trong mùa lễ hội cuối năm:
1. Học cách từ chối khéo léo “Từ chối không phải là hành động tiêu cực. Người trẻ cần học cách nói ‘không’ một cách khéo léo nhưng rõ ràng. Bạn có thể đưa ra lý do như bận công việc, cần thời gian nghỉ ngơi hoặc tham gia một buổi khác phù hợp hơn.”
2. Ưu tiên sức khỏe “Sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất. Nếu phải tham gia các buổi tiệc, hãy đặt giới hạn cho bản thân về lượng rượu bia tiêu thụ. Đồng thời, duy trì thói quen tập thể dục, ăn uống lành mạnh để bù đắp cho cơ thể,” ông khuyến nghị.
3. Lập kế hoạch tài chính “Hãy xác định ngân sách cụ thể cho việc tụ họp cuối năm. Khi ngân sách này chạm ngưỡng, bạn cần kiên quyết từ chối những lời mời không cần thiết. Điều này không chỉ giúp bạn kiểm soát tài chính mà còn tránh được cảm giác tội lỗi khi chi tiêu vượt mức,” ông nói thêm.
4. Thay đổi cách giao lưu “Thay vì chỉ tập trung vào các buổi nhậu, bạn có thể đề xuất các hoạt động khác như cà phê sáng, chơi thể thao hoặc tham gia các sự kiện văn hóa. Điều này không chỉ giúp gắn kết mối quan hệ mà còn bảo vệ sức khỏe và tài chính cá nhân.”
5. Chăm sóc sức khỏe tinh thần “Nếu cảm thấy quá tải, hãy tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý hoặc chia sẻ với bạn bè, gia đình. Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn cảm thấy áp lực vượt quá khả năng kiểm soát,” Thạc sĩ Nam Anh nhấn mạnh.