16 đại biểu ĐHQG Hà Nội sẽ đại diện cho hơn 25 nghìn sinh viên tham dự ĐH đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X.
Chị Hứa Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐHQG Hà Nội: Trước thềm Đại hội cá nhân tôi có rất nhiều kỳ vọng với Hội Sinh viên các cấp. Trước hết, tôi kì vọng và mong muốn tổ chức Hội cần tin tưởng sinh viên, trao cho sinh viên thêm trọng trách, cho các bạn quyền tự chủ, sáng tạo trong hoạt động. Đối với hoạt động tình nguyện, tôi mong muốn Hội Sinh viên Việt Nam sẽ mở rộng thêm quy mô, đa dạng hóa các hình thức hoạt động tình nguyện. Cần tăng cường các hoạt động tình nguyện mang tính chuyên môn cao, phát huy kiến thức, tri thức của các bạn sinh viên đã học được trong nhà trường, hoạt động tình nguyện sẽ có ý nghĩa, giá trị đóng góp cho cộng đồng xã hội lớn hơn. Trung ương Hội cũng cần có thêm các hoạt động hỗ trợ các bạn sinh viên phát triển năng lực cá nhân, tạo điều kiện, môi trường để các bạn sinh viên được học tập, trải nghiệm và phát huy năng lực cá nhân tốt nhất.
Chị Hứa Thanh Hoa, Phó bí thư Đoàn ĐHQG Hà Nội, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐHQG Hà Nội
Nguyễn Văn Anh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội: Hiện tại, đất nước đang bước cùng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đây là thách thức không nhỏ đối với các bạn sinh viên ở Việt Nam, đòi hỏi trình độ chuyên môn và khả năng ứng dụng công nghệ cao. Tôi đánh giá việc áp dụng Công nghệ thông tin trong triển khai các công tác của tổ chức Hội vẫn chưa thực sự tốt.
Là một sinh viên, tôi mong muốn có một mạng xã hội dành riêng cho sinh viên Việt Nam, nơi đây sẽ có các công trình khoa học được đăng tải lên, thông tin về công nghệ mới nhất được áp dụng với sinh viên, là nơi sinh viên có thể trao đổi, giao lưu học thuật, ý tưởng sáng tạo cũng như những mô hình mới, những cách làm hay trong công tác Hội. Ví dụ những trường đã có điểm danh về vân tay, với ứng dụng được viết bởi chính những bạn sinh viên học công nghệ, có thể đăng lên để trường khác học hỏi. Sắp tới, triển khai các công tác của tổ chức Hội, tôi cũng mong muốn chúng ta hạn chế những hồ sơ, văn bản “cứng”, thay vào đó là ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm, các phương tiện trực tuyến thì sẽ hiệu quả hơn với lượng sinh viên được tiếp cận nhiều hơn.
Nguyễn Văn Anh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội
Nguyễn Thị Hà Giang, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội: Tại trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên, các cuộc thi học thuật đã không còn thu hút các bạn sinh viên như nhiều năm trước. Tôi mong muốn rằng, Hội Sinh viên sẽ tăng cường các hoạt động giao lưu học thuật hay các cuộc thi học thuật với phong cách mới, trẻ trung, tăng cường giao lưu học thuật đa ngành, đa lĩnh vực để sinh viên hiểu được ý nghĩa về nghiên cứu khoa học, của việc trau dồi học tập từ đó đẩy mạnh hơn phong trào học tập, đổi mới sáng tạo trong sinh viên.
Nguyễn Thị Hà Giang, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội
Trần Hồng Lĩnh, Hội Sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội: Hội Sinh viên tập trung bồi dưỡng, giáo dục cho sinh viên những nhận thức đúng đắn nhất về những giá trị phổ quát, những giá trị sống tốt đẹp trong cuộc sống để có những hành động đẹp, văn minh. Công tác giáo dục cần trẻ trung, tươi mới, ứng dụng công nghệ thông tin để phù hợp với xu thế phát triển và thị hiếu của giới trẻ. Giáo dục lý tưởng, đạo đức cho sinh viên cần đi từ những việc rất nhỏ, rất giản dị trong đời sống hằng ngày như tuân thủ pháp luật, hạn chế sử dụng túi ni lông và đồ nhựa, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, đó là những gì thiết thực nhất, gần gũi với đời sống sinh viên, dễ thực hiện và dễ lan tỏa trong sinh viên.
Thời gian qua, Hội Sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức những buổi tọa đàm, trao đổi, lồng ghép giá trị phổ quát vào tất cả hoạt động, như các hoạt động thiện nguyện. Khi đã được nhận thức và trao cho kiến thức rõ ràng, sinh viên sẽ tự tin hành động, ứng xử đúng, đẹp, văn minh
Trần Hồng Lĩnh, Hội Sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội
Đặng Huyền Thư, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội: Hiện tại Đặng Huyền Thư đang là sinh viên năm 3, đã tham gia Hội sinh viên được 3 năm. Tuy mới đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Sinh viên Trường được 9 tháng nhưng đối với Thư, “Sinh viên 5 tốt” là một phong trào ấn tượng và nổi bật, thiết thực và gần gũi với sinh viên. Để phong trào phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại nhiều giá trị tốt đẹp và thiết thực cho sinh viên "Cần thực hiện thêm nhiều giải pháp lan tỏa giá trị của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” trong sinh viên và cộng đồng xã hội. Qua đó TW Hội cần có nhiều hành động tích cực trong việc đổi mới công tác tuyên truyền, truyền thông về danh hiệu và phong trào, đặc biệt là các phương tiện truyền thông đại chúng; quan tâm giới thiệu và chỉ đạo các cơ sở Hội cấp tỉnh giới thiệu “Sinh viên 5 tốt” tới doanh nghiệp, các cơ quan tuyển dụng và địa phương; kiến nghị các Trường Đại học đưa danh hiệu vào hệ thống ghi nhận, đánh giá, khen thưởng của Nhà trường.
Đặng Huyền Thư, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội.
Vũ Đình Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội: Thời gian tới phải phát triển mạnh hơn nữa công tác giao lưu, trao đổi giữa các chi Hội. Nếu chúng ta làm tốt về công tác này, sẽ giúp cho từng cán bộ Hội không chỉ là cán bộ của cơ sở, mà còn trở thành những người bạn thực sự thân thiết và hiểu sinh viên, nắm được nhu cầu sinh viên, từ đó đưa ra định hướng, chương trình phù hợp, đánh đúng sở trường và tâm lý các bạn sinh viên.
Từ việc gắn bó từ cấp cơ sở, chúng ta sẽ phát triển sâu rộng mạng lưới, thông qua việc đó giúp cho tất cả các cấp của Hội sinh viên trở thành người bạn thực sự của sinh viên, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của Hội sinh viên là Vì Sinh Viên.
Vũ Đình Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội