Tổ xác minh gồm nhiều thành phần
Ngày 11/3, ĐHQG TP. HCM cho biết, ĐHQG TP. HCM đã nhận được văn bản từ Thanh tra Chính phủ về sự việc 11 giảng viên tại khoa Hàn Quốc học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nghỉ việc.
Theo vị này, trước đó, nhóm giảng viên này đã gửi hồ sơ phản ánh lên Thanh tra Chính phủ và được Thanh tra Chính phủ chuyển đơn về trường để nhà trường xem xét trả lời và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, có thể chưa đồng tình với kết quả giải quyết của nhà trường, vừa qua, nhóm giảng viên đã tiếp tục gửi kiến nghị phản ánh lần hai lên Thanh tra Chính phủ
Và lần hai này, Thanh tra Chính phủ đã chuyển đơn về ĐHQG TP. HCM. Do đó, hiện nay, ĐHQG TP. HCM đã thụ lý đơn và đang giải quyết.
“ĐHQG TP. HCM đã lập tổ xác minh với các thành phần như công đoàn, pháp chế… và sẽ tiến hành xác minh lại toàn bộ sự việc. Kết quả việc xác minh chúng tôi sẽ báo cáo về Thanh tra Chính phủ”, vị này nói.
Vị này cho biết thêm, trước đó, các giảng viên chưa có thông tin phản ánh nào lên ĐHQG TP. HCM một cách chính thức. ĐHQG TP. HCM nắm được sự việc chủ yếu thông qua báo chí đăng tải và báo cáo của nhà trường gửi lên.
11 giảng viên nghỉ việc
Như chúng tôi đã phản ánh, 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. HCM vừa làm đơn xin nghỉ việc đều là giảng viên cơ hữu, trong đó có phó khoa và 3 quyền trưởng bộ môn, thâm niên làm việc từ 5-23 năm, đồng loạt xin nghỉ việc.
Đại diện nhóm giảng viên cho biết họ không thể làm việc trong môi trường giáo dục thiếu dân chủ và không đoàn kết như khoa Hàn Quốc học hiện nay. Những bức xúc về cách làm việc của trưởng khoa đã kéo dài, âm ỉ từ năm 2018. Các giảng viên trong khoa đã nhiều lần ý kiến với nhà trường nhưng không được giải quyết.
Theo những giảng viên này, từ khi trưởng khoa Hàn Quốc học hiện nay về làm việc năm 2016, bà xử lý công việc chuyên quyền, thiếu dân chủ, không đúng nguyên tắc, quy định cũng như thiếu năng lực trong quản lý, không lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng của giảng viên. Trưởng khoa được bổ nhiệm thần tốc. Năm 2003, người này về làm việc tại khoa nhưng sau đó bà sang Hàn Quốc học tập, sinh sống, lấy quốc tịch Hàn Quốc đến năm 2016 mới trở lại khoa. Đến tháng 1/2018, bà được giao phụ trách khoa Hàn Quốc học. Tháng 6/2018, bà được bổ nhiệm làm trưởng khoa.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, trưởng khoa tự đưa ra các quy định bình chọn, đánh giá giảng viên mà không thông báo trước như đi họp trễ 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, đơn phương thay đổi lịch họp định kỳ của khoa.
Đại diện nhóm giảng viên cho biết nhà trường, khoa Hàn Quốc học và các giảng viên đã có 4 buổi gặp mặt để trao đổi. Nhưng vụ việc không được ban giám hiệu nhìn nhận đúng bản chất, không giải quyết thấu đáo nên họ buộc phải gửi đơn kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ.
Trong đơn gửi Thanh tra Chính phủ, nhóm giảng viên phản ánh 23 vấn đề liên quan cá nhân trưởng khoa và khoa Hàn Quốc học. Theo kết quả xác minh của trường, 5 vấn đề giảng viên kiến nghị đúng, 7 vấn đề đúng một phần và 11 vấn đề không đúng.
Nhóm giảng viên cho rằng trường xác minh không đúng quy trình, kết luận phiến diện, ảnh hưởng danh dự của họ. Đến nay, nhóm giảng viên đã gửi đơn kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ lần thứ hai, đang chờ được giải quyết.
Tuyển thêm giảng viên bù vào
Theo ThS Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. HCM, trong bối cảnh hiện nay, nhà trường sử dụng lực lượng nhân sự tại chỗ, luân chuyển nhân sự từ các khoa có chuyên môn về Hàn Quốc học, các tiến sĩ học ở Hàn Quốc về và tuyển dụng mới (đã có sẵn hồ sơ tuyển dụng trước đây), bảo đảm bù đắp được số giảng viên vừa nghỉ việc.
Ông Nam cũng cho rằng, việc các giảng viên nghỉ việc là điều nhà trường hoàn toàn không mong muốn, vì họ đều là những người gắn bó lâu năm với trường. Nhà trường xử lý vụ việc này căn cứ trên các quy định và xác minh rất kỹ lưỡng. Các cấp lãnh đạo nhà trường cũng đã nhiều lần trao đổi, tiếp xúc với các giảng viên này. Các quyết định, kết luận về vụ việc này không phải của cá nhân hiệu trưởng mà của tập thể lãnh đạo nhà trường, gồm Đảng ủy, Công đoàn, ban giám hiệu... sau rất nhiều cuộc họp.