Huỳnh Tuấn Kiệt (sinh năm 1993) là một bác sĩ đa khoa đang sinh sống tại Vĩnh Hưng (Long An). Tuấn Kiệt cho biết, mình có đam mê với việc chụp ảnh từ những năm THPT. Anh chia sẻ: “Hình kỷ yếu cuối cấp THPT của lớp là do mình chụp. Nhưng ngày đó thì điện thoại chụp hình chưa được đẹp. Mình đã bắt đầu chụp nhiều hơn từ ba năm trở lại đây. Qua các bức ảnh, mình muốn chia sẻ về vẻ đẹp của quê hương đi khắp nơi, để nhiều người có thể biết đến quê mình – một nơi đẹp đẽ và bình yên”.
Lúc mới bắt đầu tiếp xúc với việc chụp ảnh, Tuấn Kiệt cũng gặp phải những khó khăn về kỹ thuật. “Ảnh của mình đa phần được chụp qua điện thoại nên chất lượng ảnh sẽ không thật sự đẹp. Đồng thời, khi mình chỉnh sửa ảnh cũng mất nhiều thời gian hơn so với việc chụp bằng máy ảnh hiện đại. Bên cạnh việc xử lý ảnh, mình còn tham khảo thêm những cách chụp cho ảnh đẹp hơn và đầu tư cho việc chỉnh sửa ảnh”.
Tuấn Kiệt có đam mê chụp hình vào những lúc rảnh rỗi. (Ảnh: NVCC) |
Chủ đề mà Tuấn Kiệt thường chụp là về phong cảnh quê hương, các di tích lịch sử và các địa điểm tâm linh nổi tiếng. Điều đó khiến cho anh cảm thấy thoải mái sau những giờ học tập và làm việc mệt mỏi. Vừa qua, Tuấn Kiệt đã cho ra mắt bộ ảnh chụp khung cảnh miền quê bằng gương chiếu hậu. Bộ ảnh được anh chụp tại quê nhà Vĩnh Hưng (Long An) và thực hiện bằng điện thoại trong vòng một tuần gồm đi chụp, chỉnh sửa. Theo chia sẻ của anh, ý tưởng chụp ảnh qua gương chiếu hậu là một sự vô tình. “Mình tình cờ đi ngang qua một con đường đầy hoa phượng, khi nhìn vào gương chiếu hậu thì thấy cảnh sắc hiện lên rất đẹp và lạ. Điều đó đã giúp mình nảy ra ý tưởng chụp ảnh qua gương chiếu hậu. Mình nghĩ đây là một cách chụp độc đáo mà dường như trước giờ chưa ai thực hiện”, Tuấn Kiệt bày tỏ.
Trong quá trình chụp ảnh, Tuấn Kiệt đã lưu giữ lại cho mình những kỷ niệm về con người và khung cảnh tại quê hương. Anh chia sẻ rằng, ảnh trong gương chiếu hậu không thể thật đẹp như các sản phẩm chụp trực tiếp. Qua đó, anh có thể nhìn nhận lại những vẻ đẹp con đường đã đi qua khi nó đã nằm lại phía sau mình. Tuấn Kiệt nhớ lại: “Kỷ niệm khó quên nhất trong quá trình chụp ảnh là vào một ngày mưa, khi mình đi qua một cây cầu dây trơn trượt thì thấy một chị tầm ngoài 30 tuổi chạy xe lên cầu và bị té. Lúc đó, mình có ra đỡ và dìu chị qua cầu. Chị cảm ơn rối rít và hỏi mình đi đâu mà cũng bị dính mưa thì mình trả lời là mình đi "săn ảnh". Chị không hiểu nên mình phải mất một hồi lâu để giải thích cho chị. Chị còn hỏi mình chụp hình vậy có được tiền không”.
Cảnh đống lúa bình yên hiện lên qua gương chiếu hậu do Tuấn Kiệt chụp. (Ảnh: NVCC) |
Bộ ảnh hiện tại đã lên tới 200 bức. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, việc chụp ảnh của Tuấn Kiệt cũng gặp phải những trở ngại tạm thời. Anh đã chọn chụp ở những đoạn đường ít người qua lại, khung cảnh quê hương bình dị thay vì chụp ở những nơi đông người. Qua bộ ảnh, Tuấn Kiệt mong muốn đưa hình ảnh quê hương mình đi xa hơn. Đồng thời, anh cũng hy vọng mọi người sẽ cùng trải nghiệm cách chụp mới lạ.
Bộ ảnh hiện vẫn đang được nhiều người chia sẻ và khen ngợi. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu chụp theo phong cách độc đáo này. Nguyễn Trung Như Việt (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Mình cảm thấy bộ ảnh chụp qua gương chiếu hậu rất độc đáo. Qua đó, những hình ảnh về khung cảnh quê hương, con người được thể hiện theo một cách nhìn mới lạ. Đồng thời, mình có thể đón nhận thêm những vẻ đẹp của quê hương, con người ở những nơi khác nhau trên Tổ quốc. Hy vọng, những nét đẹp bình dị sẽ luôn được mọi người trân trọng và chia sẻ”.
Cùng xem một số bức ảnh chụp qua gương chiếu hậu của Tuấn Kiệt: