“Thiết bị hỗ trợ xe lăn AutoMov” là dự án do nhóm sinh viên đến từ nhiều khoa của trường ĐH Lạc Hồng thực hiện. Nhóm dự án bao gồm 9 thành viên thường trực và hơn 20 nhân sự khác. Trong đó, nhóm trưởng là Đinh Tuấn Anh.
Vào cuối năm 2016, nhận thấy nhiều người khuyết tật xung quanh phải sống phụ thuộc vào người thân khi muốn di chuyển, Đinh Tuấn Anh đã mày mò nghiên cứu để tạo ra một chiếc xe lăn điện từ chiếc xe lăn tay mà họ đang sử dụng. “Không chỉ ấp ủ ý tưởng về một chiếc xe lăn điện tiện dụng có những chức năng tương tự với các sản phẩm khác đã có mặt trên thị trường, mình còn mong muốn giá thành của nó phải rẻ và dễ dàng sử dụng”, Tuấn Anh chia sẻ.
Bản mô tả thành phần, cấu trúc của sản phẩm “Thiết bị hỗ trợ xe lăn AutoMov”. |
Tuy nhiên, bởi chưa có nhiều kiến thức chuyên sâu lẫn kinh nghiệm, ý tưởng của Tuấn Anh dừng lại sau khi hoàn thành mô hình lần thứ nhất của sản phẩm. Tình cờ, trong khi học tập tại ngành Tự động hóa (trường ĐH Lạc Hồng), Tuấn Anh đã gặp gỡ những người bạn có cùng mối quan tâm và mong muốn hỗ trợ cho những người yếu thế. Nhóm đã quyết định tiếp tục hiện thực hóa ý tưởng còn dang dở của Tuấn Anh bằng việc áp dụng kiến thức đã được đào tạo tại trường.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, nhóm đã thay đổi xu hướng chế tạo từ việc tạo ra cả một chiếc xe thành việc chế tạo một module rời để có thể lắp vào những loại xe bằng tay có sẵn trên thị trường. AutoMov thực chất là một thiết bị dạng module rất cơ bản, bao gồm 2 động cơ 350W, 2 bộ nhông xích, bộ điều hướng và bộ pin lưu trữ được cố định trên một khung sắt để ráp vào xe lăn tay.
Sản phẩm hoàn thiện được lắp đặt trên thân xe lăn. |
Quá trình nghiên cứu và gia công của dự án mất hơn 8 tháng và nhóm đã trải qua các giai đoạn như thiết kế, tính toán động cơ, làm sản phẩm mẫu, lấy ý kiến người dùng để cải thiện... Trong đó, trở ngại lớn nhất mà nhóm gặp phải là quá trình thiết kế sản phẩm. Theo Tuấn Anh, bởi trên thị trường có rất nhiều mẫu mã xe lăn khác nhau nên việc thiết kế một thiết bị có thể vừa vặn với bất kì chiếc xe lăn nào là vô cùng khó. Tuy nhiên, nhờ vào sức trẻ và sự năng động của nhóm, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của đội ngũ giảng viên nhà trường, nhóm cũng đã hoàn thiện được bản thiết kế đáp ứng được các tiêu chí đã đặt ra.
Nhóm dự án thiết bị hỗ trợ xe lăn điện Antomov giành giải Nhì trong "Cuộc thi SV-Starup". |
Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên đã diễn ra với các hoạt động tham quan, không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên thuộc 8 lĩnh vực: Khoa học, công nghệ; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, y tế; Dịch vụ, du lịch; Tài chính, ngân hàng; Kinh doanh tạo tác động xã hội; Các ngành nghề khác và lĩnh vực kinh doanh khác, với khoảng 70 không gian trưng bày. Bên cạnh đó, sự kiện cũng thu hút sự quan tâm và đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc.