Xu hướng 'không làm phiền'
Khi tiếng "ding" của thông báo điện thoại vang lên không ngừng nghỉ, nhiều người trẻ cảm thấy bị quá tải bởi luồng thông tin khổng lồ từ mạng xã hội, email, ứng dụng. Trước đây, Gen Z thường được biết đến là thế hệ “luôn trực tuyến”, luôn sẵn sàng cập nhật tin tức hay phản hồi tin nhắn ngay lập tức. Nhưng hiện tại, nhiều bạn trẻ đang tìm kiếm những phút giây tĩnh lặng giữa cơn "bão" thông tin.
Đoàn Thị Mây (23 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi ngày điện thoại mình nhận hàng trăm thông báo, từ tin nhắn bạn bè, email, các nhóm công việc. Có những lúc, mình cảm giác bị ngợp và không thể tập trung làm gì cả. Việc bật chế độ ‘không làm phiền’ giúp mình kiểm soát nhịp sống, tập trung vào những gì quan trọng mà không bị phân tâm."
Đoàn Mây cho biết việc bật chế độ ‘không làm phiền’ giúp bản thân kiểm soát nhịp sống, tập trung vào những gì quan trọng mà không bị phân tâm. (Ảnh: NVCC) |
Nguyễn Hoàng Sơn (23 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa tại Hà Nội) cũng bày tỏ: "Làm việc trong lĩnh vực sáng tạo đòi hỏi mình phải có thời gian tập trung hoàn toàn. Trước đây, những thông báo không cần thiết từ điện thoại khiến mình mất hứng làm việc. Bây giờ, mình luôn bật chế độ 'không làm phiền' khi cần tập trung. Điều này giống như một cách tự bảo vệ không gian làm việc cá nhân."
Tương tự, Lê Phương Anh (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết cô nàng dùng chế độ này để tự cân bằng giữa việc học và chăm sóc bản thân. "Mình thường đặt điện thoại ở chế độ 'không làm phiền' từ 9 giờ tối đến sáng hôm sau. Đây là thời gian mình dành cho bản thân – đọc sách, nghe nhạc hoặc đơn giản là ngồi yên suy nghĩ. Điều này giúp mình cảm thấy bình yên và nạp lại năng lượng."
Nhiều bạn trẻ coi việc bật chế độ "không làm phiền" là một cách kiểm soát "công nghệ" thay vì để công nghệ kiểm soát ngược lại chính mình. Lâm Khánh Hòa (24 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại TP.HCM) gọi chế độ này là “lá chắn vô hình”: "Nhiều khi mình cảm thấy áp lực vì phải trả lời tin nhắn ngay lập tức. Điều đó khiến mình bị phụ thuộc và mệt mỏi. Chế độ ‘không làm phiền’ là giải pháp để mình giữ quyền kiểm soát, chỉ trả lời khi thực sự sẵn sàng."
Trên thực tế, không ít người trẻ nhận ra rằng việc duy trì sự kết nối liên tục không hẳn là điều tốt. Vì vậy, nhiều Gen Z tìm đến chế độ này như một cách “thanh lọc” cuộc sống số, giảm bớt sự lo lắng khi phải đối mặt với một chiếc điện thoại không ngừng reo báo.
Cân bằng giữa thế giới thực và ảo
Mạng xã hội là nơi Gen Z thể hiện cá tính, kết nối với cộng đồng và thỏa mãn nhu cầu khám phá thế giới. Tuy nhiên, sự hiện diện liên tục trên các nền tảng này đôi khi đi kèm với những tác động tiêu cực.
Một nghiên cứu từ Đại học Michigan cho thấy, sinh viên dành nhiều thời gian trên mạng xã hội có khả năng đồng cảm thấp hơn và gặp khó khăn trong việc tương tác trực tiếp. Bên cạnh đó, việc liên tục bị gián đoạn bởi thông báo điện thoại cũng làm tăng nguy cơ stress, lo âu.
Phan Hương Giang (23 tuổi, Hà Nội), một bạn trẻ dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, nhận định: "Mình thấy chế độ ‘không làm phiền’ không phải để tách biệt hoàn toàn với thế giới, mà là cách để sắp xếp lại những ưu tiên. Khi bật chế độ này, mình cảm thấy như có thêm thời gian để tận hưởng cuộc sống thực – những buổi trò chuyện với bạn bè, những phút giây ngắm cảnh hoàng hôn mà không cần lo lắng về điện thoại rung lên liên tục."
Hương Giang cho biết chế độ ‘không làm phiền’ không phải để tách biệt hoàn toàn với thế giới, mà là cách để sắp xếp lại những ưu tiên. (Ảnh: NVCC) |
Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ chia sẻ ảnh màn hình điện thoại bật chế độ "không làm phiền", kèm theo những dòng trạng thái hài hước về việc "trốn tránh" thông báo nhưng vẫn cảm thấy đầy tự do. Điều này cho thấy, xu hướng này không chỉ phản ánh sự mệt mỏi với thông tin ồ ạt mà còn là biểu hiện của lối sống tỉnh thức mà thế hệ Z đang theo đuổi.
Dù mang lại nhiều lợi ích, chế độ "không làm phiền" không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Đối với những bạn trẻ làm việc trong môi trường yêu cầu sự phản hồi nhanh chóng, việc không nhận thông báo đôi khi lại gây phiền phức.
Tuy nhiên, các hãng công nghệ cũng đã nhanh chóng nhận ra nhu cầu này. Hiện nay, nhiều điện thoại thông minh cho phép tùy chỉnh chế độ “không làm phiền” để chỉ nhận thông báo từ những liên hệ ưu tiên, hoặc kích hoạt chế độ này trong những khung giờ cố định. Điều này giúp người dùng linh hoạt hơn mà không lo bỏ lỡ thông tin quan trọng.
Việc Gen Z dần ưa chuộng chế độ “không làm phiền” cho thấy một sự thay đổi tích cực trong nhận thức của thế hệ trẻ về sức khỏe tinh thần và quyền kiểm soát cá nhân.
Việc đặt điện thoại ở chế độ "không làm phiền" là lời nhắc nhở về việc đặt ưu tiên cho chính mình từ các bạn trẻ. (Ảnh minh họa bởi AI) |
Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn cho rằng đây là bước đầu tiên để thế hệ trẻ tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống: "Hành động nhỏ như bật chế độ 'không làm phiền' là một lời nhắc nhở quan trọng về việc đặt ưu tiên cho chính mình. Điều này không chỉ cải thiện sự tập trung mà còn là phương pháp giải tỏa tâm lý hiệu quả. Trong dài hạn, những hành động như vậy giúp củng cố khả năng tự chăm sóc bản thân – yếu tố then chốt trong việc xây dựng sức khỏe tinh thần lành mạnh."
Chuyên gia kết luận "Khi công nghệ phát triển ngày càng mạnh mẽ, lựa chọn sống chậm lại, tập trung vào những gì thực sự quan trọng chính là kỹ năng mà bất kỳ thế hệ nào cũng cần học hỏi. Và Gen Z đang tiên phong trong hành trình đó."