“Càng rõ ràng, càng dễ chơi chung lâu dài”
Ngọc Hà (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng nhóm bạn của cô đã duy trì thói quen chia tiền qua chuyển khoản suốt hơn ba năm nay. “Trước đây, chúng mình hay thanh toán bằng tiền mặt, nhưng điều đó thường gây ra nhiều tình huống khá hài hước. Có lần thì dư tiền lẻ, lúc lại thiếu, hoặc ai đó quên trả và phải nhắc nhở vài ngày sau,” Hà kể lại.
Để tránh những tình huống khó xử, nhóm của Hà quyết định áp dụng phương thức chuyển khoản ngay sau mỗi bữa ăn. Một người đại diện sẽ thanh toán hóa đơn, rồi các thành viên còn lại chia đều và gửi tiền qua ngân hàng hoặc ví điện tử. “Mình thấy cách này rất tiện. Không phải ai cũng mang đủ tiền mặt, và chuyển khoản giúp mọi thứ nhanh gọn hơn,” cô nàng giải thích.
Ngọc Hà thích mọi thứ liên quan đến vấn đề tiền bạc phải rõ ràng. (Ảnh: NVCC) |
Mặc dù nhóm bạn chơi rất thân với nhau, Hà vẫn thích mọi thứ rõ ràng khi đi ăn chung. Tuy nhiên, cô nàng thường làm tròn số tiền cần chuyển hoặc tự giảm phần tiền lẻ để tạo cảm giác thoải mái cho mọi người. Còn trong những dịp đặc biệt như sinh nhật hoặc khi đi ăn với người thân thiết, cô không ngần ngại mời bạn bè mà không bàn tới chuyện chia tiền.
Là sinh viên năm cuối tại Tường Đại học Kinh tế Quốc dân, Thùy Trang (22 tuổi) chia sẻ rằng nhóm bạn của cô nàng đã áp dụng phương pháp chia tiền từ thời cấp ba. “Chúng mình thường tính tổng hóa đơn rồi chia đều, chứ không chia theo ai ăn món gì. Cách này vừa nhanh gọn, vừa công bằng. Càng rõ ràng về tiền nong càng dễ chơi chung lâu dài”, Trang cho biết.
Nhóm của Trang thường thanh toán qua ví điện tử hoặc chuyển khoản ngân hàng ngay tại quán. Trong trường hợp đi du lịch, các bạn thỏa thuận góp chung một khoản tiền ban đầu để sử dụng cho các chi phí ăn uống và vui chơi. Cuối chuyến đi, các thành viên sẽ kiểm tra và hoàn tiền nếu dư, hoặc chia thêm nếu thiếu.
Trang cho rằng sự minh bạch trong chuyện tiền bạc giúp nhóm bạn của mình chơi lâu dài mà không xảy ra mâu thuẫn. “Chúng mình đều thoải mái nói chuyện về tiền bạc. Có lần mình đi ăn với một nhóm bạn không thân lắm, nhưng ai cũng ngại đề cập đến tiền, làm mình thấy khó xử. Với bạn thân thì khác, nói gì cũng dễ,” cô nàng cười nói.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, việc sử dụng các ứng dụng thanh toán đã trở thành giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề tài chính trong nhóm bạn bè. Trần Hoàng Nam (25 tuổi, sống tại Hà Nội), hiện đang là nhân viên văn phòng, cho biết anh chàng thường xuyên đảm nhận vai trò thanh toán trước khi đi ăn với bạn bè. Sau đó, Nam nhắn số tiền cần chia vào nhóm chat và nhận lại qua chuyển khoản.
“Mình thấy cách này rất thoải mái, ai cũng tự giác nên không gặp rắc rối gì. Dùng ứng dụng như MoMo hay ZaloPay giúp giao dịch nhanh và tránh chuyện quên trả tiền,” Nam chia sẻ.
Nam cũng thừa nhận có lần anh chàng đi ăn cùng nhóm bạn cũ và gặp tình huống khó xử khi chỉ còn tờ 500.000 đồng, trong khi bạn bè không có tiền trả lại. Cuối cùng, anh quên luôn chuyện nhắc nhở, và phải vài tuần sau mới nhận ra mình bị lỗ khoản đó. Từ đó, Nam chuyển hẳn sang phương thức thanh toán online để tránh những phiền phức tương tự.
Dịp đặc biệt: Không chia tiền mà mời nhau
Mặc dù thường xuyên chia tiền khi đi ăn chung, nhưng giới trẻ lại có những quy tắc "bất thành văn" trong các dịp đặc biệt. Hương Giang (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng, sinh nhật hoặc các dịp lễ quan trọng thường không áp dụng việc chia tiền.
Hương Giang cho biết những dịp đặc biệt như sinh nhật hoặc các dịp lễ quan trọng, nhóm bạn của cô nàng thường không áp dụng việc chia tiền. (Ảnh: NVCC) |
“Nếu là sinh nhật ai đó, thường nhân vật chính sẽ đứng ra làm "chủ chi", còn chúng mình sẽ chuẩn bị quà hoặc mời lại món tráng miệng, cà phê thôi,” Hương Giang nói. Ngoài ra, những dịp như họp lớp hay mừng ai đó thăng chức, cả nhóm thường thống nhất để một người "bao" trọn. Với những mối quan hệ xã giao hoặc bạn bè không quá thân thiết, Hương thích áp dụng phương châm “ai ăn nấy trả”. “Điều này giúp giữ sự thoải mái cho cả hai bên, tránh cảm giác ai đó phải chịu trách nhiệm nhiều hơn,” cô nàng cho biết.
Không nên trở thành "quy luật" cứng nhắc
Theo chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn, xu hướng "ăn chung, trả chung" đang ngày càng phổ biến ở giới trẻ: "Tiền bạc vốn là một chủ đề nhạy cảm, dễ gây rạn nứt nếu không xử lý khéo léo. Việc chia tiền giúp giảm thiểu những căng thẳng và hiểu lầm không đáng có trong các mối quan hệ bạn bè," chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, chuyên gia nhận xét rằng xu hướng này phản ánh sự thay đổi trong văn hóa ứng xử giữa các thế hệ. "Nếu thế hệ trước coi việc giành trả tiền là biểu hiện của sự hào phóng, hiếu khách, thì giới trẻ ngày nay ưu tiên sự công bằng, minh bạch và rõ ràng trong chuyện tiền nong lên hàng đầu. Điều này không có nghĩa là họ không quan tâm đến bạn bè mà chỉ là một cách thích nghi với nhịp sống hiện đại, thực tế hơn," bà nói.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc chia tiền cần được thực hiện một cách linh hoạt, tránh trở thành một "quy luật" cứng nhắc. "Trong những mối quan hệ thân thiết, đôi khi việc mời nhau một bữa ăn lại mang ý nghĩa nhiều hơn về tình cảm. Sự chân thành và hòa thuận giữa các thành viên trong nhóm mới là yếu tố quan trọng để duy trì sự gắn kết tình bạn lâu dài," bà nhấn mạnh.