Nhộn nhịp thị trường “sleep box”
Thị trường nhà trọ hiện nay đang chứng kiến sự bùng nổ của mô hình hộp ngủ. Theo khảo sát từ phóng viên, tại một địa chỉ nhà trọ “sleep box” ở Cầu Giấy, Hà Nội, mỗi hộp ngủ này được cho thuê với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Với diện tích chưa đầy 4 mét vuông, các hộp ngủ được thiết kế thông minh, tận dụng tối đa không gian sống, trang bị đầy đủ tiện nghi như giường ngủ, tủ quần áo, bàn làm việc và ổ cắm điện.
Bên trong một căn "sleep box" của sinh viên. |
Mỗi phòng trọ được thiết kế với 6 hộp ngủ riêng biệt, mỗi hộp đều có nhà vệ sinh khép kín và đầy đủ tiện nghi như chăn, gối, bàn làm việc và tủ đựng đồ, Hàng tuần sẽ có người đến vệ sinh sạch sẽ, khách trọ chỉ cần xách vali đến ở.
Phóng viên khảo sát một căn hộp ngủ cao cấp vừa mới đi vào hoạt động tại đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) với mức giá cho thuê là 2 triệu đồng/tháng, đã bao gồm các dịch vụ điện, nước. Theo chị Trần Thị Tâm, một môi giới phòng trọ tại khu vực này, mức giá này cao hơn so với mặt bằng chung do thiết kế cao cấp và đầy đủ tiện nghi.
“Căn hộ ngủ này được trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại, lối thoát hiểm rộng rãi và khóa vân tay an toàn. Mỗi phòng đều có điều hòa, bình nóng lạnh, wifi và nhà vệ sinh khép kín riêng biệt. Đặc biệt, mỗi căn hộ đều có cửa riêng và chìa khóa riêng, đảm bảo sự riêng tư cho khách trọ. Riêng đối với khách có nhu cầu gửi xe, chúng tôi sẽ thu thêm phí dịch vụ từ 150.000 - 200.000 đồng/tháng”, chị Tâm chia sẻ.
Không gian bên trong một "sleep box" cơ bản. (Ảnh: Ngọc Bích) |
Anh Việt Hùng, chủ một nhà trọ hộp ngủ tại Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết hiện nay mô hình hộp ngủ đang rất đa dạng, từ bình dân đến cao cấp, phù hợp với nhiều đối tượng khách trọ khác nhau.
“Tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để cải tạo ngôi nhà thành một nhà trọ hộp ngủ với 4 tầng và hơn 30 căn. Phần lớn chi phí tập trung vào việc xây dựng và trang bị nội thất cho các căn hộ. Dự kiến sẽ thu hồi vốn sau khoảng 2 năm hoạt động. Tôi tin rằng mô hình hộp ngủ sẽ ngày càng phát triển, đặc biệt là đối với sinh viên và người trẻ mới đi làm, bởi vì nó đáp ứng được nhu cầu thuê trọ giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo sự tiện nghi”, anh Hùng chia sẻ.
Tiện nghi hay... bất tiện?
An ninh tốt, đầy đủ tiện nghi và chi phí thấp khiến mô hình phòng trọ hộp ngủ trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều sinh viên và người trẻ mới đi làm. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó, không gian sống hạn chế và sự riêng tư bị ảnh hưởng là những vấn đề mà người thuê thường gặp phải.
Cụ thể, nhiều bạn trẻ cho biết không gian di chuyển giữa các "sleep box" này thường khá chật hẹp và chỉ được ngăn cách bởi rèm, điều này khiến người thuê cảm thấy thiếu sự riêng tư. Ngoài ra, việc sử dụng nhà bếp và nhà vệ sinh chung cũng gây ra những bất tiện, đặc biệt là trong những giờ cao điểm. Tiếng ồn sinh hoạt chung, mùi thức ăn lẫn lộn, ý thức giữ gìn vệ sinh chưa đồng đều của một số người thuê trọ phần nào làm giảm chất lượng sống tại đây. Nhiều người chia sẻ cảm giác như đang sống trong một ký túc xá đông đúc, thiếu sự thoải mái và yên tĩnh.
|
Bạn Trần Thu Hà (21 tuổi), sinh viên trường Đại học Thương mại, chia sẻ: “Mặc dù hộp ngủ giúp mình tiết kiệm được khá nhiều chi phí sinh hoạt, nhưng việc sống trong một không gian nhỏ hẹp khiến mình cảm thấy khá ngột ngạt. Hộp ngủ đúng như cái tên của nó, chỉ thực sự phù hợp để nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, tiếng ồn từ các phòng bên cạnh cũng là một vấn đề đau đầu. Khu vực bếp chung thường xuyên quá tải, nhất là vào giờ cao điểm, khiến việc nấu nướng trở nên bất tiện”.
Không chỉ là vấn đề riêng của Hà, việc chia sẻ không gian bếp chung trong các khu "sleep box" đang gây ra sự bất tiện với nhiều người. Chị Nguyễn Thu Giang (25 tuổi), một nhân viên văn phòng, chia sẻ: "Khu vực nấu ăn chung thường xuyên quá tải, khiến tôi phải chờ đợi và xếp hàng rất lâu để sử dụng. Với số lượng người thuê đông đảo, việc tìm một chỗ nấu ăn vào giờ cao điểm là điều gần như bất khả thi".
Khu bếp chung tại một nhà trọ theo mô hình "sleep box". (Ảnh: Thu Hiền) |
Giống như nhiều loại hình nhà trọ khác, khi thuê "sleep box", người thuê phải cam kết bằng một hợp đồng có thời hạn từ 3 đến 6 tháng. Điều khoản đặt cọc ít nhất một tháng tiền nhà cũng được áp dụng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu muốn chuyển đi trước hạn, người thuê sẽ mất khoản tiền cọc này.
Cách đây 2 tháng, để tiết kiệm chi phí thuê nhà khi mới lên thành phố, Hoài Nam (19 tuổi) đã lựa chọn sống trong một hộp ngủ. Với dịch vụ trọn gói giá rẻ, chàng sinh viên quyết định xách vali và đến ở.
Việc tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể nhờ thuê "sleep box" khiến Nam rất hài lòng. Thế nhưng, không gian sống hạn chế đã mang đến nhiều bất tiện. "Cảm giác ngột ngạt và thiếu không khí luôn khiến mình khó chịu, đặc biệt là vào ban đêm. Mình thường phải mở hé cửa để có thể thở dễ hơn", Nam tâm sự.
Phạm Việt Phương, sinh viên năm 2 Học viện Hành chính Quốc gia, cho biết: “Việc sống trong hộp ngủ khiến mình cảm thấy thiếu sự riêng tư. Mình không thể thoải mái mời bạn bè đến chơi mà không sợ làm phiền người khác. Ngoài ra, vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy cũng khiến mình lo lắng, đặc biệt khi số lượng người ở khá đông”.
Việt Phương chia sẻ thêm: “Việc lựa chọn hình thức thuê trọ nào phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu và khả năng tài chính của mỗi người. Hộp ngủ là một giải pháp tiết kiệm, nhưng không phải ai cũng phù hợp với loại hình này”.