Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên dành sự quan tâm tới cổ phục.
Thông qua lời chia sẻ của hai diễn giả, khán giả đã có cái nhìn tổng quát hơn về khái niệm và sơ lược về lịch sử của Việt phục. Diễn giả Tôn Thất Minh Khôi (founder của blog cổ trang Thiên Nam lịch đại hậu phi) chia sẻ: “Theo nghĩa hẹp, Việt phục là trang phục của người Việt ở những triều đại quân chủ phong kiến từ thế kỉ XX trở về trước”.
Hai diễn giả đã đem đến hình dung cụ thể về những dạng thức khác nhau của Việt phục (áo Giao Lĩnh, áo Đối Khâm, áo Viên Lĩnh, áo Lập Lĩnh, chiếc Quây Thường, áo Ngũ Thân), những đặc trưng về kiểu cách, hoa văn và những phục sức đi kèm. Anh Ngô Lê Duy (founder của Hoa Niên) giải thích: “Nét khác biệt nằm ở tư tưởng của người Việt trong sự tạo nên những hoa văn đặc trưng, đa dạng về thẩm mỹ và đặc biệt là có nhiều mỹ tự (thời Nguyễn)”. Anh cũng nhấn mạnh: “Ở Việt Nam, sự tối giản trong cách ăn mặc có ảnh hưởng sâu rộng. Chúng ta nên yêu vẻ đẹp đó để rồi phát triển hơn nữa, không nên áp đặt quy chuẩn về vẻ đẹp lên nền văn hóa nước ta”.
Diễn giả Ngô Lê Duy. |
Diễn giả Tôn Thất Minh Khôi. |
Hiện tại là giai đoạn “trăm hoa đua nở” của phong trào Việt phục và cách tân Việt phục với sự ra đời của hàng loạt thương hiệu. Tuy nhiên, nói về cách tân, anh Tôn Thất Minh Khôi chỉ ra hai xu hướng: chạy theo lợi nhuận và cho ra đời những mẫu cách tân không chuẩn mực hay cách tân dựa trên nền tảng của sự nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉn chu.
Anh Ngô Lê Duy giúp phân biệt: “Cách tân mà không chuẩn thì nên gọi đó là trang phục lấy cảm hứng, chứ không nên gọi là trang phục cổ. Có hai loại trang phục phổ biến: Trang phục cách tân do thời cuộc và trang phục hiện đại lấy cảm hứng từ phom dáng hay hoa văn”. “Điều quan trọng là người thiết kế phải hiểu rõ mình đang làm gì khi thực hiện công việc cách tân, chứ không phải chỉ vì nó đẹp”, anh bày tỏ.
Chia sẻ về việc làm sao để tiếp tục giữ gìn và phát triển những nét đặc trưng của cổ phục Việt Nam, anh Tôn Thất Minh Khôi cho biết: “Để Việt phục có thể trở thành một phần trong tâm thức của người Việt thì mình nghĩ nên đưa cổ phục vào dự án âm nhạc của các ca sĩ, họ là những người có sức ảnh hưởng lớn”.
Áo Viên Lĩnh. |
Áo Lập Lĩnh. |
Áo Giao Lĩnh. |
Nguyễn Thành Nghĩa (Đại diện Ban Tổ chức (BTC), Đội trưởng Đội hình Chuyên Hè Sáng tạo) tâm sự: “BTC mong muốn tổ chức một chương trình vừa có nội dung sâu sắc vừa mang màu sắc mới lạ và tụi mình nhận thấy chủ đề Việt phục có ý nghĩa nhân văn, mang yếu tố lịch sử cao. Ngoài ra, BTC muốn lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử đến sinh viên và những người có đam mê Việt phục, đồng thời hướng tới những giá trị tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19”.
Chiếc Quây Thường. |
Chương trình đã mang lại nhiều điều thú vị với những bạn sinh viên. Dương Phan Hiệp My (khoa Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Quốc tế) chia sẻ: “Buổi talkshow đã giúp mình có cái nhìn sâu sắc hơn về những nét đặc trưng của Việt phục và mình mong sẽ có thêm nhiều chương trình tương tự để có thể thỏa mãn mong muốn được hiểu biết hơn về trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam”.