Học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của sinh viên. Do đó, Hội Sinh viên luôn xác định nhiệm vụ triển khai nâng cao nhận thức về học tập chủ động, học tập suốt đời trong sinh viên, tạo môi trường để sinh viên yên tâm học tập, sáng tạo, nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội các cấp. Trong nhiệm kỳ 2023 – 2028, Hội Sinh viên Việt Nam xác định Đề án “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên” là một trong 3 đề án trọng tâm của nhiệm kỳ.
GS.TS Trần Xuân Bách trình bày tham luận tại Đại hội. |
Về vấn đề này, GS. TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội trình bày tham luận “Sinh viên Việt Nam với hành trang khoa học – Công nghệ trong kỷ nguyên số”.
Mở đầu bài tham luận, GS. TS Trần Xuân Bách nhắc lại 6 lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho sinh viên tại Đại hội Hội Sinh viên lần thứ 2 năm 1958. Đó là Yêu Tổ quốc - Yêu nhân dân - Yêu chủ nghĩa xã hội - Yêu lao động - Yêu khoa học và Yêu kỷ luật.
Từ lời dạy của Bác, GS. TS Trần Xuân Bách cho rằng, dù bất cứ lĩnh vực nào thì yếu tố thúc đẩy then chốt nhất là tình yêu. Dành tình yêu, đam mê, trăn trở vào trong từng công việc, lĩnh vực đó là động lực thôi thúc mỗi cá nhân vươn lên gặt hái thành công. Trí tuệ cảm xúc chính là động lực cho mỗi cá nhân nỗ lực làm tốt nhất phần việc của mình.
Nói với sinh viên, GS. TS Trần Xuân Bách cho rằng, chúng ta chính là những người vẽ lên thành công trong cuộc đời của mình. Và một trong những phác thảo của hình ảnh thế hệ sinh viên hôm nay trong tương lai tới là làm chủ, ứng dụng thành thạo khoa học công nghệ.
Về nghiên cứu khoa học GS. TS Trần Xuân Bách nhấn mạnh, cần thay đổi cách nhìn về vấn đề này, nghiên cứu khoa học không phải cái gì quá hàn lâm. Do yêu cầu phát triển của cuộc sống, tư tưởng khoa học ngày càng gần gũi hơn. Sinh viên nghiên cứu khoa học bắt nguồn từ yêu cầu cuộc sống để tạo ra giá trị cuộc sống.
GS. TS Trần Xuân Bách chỉ ra 5 kỹ năng chính của người làm nghiên cứu khoa học: kỹ năng nghiên cứu, năng lực sáng tạo; kỹ năng xây dựng đội hình; tầm nhìn chiến lược; lãnh đạo và quản trị.