Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025. Trong chỉ thị này, các sở, ngành và địa phương được yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng dạy học và chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết cho kỳ thi.
Thí sinh dự thi kì thi THPT quốc gia năm 2024. (Ảnh minh họa) |
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chịu trách nhiệm:
- Đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh lớp 12 để các trường và thầy trò không rơi vào thế bị động.
- Đảm bảo thông tin đầy đủ, chính xác về kỳ thi đến các trường và tổ chức hướng dẫn cụ thể để chuẩn bị tốt nhất.
- Tăng cường công tác truyền thông kịp thời để giúp học sinh và phụ huynh nắm rõ quy chế thi.
Các địa phương và cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ để:
- Chuẩn bị các phương án ứng phó với những tình huống bất thường, đảm bảo an ninh, trật tự tại các điểm thi.
- Thực hiện kỳ thi theo hướng tối giản, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Năm 2025 đánh dấu kỳ thi đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Thí sinh dự thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng 2 môn tự chọn trong các môn học đã được học ở THPT, bao gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Kết quả kỳ thi sẽ được kết hợp với điểm học bạ THPT theo tỷ lệ hợp lý để xét công nhận tốt nghiệp. Các trường đại học cũng được khuyến khích sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2025 do Bộ GD&ĐT công bố, tỷ lệ xét tuyển sớm tại các trường đại học sẽ giảm xuống còn 20%, trong khi 80% chỉ tiêu còn lại sẽ dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.
Hà Nội luôn là địa phương có số lượng thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 10% tổng số thí sinh. Kỳ thi năm 2025 dự kiến diễn ra trong hai ngày 26 và 27/6, với số lượng môn thi giảm hai môn và số buổi thi giảm một so với năm 2024.
Những thay đổi này nhằm giúp kỳ thi trở nên nhẹ nhàng hơn cho học sinh, phụ huynh và các đơn vị tổ chức, đồng thời đảm bảo chất lượng và sự công bằng trong giáo dục.