Những điểm mới nổi bật trong kỳ thi từ năm 2025
Một trong những thay đổi lớn nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là việc tổ chức thi trong ba buổi thay vì bốn buổi như trước đây. Cụ thể, các thí sinh sẽ tham gia thi ba bài thi gồm Ngữ văn, Toán và một bài thi tự chọn. Việc rút gọn thời gian thi và giảm số môn thi không chỉ giảm áp lực cho học sinh mà còn giúp tiết kiệm chi phí tổ chức, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng đánh giá năng lực.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
Ngoài ra, điểm đánh giá quá trình (học bạ) sẽ chiếm tỷ lệ 50% trong tổng điểm xét công nhận tốt nghiệp, thay vì 30% như trước đây. Điểm học bạ của cả ba năm THPT đều được tính đến, với trọng số cao nhất thuộc về năm lớp 12. Thay đổi này nhằm khuyến khích học sinh học tập nghiêm túc ngay từ lớp 10 và phản ánh đúng hơn năng lực toàn diện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong kỳ thi này, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL sẽ vẫn được sử dụng để miễn thi môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, những chứng chỉ này không còn được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp. Sự thay đổi này đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh, khắc phục tình trạng không đồng đều giữa các mức điểm quy đổi của chứng chỉ quốc tế trước đây.
Bên cạnh đó, Bộ GD - ĐT cũng bỏ quy định cộng điểm khuyến khích đối với các chứng chỉ nghề, tin học và ngoại ngữ. Điều này áp dụng cho cả học sinh hệ giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, tạo sự bình đẳng trong xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng.
Đối với thí sinh quốc tế học chương trình phổ thông tại Việt Nam, quy chế mới cho phép sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh nước ngoài, đồng thời vẫn đảm bảo đánh giá năng lực học vấn cơ bản thông qua việc học tập trên lớp và thi lấy chứng chỉ.
Đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin
Một bước tiến đáng chú ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là việc áp dụng công nghệ bảo mật vào khâu vận chuyển đề thi. Thay vì vận chuyển đề thi bằng phương thức truyền thống, đề thi sẽ được chuyển qua hệ thống đường truyền mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ đến các địa phương. Phương pháp này không chỉ tăng cường bảo mật mà còn giúp giảm thời gian, nhân sự vận chuyển và đảm bảo tính kịp thời. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho lộ trình chuyển đổi từ thi trên giấy sang thi trên máy tính trong tương lai.
Theo Bộ GD - ĐT, Quy chế mới không chỉ hướng đến đánh giá chính xác năng lực học sinh mà còn tạo tiền đề để thúc đẩy hệ thống giáo dục phát triển bền vững và công bằng.