Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế tri thức. Khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo được xem là động lực then chốt, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với vai trò là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao tri thức hàng đầu cả nước, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) luôn tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, nơi các ý tưởng sáng tạo được nuôi dưỡng và hiện thực hóa thành sản phẩm có giá trị cao.
Trong đó, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (CSK) là một đơn vị đầu mối quan trọng, giữ vai trò then chốt trong việc kết nối các nguồn lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại ĐHQGHN và mở rộng ra toàn xã hội.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm CSK, nhấn mạnh: “Trung tâm CSK là cầu nối quan trọng giữa các nhà khoa học, sinh viên và cộng đồng doanh nghiệp. Đây không chỉ là nơi hội tụ tri thức mà còn là nền tảng để những tri thức đó được chuyển giao và áp dụng vào thực tiễn, tạo nên giá trị bền vững cho xã hội.”
PGS, TS. Trương Ngọc Kiểm phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Nguyên Lê) |
Đồng thời, ông cho biết, việc hiện thực hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ thành những giá trị thực tiễn có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển quốc gia. Ông bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực của đội ngũ phát triển Vườn ươm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, khi vượt qua nhiều thách thức về chính sách, sự phối hợp và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm cũng cho biết, mô hình hoạt động của Vườn ươm sẽ mang tính đột phá, hoạt động như một doanh nghiệp tự chủ, với mục tiêu chính là trở thành nơi nuôi dưỡng ý tưởng và hỗ trợ các startup, sinh viên cũng như giảng viên trong việc kết nối với các thành phần khác của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ông kỳ vọng Vườn ươm sẽ đóng vai trò như một trung tâm kết nối mạnh mẽ, không chỉ trong phạm vi ĐHQGHN mà còn mở rộng đến các trường đại học, cao đẳng khác trong cả nước, góp phần vào việc xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn diện.
"Khởi nghiệp không chỉ đơn thuần là một phong trào, mà cần được xây dựng trên cơ sở bền vững với sự hỗ trợ cụ thể về tài chính, pháp lý và các nguồn lực khác". PGS.TS tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các nhà khoa học, sinh viên và sự hỗ trợ của Vườn ươm, các dự án khởi nghiệp sẽ tạo ra những giá trị lớn cho cộng đồng, góp phần khẳng định vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Cũng trong buổi lễ, GS.TS Lê Quân – Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra giá trị gia tăng trong quá trình khởi nghiệp. Ông cho rằng khởi nghiệp có thể bắt đầu từ những bước đi nhỏ, nhưng khi được nuôi dưỡng trong môi trường thuận lợi, nó sẽ nhanh chóng phát triển và lan tỏa, tạo nên những giá trị mới đáng kể.
"Mỗi nhà khoa học và sinh viên cần tập trung phát triển các ý tưởng nghiên cứu và sản phẩm với định hướng tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp thiết thực cho xã hội cũng như mở ra cơ hội việc làm cho cộng đồng", ông cho biết.
GS.TS Lê Quân cho biết, tinh thần khởi nghiệp phải luôn gắn liền với đổi mới sáng tạo, tri thức và ứng dụng khoa học công nghệ. (Ảnh: Nguyên Lê) |
Trong bài phát biểu, GS.TS Lê Quân còn đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm mà Vườn ươm cần chú trọng. Ông khẳng định rằng, để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, cần có những cá nhân dám nghĩ lớn, dám đổi mới và sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Đồng thời, Giám đốc ĐHQGHN cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, CSK sẽ tìm kiếm, hỗ trợ các đề tài nghiên cứu trọng điểm, đầu tư các dự án có thể đưa vào ứng dụng, kết nối các doanh nghiệp với nhà khoa học nhằm hiện thực hóa những nghiên cứu tri thức ra thị trường.
“Chúng ta cần trả lời câu hỏi quan trọng: Nghiên cứu được thực hiện để phục vụ mục tiêu gì?” – GS.TS Lê Quân kết luận, gợi mở thêm hướng đi cho những người tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tại lễ ra mắt, ông Trần Phi Long, Giám đốc Vườn ươm, chia sẻ: “Vườn ươm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN ra đời với tầm nhìn chiến lược dài hạn: không chỉ hỗ trợ công nghệ, phát triển doanh nghiệp mà còn xây dựng mạng lưới kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, quỹ đầu tư để mở rộng cơ hội thị trường cho các dự án khởi nghiệp. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng các nhà khoa học và sinh viên trên hành trình biến tri thức thành sản phẩm thực tiễn.”
Sự kiện không chỉ là dịp để giới thiệu mô hình hoạt động của Vườn ươm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức, quỹ đầu tư tìm hiểu và hợp tác nhằm hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo từ trường đại học.
Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa CSK và các đối tác. (Ảnh: Nguyên Lê) |
Cùng với lễ ra mắt Vườn ươm, Trung tâm CSK cũng công bố Chương trình ươm tạo VISI 2025, hướng tới mục tiêu hỗ trợ các dự án khởi nghiệp từ giai đoạn ý tưởng ban đầu đến khi đưa sản phẩm ra thị trường. Chương trình đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp spin-off phát triển từ nghiên cứu KHCN trong trường đại học.
Các dự án tham gia Chương trình ươm tạo VISI 2025 sẽ được tiếp cận với hệ thống tài nguyên khoa học, công nghệ hiện đại, cùng với sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu và mạng lưới đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây chính là nền tảng vững chắc để các ý tưởng sáng tạo phát triển thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại sự kiện là lễ ra mắt và tặng hoa chúc mừng các công ty spin-off thuộc Chương trình ươm tạo VNU X-Science 2024. Đây là những dự án tiêu biểu được Vườn ươm hỗ trợ trong thời gian qua, từ giai đoạn nghiên cứu ban đầu đến khi xây dựng mô hình kinh doanh.
Trong khuôn khổ chương trình, ông Trần Phi Long cũng đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề tìm kiếm nguồn lực, chính sách hỗ trợ,… với các đại diện doanh nghiệp, quỹ đầu tư,… tham dự sự kiện.