Du học là một mối duyên trong cuộc đời
Phương Linh gây ấn tượng với ngoại hình “búp bê” và tâm hồn bay bổng với niềm cảm hứng lớn về nghệ thuật và sáng tạo. Tuy nhiên, Linh chia sẻ, sự “mộng mơ” của cô bạn luôn gắn liền với sự “thực tế”: “Dù mình có đưa ra kế hoạch viển vông đến cỡ nào, nhưng nếu mình đã muốn thực hiện nó thì mình sẽ quyết tâm làm nó đến cuối cùng. Lúc nào mình cũng luôn tâm thế phải biến giấc mơ thành hiện thực, và phải sống cuộc đời thực tế của mình như cách mình vẫn mộng mơ về nó.”
Ngoài ra, Linh còn gây ấn tượng bởi sự quyết đoán và sẵn sàng theo đuổi đam mê, năng nổ với các hoạt động xã hội. Linh chia sẻ, mẹ chính là nguồn động lực lớn nhất của cô, và những lời “dặn dò” của mẹ chính là hành trang tuyệt vời nhất mà cô bạn có được.
“Mẹ mình có dạy mình hai câu châm ngôn mà đã theo mình suốt trong quá trình mình phát triển. Một là “Nếu bạn thật sự muốn làm, bạn sẽ tìm ra cách. Còn không, bạn sẽ tìm lý do” và hai là “Cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra”. Bất cứ khi nào mình muốn làm một điều gì đó vô cùng khó, đôi khi là cảm giác sẽ chẳng thành công, thì mình sẽ lại tự nhủ với bản thân rằng nếu mình muốn làm nó đủ nhiều thì chắc chắn vẫn sẽ có đường dẫn tới vạch đích mà mình mong muốn. Từ đó, mình luôn có được nguồn động lực và sự tự tin để dấn thân vào các thử thách mới. Câu thứ hai mình sẽ tự nhủ mỗi khi thất bại hoặc khi mình từ chối 1 cơ hội chưa thật sự phù hợp với bản thân. Câu nói này như 1 câu thần chú giúp mình đứng dậy sau những vấp ngã hoặc vượt qua những giây phút không muốn buông bỏ 1 điều gì đó.”
Như bao Gen Z năng động khác, khi có ước mơ, Phương Linh sẽ lên kế hoạch để hiện thực hóa nó. Cô bạn cùng gia đình đã có mục tiêu đi du học từ cấp 2, và đến năm lớp 11, Phương Linh đã sẵn sàng “xách ba-lô lên và đi”.
Phương Linh tâm sự: “Quá trình du học của mình không quá gian nan về mặt học tập. Bên cạnh đó, do mình đi Úc – một đất nước đa văn hoá, nên mình không phải trải qua bất kì cú sốc văn hoá nào. Khó khăn lớn nhất mình gặp lại là vấn đề tài chính. Tuy vậy, mình luôn biết ơn vì chính “hoàn cảnh gia đình” đã giúp mình trưởng thành sớm, nỗ lực nhiều hơn để phụ giúp bố mẹ. Chính quá trình lăn lưng đi làm kiếm tiền lại cho mình rất nhiều trải nghiệm sống và kinh nghiệm làm việc để giúp mình sớm đạt được các vị trí quản lý từ khi còn đang đi học. Cho dù trải nghiệm vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền không đẹp đẽ như câu chuyện du học của nhiều bạn du học sinh khác nhưng ở thời điểm hiện tại nhìn lại, mình cảm thấy tự hào và biết ơn hành trình du học của mình.”
Về ngành học, đối với Phương Linh đây là một “câu chuyện hồn nhiên như chính tâm hồn của mình năm 17 tuổi”. Vốn dành sự yêu thích với ngành Quản trị Kinh doanh, cô bạn chọn ngành Quản trị Khách sạn vì đây là một ngành học chi tiết hơn, “Đến lúc tìm hiểu thì thấy ngành này cho phép mình đi thực tập 2 kỳ trong quá trình học, tổng cộng là 1 năm đi thực tập hưởng lương. Đặc biệt với trường mình thì quá trình học chỉ là 2,5 và cho phép mình nhập học sớm. Mình thấy như thế mình có thể kiếm nhiều tiền trong lúc đi học, lại còn tốt nghiệp sớm để còn nhanh nhanh đi làm “trả nợ” giúp bố mẹ. Mình chẳng tìm hiểu gì cả, nhắm mắt chọn bừa thôi.” Và đó cũng chính là một “mối duyên mới” trong tuổi trẻ của Linh.
Cô bạn kể, ban đầu, bản thân tự thấy “sốc toàn tập” bởi mình chọn học đại học mà vốn dĩ công việc này chẳng cần tấm bằng nào cũng có thể làm tốt. “Sốc vì bỏ ra cả mấy tỷ đi du học, rồi cuối cùng ra trường cũng chỉ đi làm phục vụ. Sốc vì dù có học Đại học, ở Việt Nam mọi người vẫn gán ghép ngành học của mình là “lao động chân tay”... Nhưng đã “đâm lao thì phải theo lao thôi”. Mình đã quyết tâm học hành, cố gắng trở nên nổi bật trong ngành của mình để nắm bắt những cơ hội tốt hơn so với mặt bằng chung.” Và hiện tại, Phương Linh đã tốt nghiệp sớm, ra trường và là Quản lý nhà hàng khi mới 20 tuổi.
“Cuộc sống du học không phải là màu hồng!”
“Mộng mơ” nhưng vô cùng “thực tế”, Phương Linh kể về cuộc sống sinh viên của mình trong sự “đan xen” giữa tư tưởng Úc - văn hóa Việt Nam.
“Điều mình cảm thấy hứng thú nhất không phải là về đất nước của họ, mà là về sự đa dạng văn hoá Việt Nam. Nghe thì lạ và khá buồn cười, nhưng lại là điều thú vị nhất mà chỉ khi đi du học mới tìm ra. Bên cạnh việc chơi với các bạn nước ngoài, mình đã được gặp rất nhiều bạn Việt Nam từ nhiều vùng miền và từ đó mình mới khám phá ra sự khác biệt trong văn hoá ăn uống, ngôn ngữ, phong cách sống giữa các miền. Đã có rất nhiều cuộc cãi cọ chỉ vì các miền ăn uống quá khác nhau, hoặc có những pha hiểu lầm về từ ngữ như dĩa-nĩa-đĩa hay củ đậu-củ sắn-khoai mì.”
Bên cạnh câu chuyện khó khăn về tài chính, đó là khó khăn mang tên “phận làm sinh viên quốc tế”. “Khi là sinh viên Quốc tế các bạn sẽ gặp rất nhiều thiệt thòi, từ việc nhận hỗ trợ từ trường hay chính phủ đến việc học và việc làm. Bên cạnh việc rào cản ngôn ngữ, các bạn sinh viên nước ngoài khó có thể có các cơ hội việc làm tốt bằng các bạn bản địa. Vì đôi khi có những vị trí, công việc được yêu cầu luôn là dành riêng cho người có quốc tịch Úc.”
Là một cô nàng “đa-zi-năng”, Phương Linh chia sẻ cũng có đôi lúc bản thân cảm thấy quá tải vì phụ trách quá nhiều dự án cùng một lúc, nhưng bản thân chưa bao giờ phải tìm cách để cân bằng cuộc sống. Lý do là vì làm Youtube “hoangphuonglinh”, Instagram, Podcast “Gen Z tập lớn” là cách cô bạn giải trí, nên dù có phải làm việc thì cô bạn cũng vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc. Không chỉ vậy,
Phương Linh tâm sự rằng: “Bên cạnh việc phải học cách quản lý thời gian tốt, cách mình duy trì được nhiều công việc cùng một lúc đó là chọn lọc và làm những công việc mình cảm thấy hứng thú và đam mê. Mình đã từng có những dự án mà mình cảm thấy không phù hợp thì mình phải bỏ nó ngay ra khỏi lịch trình của mình. Vì nếu không có đam mê, chúng mình sẽ rất khó có động lực để ngồi xuống và làm chúng.”
Từng nghe những “định kiến” về ngành học, cũng như những lo lắng ban đầu khi theo đuổi một công việc bị gắn mác là “lao động chân tay”, giờ đây, Phương Linh đã vững tin hơn rất nhiều vào lựa chọn của mình. Với cô bạn, ngành học nào cũng sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời.
“Mình luôn định hướng kênh Youtube của mình là 1 nơi để các bạn trẻ cảm thấy được đồng cảm trong quá trình “tập lớn” của các bạn ý. Mình luôn cố gắng để mọi người thấy mình là một người có cuộc sống khá bình thường, nhưng bằng nỗ lực của bản thân thì mình luôn cố gắng đạt được những điều mà mình muốn. Từ đó, mọi người có thể từ bỏ thói quen đổ lỗi tại số phận mà không cố gắng. Sắp tới đây thì mình sẽ làm 1 series về chủ đề “Du học Nghèo” để chia sẻ lại trải nghiệm đi du học của 1 sinh viên không giàu, chính là mình.”
Trong tương lai gần, Phương Linh có kế hoạch sẽ lên làm Quản lý nhà Hàng vào tháng 8 này. Không chỉ vậy, cô bạn còn có định hướng học để trở thành một chuyên gia về rượu.
Thành tích học tập
- Giải Ba cuộc thi "Vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn" cấp Thành phố và cấp Quốc gia
- Giải Nhì cuộc thi "Em yêu lịch sử Việt Nam" cấp Thành phố
- Giải Khuyến khích cuộc thi Học sinh giỏi các môn Khoa học cấp Thành phố
- Giải Khuyến khích "Học sinh giỏi Ngữ Văn" cấp Quận năm học 2014-2015 và 2015-2016
- Nhận thư khen thưởng về thành tích học xuất sắc từ hiệu trưởng trong tất cả các kì học (Letter of Commendation) tại đại học
- Nhận học bổng và giữ chức Điều phối nhóm sinh viên nhận học bổng để hướng dẫn sinh viên khoá dưới
- Đạt giải “Chuyên gia Dịch vụ” – giải cao nhất cho sinh viên có phần thể hiện tốt nhất trong kì học Thực hành
- Giữ chức Đại diện Văn hoá trong Hội đồng Học sinh
Hoạt động ngoại khóa
- Đồng sáng lập và Trưởng Ban Nhân sự Dự án Progreen Factory
- Đồng sáng lập và Trưởng Ban Tổ chức Dự án Fagether (Quán quân Dash For Impacts 2017 do AIESEC FTU Hanoi tổ chức)
Kinh nghiệm làm việc
- Trợ lí Quản lí tại nhà hàng The Raglan (2020)
- Giám sát tại Devon Barangaroo đến nay (2021)
- Content Creator tại United Association of Vietnamese Students in NSW (2020 – đến nay)