Đậu Thị Nhàn (sinh viên năm nhất) hiện là sinh viên năm nhất, Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao. |
Cứ mãi ở ao làng rồi ao sẽ cạn
Mình xuất thân từ gia đình bình thường tại vùng nông thôn thuộc tỉnh Nghệ An. Bố mẹ là dân lao động, quanh năm chân lấm tay bùn. Họ dành cả đời làm lụng vất vả cốt để xoay sở gánh nặng cơm áo gạo tiền. Dưới quê mình, ít người học lên đại học. Hầu hết các bậc phụ huynh bày tỏ mong muốn nuôi con đến lớp 12, kiếm cho nó tấm bằng để nó đi làm, hoặc học tiếng để xuất khẩu lao động nước ngoài. Một phần vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học, và hơn hết, việc nuôi dạy con lên cao mất nhiều chi phí khiến các gia đình quan ngại sâu sắc. Mình may mắn được bố mẹ ủng hộ trên con đường học tập cũng như tiếp thêm động lực để mình vươn lên trong hành trình ‘vẫy vùng’ nơi biển lớn. “Con cố gắng học để thoát ly cái khổ. Đừng như bố mẹ. Con không phải nghĩ về vấn đề tiền bạc. Cứ việc học, bố mẹ sẽ cố gắng lo dù có vay ngân hàng” - mẹ tâm sự.
Mình sớm ý thức được rằng ao làng không phải môi trường phù hợp nhất để mình phát triển bản thân. Niềm khao khát muốn bước ra thế giới rộng lớn, mong được trải nghiệm và khám phá đúng cá tính của bản thân đã thôi thúc mình chọn Hà Nội là điểm đến lí tưởng của thanh xuân. Dám nghĩ, dám làm. Thế là, mình hạ quyết tâm để đậu một trường đại học có danh tiếng tại Hà Nội.
Nữ sinh cố gắng khẳng định dấu ấn bản thân trong những tháng năm cấp ba tại trường làng. |
Không có lợi thế học trường chuyên, mình cố gắng khẳng định dấu ấn trong những năm tháng học tập tại quê. Những giọt nước mắt rơi trên trang giấy, những chiếc ngòi hết mực dần tăng lên về số lượng, những quyển vở lấp đầy bằng nét chữ… đã cùng mình đi qua năm tháng của tuổi trẻ. Quá trình nỗ lực ấy mang theo những giọt mồ hôi nóng hổi của bố mẹ, sự trông chờ, động viên của gia đình và cả giấc mơ đầy hứa hẹn của bản thân. Tháng ngày “góp gió thành bão” có sự xuất hiện của những cuộc cãi vã về đáp án đúng giữa những cô cậu học trò 18, chứa đựng lời động viên đến từ “người lái đò” trong quãng đường tiếp nối tương lai. Mình đã sống trọn và tận hưởng mỗi khoảng khắc đi qua.
Thành công bước ra biển lớn
May mắn thay, nỗ lực của mình đã được đền đáp. Mình nhớ như in khoảnh khắc ấy. Tay run run truy cập vào trang web của Sở, miệng hét toáng lên “Mẹ ơi, con có điểm rồi”. Và mình òa khóc. Mình nằm trong top 4 thí sinh có điểm thi THPT cao nhất tỉnh Nghệ An, mang vinh quang về cho ngôi trường gắn bó suốt ba năm qua. Mình đậu nguyện vọng 1 ngành Truyền thông quốc tế Học viện Ngoại giao với số điểm khối D là 27.25. Cơ hội mới mở ra. Mình đã chạm chân đến đất Hà Nội và học tập theo đúng ngành mình thích tại ngôi trường mơ ước.
Đậu Thị Nhàn vinh dự nhận được Bằng khen của tỉnh Nghệ An trong hành trình học tập. |
Nhìn ngắm thế giới là tổng hòa của cơ hội và thách thức
Học viện Ngoại giao là môi trường năng động, sáng tạo với nhiều bản sắc cá nhân khác nhau. Mình đã quyết định chọn Ngoại giao nhờ vào câu nói: “Môi trường mà em thích nhất chưa chắc đã là môi trường phù hợp với em nhất”. Vậy mình sẽ chọn thích nhất để vụt tắt hay phù hợp để tỏa sáng? Ngoại giao đã bước vào đời mình như con đường phù hợp nhất để mình sống và có cơ hội khẳng định bản sắc cá nhân. Mình đã trở thành sinh viên Ngoại giao bằng duyên lành kì diệu như thế.
Tuy nhiên, trong vô số các bạn bè vô cùng xuất sắc trong học tập lẫn hoạt động ngoại khóa, mình tự ti là một con cá bé nhỏ giữa đại dương kia. Trong tay mình là chữ không - không kinh nghiệm, không quan hệ, không giỏi, không đặc biệt với cá tính riêng. Thời điểm đấy, mình rụt rè không dám thể hiện bản thân. Tim đập thình thịch không phải vì gặp crush (người mình thích) mà là lúc giơ tay phát biểu nói trước đám đông. Song trong một môi trường năng động như Ngoại giao, mình đặt ra 2 sự lựa chọn: Hòa nhập hay thụt lùi phía sau? Quãng đường mình cố gắng vươn ra biển lớn, nếu không ‘vẫy vùng’ thì mình sẽ làm gì? Mình sẽ là ai? Đó là sống hay chỉ là sự tồn tại trong vỏ bọc?
Những điều bất như ý xảy đến khiến nữ sinh cảm thấy tự ti. |
“Phải vượt qua! Bố mẹ sẽ buồn nếu thấy mình như thế này.” Hành trình mới bắt đầu. Mình tận dụng áp lực như cơ hội để trở thành viên kim cương lấp lánh. Mình đặt ra mục tiêu sống hết mình với tuổi trẻ. “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu). Mình bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và khám phá thế giới. Mình tích cực tham gia vào các CLB, đội nhóm với nhiều vai trò khác nhau như thành viên Ban Truyền thông trong Hội đồng hương Nghệ Tĩnh Học viện Ngoại giao, thành viên Ban Sự kiện tại CLB Báo chí và Truyền thông. Ngoài ra, mình dám cống hiến ở các câu lạc bộ bên ngoài, thử sức ở những vị trí mới. Tuy nhiên, ý thức được rằng, công việc toàn thời gian của mình là cô sinh viên năm nhất, nhiệm vụ học tập là chính. Mình cố gắng hoàn thành những dự án, những bài tập nhóm để đạt mục tiêu học tập đề ra. May mắn thay, mình đạt được Học bổng kì I năm nhất của trường và đỡ đần một phần nào đấy chi phí cho bố mẹ.
Cô sinh viên tích cực hòa nhập vào các câu lạc bộ, đội nhóm trên trường. |
Con cá nơi ao làng vừa kịp hạnh phúc khi được đặt chân đến Hà Nội thì có phần… bị vỡ mộng. Đúng như người ta thường nói: “Kỳ vọng ít, thất vọng ít. Không kỳ vọng sẽ chẳng thất vọng”. Mình nhớ nhà. Hà Nội đẹp. Hà Nội có nhiều chốn để vui, để chơi, để thỏa mình trong hành trình tuổi trẻ. Nhưng đôi khi, mình cảm thấy bị lạc lõng, bơ vơ. Mình muốn về trong hành trình tuổi trẻ. Sau một khoảng thời gian trấn an bản thân, mình hiểu trên quãng đường thành công luôn có những điều bất như ý xảy đến với chính ta. Mình chấp nhận điều đó, tiếp tục tiến lên để ghi danh trong hành trình cá nhỏ vươn ra biển lớn.
Giữ vẹn chất “quê”, tiếp thu giá trị “phố”, tiếp tục “vẫy vùng”
Với châm ngôn sống “Chúng ta không thể làm được việc lớn nhưng chúng ta có thể làm nhiều việc nhỏ với một tình yêu lớn”, mình đã nỗ lực tham gia nhiều hoạt động tình nguyện nhất có thể. Mình vui vì được sống, được cống hiến vì đất nước. Làm thiện nguyện không phải vì cái danh hư vô mà vì tình thương và lòng ước muốn giúp đỡ cộng đồng. Hiện tại, mình đang dạy tại Lớp học Cầu Vồng - nơi chắp cánh cho hoàn cảnh khó khăn, thắp lên ngọn đèn tri thức cho các bạn nhỏ. Mất thời gian, công sức và không có tiền nhưng thứ mình nhận lại được là niềm vui khi thấy các em cười, thấy mình góp phần vẽ nên những nét tương lai. Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.
Hành trình còn dài song nhiệt huyết phấn đấu vẫn căng tràn nơi lồng ngực nữ sinh. |
Mình thầm cảm ơn chính mình trong những ngày phấn đấu, nỗ lực. Không chỉ bồi dưỡng sức khỏe vật chất, tinh thần; mình chăm sóc cả đời sống tâm linh. Mình cố gắng xây dựng chất liệu bình an và hạnh phúc từ bên trong, bồi đắp sức mạnh nội lực để có thể chiến đấu với chông gai, thử thách. Mình tập mở lòng với thế giới, đón nhận mọi thứ bằng đôi mắt yêu thương và bao dung.
Mỗi người sinh ra đều có cho mình những sứ mệnh riêng. Dù có điểm xuất phát không bằng những người khác nhưng chỉ cần mình cố gắng nỗ lực, thành quả chắc chắn sẽ đến. Gạt sang một bên những nếp nghĩ bùng nhùng, những tiếng thở dài ngao ngán, mấy tiếng lướt mạng online trong vô bổ, mình đã cố gắng vẫy vùng để vươn ra biển lớn. Bạn không nhất thiết phải tốt hơn người khác nhưng nhất thiết phải tốt hơn mình của ngày hôm qua. Mỗi người chỉ có một đời sống, vì vậy, hãy sống chứ đừng tồn tại. “Ai cũng có thể vẽ một đường thẳng. Ai cũng có thể vẽ một đường cong. Những bức tranh nổi tiếng trên thế giới đều được tạo ra từ những đường thẳng và đường cong. Quan trọng là bạn có chịu vẽ những đường thẳng, những đường cong và vẽ đủ nhiều để tạo thành một bức tranh hay không” (Tâm Lê). Cứ đi rồi sẽ đến!