Nguyễn Hưng Hòa hiện đang học thạc sĩ ngành Truyền thông Quốc tế tại Học viện Ngoại giao. |
Mối lương duyên với hai chữ “Tình nguyện”
Kì thi THPT kết thúc. Hành trình đại học mở ra. Như bao sinh viên khác, Hòa chập chững bước lên Hà Nội, tập làm quen với môi trường mới. Tuy nhiên, dù mới bước vào năm học, cô đã xác định sống và học tập với tâm thế “Ai cũng giỏi hơn mình”. Đứng trước mong muốn tự phát triển bản thân, cô chắc chắn một điều: nếu người ta cố gắng một thì mình phải cố gắng gấp mười lần, thậm chí hơn thế. Hòa bắt đầu tìm cho mình một “mái nhà” tại đại học, nơi cô cảm thấy được sự gắn kết chân thành và cho cô cơ hội phát triển, bung hết sức mình. Bằng mối lương duyên, Hòa đã tình cờ chọn CLB Tình nguyện Học viện Ngoại giao (DVC) mà cũng không biết rằng, chính “mái nhà” này là nơi khởi nguồn cho các từ khóa gắn liền với hành trình tuổi trẻ của bản thân, đó là cộng đồng, tình nguyện, người trẻ. Hòa chia sẻ: “Sau khi vào DVC, nếu được yêu cầu tham gia một thì mình sẽ tham gia hai hoặc nhiều hơn. Nhờ tần suất xuất hiện thường xuyên, mình được các anh chị quý mến và nhớ tới trong nhiều sự kiện. Thêm vào đó, mình chân thành làm và nhiệt tình cống hiến hết mức có thể, dần dần những cơ hội tình nguyện đã đến với mình. Hiện tại, mình đã biến mong muốn tình nguyện trở thành công việc mình có thể gắn bó lâu dài. Mình vừa có thể thỏa mãn đam mê tình nguyện vừa có thể kiếm tiền từ nó, mình vừa làm tốt nó cũng như mọi người công nhận năng lực của mình trong lĩnh vực này.”
Hòa may mắn tìm thấy nơi tình yêu với tình nguyện bắt đầu. |
Hành trình tình nguyện của Hòa có thể kể đến các dấu mốc đáng chú ý như các chương trình thường kỳ diễn ra tại các trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Nội, các sự kiện lớn như Sắc xanh sưởi ấm vùng cao, Tháng ba - Miền kí ức và hàng loạt các dự án liên quan đến phát triển năng lực của sinh viên…
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, cô bộc bạch: “Kỉ niệm mình nhớ nhất là mùa Sắc xanh sưởi ấm vùng cao tại Trường mầm non Xín Cái, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Mình đảm nhận vị trí chủ nhiệm CLB. Nơi chúng mình đến là điểm trường xa nhất của xã xa nhất, và cũng là nơi có hoàn cảnh khó khăn nhất ở địa phương. Mình đánh giá sự kiện này thành công trọn vẹn nhất trong tương quan so sánh với những hoạt động thiện nguyện mình từng làm. Nó cân bằng được yếu tố làm được thứ mình muốn, làm hết sức có thể và không hối hận về bất cứ thứ gì cả. Hơn hết, những đối tượng thụ hưởng của đợt tình nguyện rất vui vẻ, hạnh phúc về việc chúng mình xuất hiện và mang tới giá trị nào đấy cho cuộc sống của họ. Ngoài ra, đó còn là chuyến đi rất vui và rất an toàn đối với các thành viên trong CLB.”
Tình nguyện - Được và mất
Xét bề mặt, hành trình “cho đi” đã vẽ nên những nét đẹp tương lai cho cộng đồng, xây dựng xã hội tốt hơn. Nhưng nếu nhìn kĩ lại, chính người đi tình nguyện cũng nhận được những lợi ích to lớn. Hòa bày tỏ: “Mình thấy mình có rất nhiều sự thay đổi so với khi mới bước chân lên Hà Nội học đại học. Về sức khỏe, mình rèn luyện được sự dẻo dai, bền bỉ; có thể làm nhiều việc nhưng vẫn giữ được năng lượng tích cực. Thứ hai, mình xây dựng được nhiều mối quan hệ chất lượng. Mình làm việc trong môi trường mà ai cũng muốn đóng góp cho xã hội nên mình được gặp và học hỏi từ những tâm hồn thích cống hiến. Thứ ba, mình có thể bồi dưỡng chuyên môn về ngành truyền thông đang theo học. Mình biết cách quản lý đội nhóm, biết cách xây dựng dự trù chi phí, xây dựng những thông điệp truyền thông tinh tế, tìm ra những điểm chạm hiệu quả, không quá thương mại và không quá cũ để đạt được hiệu quả mình vạch ra trong mục tiêu ban đầu. Tình nguyện là trải nghiệm, là hoạt động ngoại khóa thực tế nhất cho những môn học mình đã học ở trường.”
Với Hòa, tình nguyện có sức mạnh gắn kết những con người từ lạ thành quen. |
Khi được hỏi “Tôi là ai” trên hành trình thiện nguyện, Hòa thành thật bày tỏ: “Đến giờ, mình không dám chắc chắn và cũng không đủ tự tin để nói cho mọi người biết mình là ai. Có những điều mình chưa chắc chắn, mình cần thử nhiều hơn để chứng minh nó đúng hay nó sai. Tuy nhiên, có một điều mình chắc chắn: mình là con người của cộng đồng, mình sẽ làm dự án cộng đồng, kết nối xã hội, đóng góp những giá trị thực chất thay vì chỉ là những dự án trên bề mặt. Đó cũng là lí do mà khi kết thúc đại học, dưới sự hỗ trợ và đồng hành của các thầy cô, mình và những người bạn đã quyết định thành lập DIPLOMANT, mạng lưới kết nối người trẻ làm truyền thông xã hội đầu tiên. Mạng lưới có nguồn cảm hứng như sau: “Người trẻ, đối với các vấn đề xã hội, giống như “một con kiến”, luôn muốn mang trên vai những thứ có sức nặng, nhưng dù mang nặng đến mấy, sự thay đổi cũng chỉ nhích lên từng chút một. Mấu chốt của việc thay đổi xã hội không phải ở chỗ con kiến có thể mang nặng bao nhiêu, mà ở việc có bao nhiêu con kiến cùng mang, và chúng có gì để mang.”
Nguồn cảm hứng đầy sáng tạo và thực tế của DIPLOMANT. |
Tuy nhiên, trên hành trình thiện nguyện, Hòa cũng gặp nhiều khó khăn, dường như đối diện với “mất”. Khó khăn lớn nhất theo quan điểm của cô là vấn đề quản lý quỹ. Các hoạt động tình nguyện yêu cầu sự rõ ràng trong việc sao kê các khoản quỹ. Các bạn sinh viên ở độ tuổi 20 có trách nhiệm giữ và sử dụng chúng hợp lý. Điều này được Hòa đánh giá là khá rủi ro và cũng cần mình phải vượt qua. Tuy nhiên, cô chia sẻ: “Mình không bao giờ bỏ cuộc vì những khó khăn đó. Bất cứ công việc mình làm đều phải đi liền với trách nhiệm. Mình đi chợ cũng phải có trách nhiệm. Mình quét nhà cũng phải có trách nhiệm. Mình nhận tổ chức chương trình thiện nguyện, có sự liên đới và tham gia của hàng trăm bạn tình nguyện viên (TNV) và các người dân tại địa phương mình đến, các đơn vị dịch vụ. Trách nhiệm to lớn đấy không cho phép mình bỏ cuộc. Dần dần nó tạo cho mình tâm thế khi mình làm một cái gì đấy mình sẽ phải nỗ lực cho đến khi dự án đấy kết thúc.”
Hòa luôn nở nụ cười rạng rỡ dù có gặp khó khăn trên hành trình cống hiến. |
Tình nguyện từ tâm chạm đến tâm
Đối với Hòa, chân thành và nhiệt huyết là hai yếu tố cần thiết nhất để trở thành TNV. Đồng thời, mỗi người cần hiểu rõ được việc mình làm có mục đích gì, nhận thức rõ mình muốn làm điều đấy. “Đi tình nguyện giống như mình đang trở về nhà nên sẽ khó có trường hợp bị cạn kiệt năng lượng. Khi làm tình nguyện, mình sẽ nhận được năng lượng yêu thương từ người xung quanh truyền lại cho mình. Nó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy tích cực, lạc quan, vui vẻ và không mệt nữa”, Hòa chia sẻ.
Suốt cuộc trò chuyện với phóng viên, cô luôn nhấn mạnh đến chữ “Tâm” trong hành trình tình nguyện của mình. Hòa nói: “Khi mình làm TNV, mình cứ cho đi trước, đừng kì vọng mình nhận lại được gì. Tự khắc những hành động, quyết định, những phản ứng của mình về sau sẽ trở nên chân thành một cách bất ngờ. Của cho cũng quan trọng mà cách cho cũng quan trọng. Mình cứ cho đi trước một cách chân thành thì cách cho của mình sẽ luôn đúng đắn.”
Hòa sống bằng cái tâm, hoạt động bằng tình thương trong các công tác xã hội. |
Hiện tại, Hòa đang học thạc sĩ ngành Truyền thông Quốc tế, vẫn có bài vở và đôi khi “ngập đầu” trong những deadlines (hạn cuối của công việc được giao). Chính vì vậy, cô không tách rời mình với các bạn sinh viên. Hòa khiêm tốn bày tỏ mình chỉ đứng ở cương vị người vô tình nhìn được ánh sáng mặt trời trước các bạn sinh viên tầm 3-4 năm.
Hòa nói: “Các bạn trẻ ngày nay dường như không phải sinh ra ở vạch đích nữa mà vạch đích phải ‘chạy’ hằng trăm mét thì mới đến các bạn. Tuy nhiên, các bạn lại phải đứng trước trách nhiệm vượt sướng, được trao cho rất nhiều sự lựa chọn, với hàng trăm các cơ hội khác nhau. Các bạn sẽ luôn thắc mắc mình là ai, mình đang làm gì, liệu những việc mình làm về sau có mang lại cho mình điều gì hay không. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, các bạn đừng nghĩ quá nhiều về tương lai. Các bạn cứ cố gắng sống tử tế, chân thành, trách nhiệm với tất cả những gì mình làm, với những cơ hội đến với cuộc đời mình. Khi mà các bạn nhiệt tình làm việc với 100% công lực thì những cơ hội mới sẽ đến với các bạn lúc nào không hay, hoặc các bạn sẽ phát triển và trưởng thành hơn nhiều từ lúc nào mà bạn không biết. Cứ chiến đấu rồi các bạn sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, thành công dân toàn cầu.”
Hòa không vạch ra kế hoạch cụ thể như năm nay cần làm bao nhiêu chuyến tình nguyện hay 5 năm nữa sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. “Mình chỉ biết bất cứ khi nào có cơ hội, mình sẽ luôn nỗ lực và cố gắng để đi tình nguyện”, cô chia sẻ.
Những thành tích nổi bật của Nguyễn Hưng Hòa
- Cử nhân Khoá 45 ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao
- Học viên Cao học Khóa 1 ngành Truyền thông Quốc tế, Học viện Ngoại giao
- Chủ nhiệm CLB Tình nguyện Học viện Ngoại giao (DVC) nhiệm kỳ 2019 - 2020
- Co-founder Dự án “IC1D - I Cee 1 Day you become an ICer” - Dự án tuyển sinh Khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao
- Phó Trưởng Ban tổ chức IC Master 2021 - Hà Nội: Journey to Creativity
- Đại sứ truyền cảm hứng Chiến dịch "Keeping girls in the picture - Vì một bức tranh tương lai có trẻ em gái"
- Co-founder DIPLOMANT - Sáng kiến kết nối người trẻ làm truyền thông xã hội
- Trưởng điều phối Tình nguyện viên Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023
- Điều phối viên Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills Viet Nam)
- Thuộc 1 trong 5 sinh viên nhận Học bổng ADENAUER 2023/2024