Ba bước thoát an toàn của nữ sinh Học viện Ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Từng tự ti và hoài nghi về chính bản thân mình, Nguyễn Thị Minh Ngọc (sinh năm 2005) đã gạt bỏ rào cản để bước ra khỏi vùng an toàn, dũng cảm theo đuổi ước mơ với ngành Truyền thông. Với nữ sinh, chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu theo đuổi những mục tiêu lớn bản thân tự đề ra và dũng cảm để bắt đầu.
Ba bước thoát an toàn của nữ sinh Học viện Ngoại giao ảnh 1
Minh Ngọc đang là sinh viên năm nhất Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao.

Khởi đầu, chập chững và loay hoay

Sinh ra trong một gia đình có bố là kỹ sư, mẹ là giáo viên dạy Văn, ngay từ khi còn nhỏ, mình đã được tiếp xúc với kiến thức qua sách truyện nhiều thể loại. Với mình, tuổi thơ là những chương thần thoại ly kỳ, là những câu chuyện lịch sử từ thuở sơ khai tới những triều đại trong sử Việt, hay là những câu hỏi đầy tò mò từ “Mười vạn câu hỏi vì sao?”. Dù hồi ấy chỉ là một “chú chim non ngọng líu ngọng lo”, chữ hiểu chữ mất, mình đã yêu cảm giác tinh thần được kích thích và hào hứng khi khám phá ra những kiến thức mình chưa từng biết.

Mình tự nhận thấy bản thân sống nội tâm, luôn có thói quen tự suy nghĩ, tự hỏi và tự trả lời bản thân. Đến tuổi dậy thì “ẩm ương”, tính cách mình trở nên khép nép và ngại chốn đông người. Quãng thời gian cấp một và cấp hai, mình luôn mắc kẹt trong chính thế giới mình tạo ra, vô hình chung tự làm mờ bản thân giữa tập thể. Mình cho rằng cách sống như vậy sẽ cho mình cảm giác an toàn và thoải mái, nhưng lâu dần, những mầm mống của sự tự ti xuất hiện. Mình đã từng cảm thấy lạc lõng giữa mọi người, mình từng cảm thấy bức bối khi bản thân không thể trò chuyện với ai.

Âm nhạc, “sơn trà cài tóc mai người tình”

Đến tận bây giờ, mình vẫn hay nói với bạn bè rằng âm nhạc là thứ đã “giải thoát” mình khỏi những cạm bẫy tinh thần mình tự tạo ra. Mối quan hệ giữa mình với âm nhạc thật khó để nói hết chỉ với một lời. Mình với nhạc là bạn tri kỷ từ năm lớp tám khi mình bắt đầu học đàn piano. Dù xuất phát điểm có chậm hơn so với nhiều bạn đồng trang lứa, nhưng mình nghĩ rằng chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu một sở thích.

Những ngày miệt mài luyện ngón và say mê quên thời gian trên những phím đàn là khoảng thời gian mình cảm thấy hạnh phúc nhất. Mình được nghe những giai điệu do chính bản thân tạo ra, được đàn những bản nhạc cổ điển mà bản thân yêu thích.

Tiếc rằng, mình đành phải gác lại đam mê khi phải dành toàn bộ thời gian ôn thi cấp ba, và rồi cứ dần dần theo guồng quay mà xa rời nhau.

Đến năm nhất đại học, khi lần đầu tiên sống một mình giữa chốn Hà thành nhộn nhịp, tâm hồn mình cảm thấy trống vắng khi phải xa gia đình. Những áp lực học tập, cảm giác nhớ nhà đã từng dìm mình xuống bể cô đơn. Nhưng rồi đến một ngày, mình quyết định sẽ quay trở lại với âm nhạc. Vì muốn thử sức với một nhạc cụ khác, mình đã đến với guitar bass. Dù chỉ mới bốn tháng, nhưng cũng chính bốn tháng này, mình như được sống lại khoảng thời gian trước, vui vẻ và gạt qua những muộn phiền.

Ba bước thoát an toàn của nữ sinh Học viện Ngoại giao ảnh 2
Âm nhạc vừa là liều thuốc chữa lành, vừa là sự thúc đẩy cho cô gái nỗ lực phá bỏ giới hạn theo đuổi những gì mình thích.

Với mình, cây đàn này là cột mốc lớn nhất kể từ khi mình bước sang tuổi mười chín. Vì nó, mà lần đầu tiên mình đi làm, nỗ lực kiếm từng đồng tiền để gom góp dành dụm; vì nó, lần đầu tiên mình biết cố gắng để theo đuổi đam mê khó khăn như nào; và cũng vì nó, lần đầu mình hiểu từng cắc từng đồng bản thân tự làm ra nó quý giá đến nhường nào.

Tiếng Pháp - “khi biết yêu lần đầu”

Tiếng Pháp với mình như người tình biết yêu lần đầu vậy. Mình rẽ ngang con đường tiếng Anh sang tiếng Pháp một cách tình cờ nhưng “như trời sắp đặt”, khi đỗ vào lớp chuyên Pháp, trường THPT Chuyên Trần Phú - Hải Phòng. Ngày ấy, tiếng Pháp là một con số không tròn trĩnh đối với mình. Mình học tiếng Pháp lại từ đầu, từ những chữ cái đơn giản tới “ăng”, “đơ”, “troai”,...

Người dìu dắt cũng như thắp lên ngọn lửa tình yêu với tiếng Pháp của mình chính là thầy chủ nhiệm, người mà tụi mình hay gọi là là “Monsieur. Sơn”. Chính nhờ sự tâm huyết của thầy mà lần đầu tiên, mình mới “biết yêu” một ngôn ngữ là như thế nào, mình mới có cơ hội được tiếp xúc một cách rõ nhất, trực tiếp nhất ngôn ngữ lãng mạn nhất thế giới.

Ba bước thoát an toàn của nữ sinh Học viện Ngoại giao ảnh 3
Cấp ba là khoảng thời gian đẹp nhất của Minh Ngọc khi có cơ hội được học ngôn ngữ Pháp.

Tiếng Pháp không phải là ngoại ngữ đầu tiên mình học nhưng với mình, tiếng Pháp là “tình đầu” cho mình biết yêu. Suốt quãng thời gian lớp mười, lớp mười một, mình chỉ muốn chú tâm cho tiếng Pháp, luôn giữ khát khao muốn chinh phục “người tình” này. Nhưng tới thời điểm cuối cấp, khi mọi thứ đảo lộn để dần đi vào quỹ đạo ôn thi đại học, mình lúc đó buộc phải gác tiếng Pháp sang một bên để ôn thi tiếng Anh.

Mình nghĩ thật khó để bản thân chấp nhận việc từ bỏ tiếng Pháp. Giai đoạn giữa lớp mười hai, mình xin bố mẹ và rủ thêm bạn bè để ôn thi bằng tiếng Pháp DELF B2. Thời gian gấp gáp khi chỉ có ba tháng để ôn lại từ đầu, trong khi kỳ thi tốt nghiệp ngày càng cận kề. Những tối lọ mọ đường đi học thêm, những ngày trên trường vừa ôn toán vừa giở vở ra học từ mới. Căng thẳng, nhưng mình nghĩ đó là khoảng thời gian đáng nhớ trong những tháng ngày cuối cấp của mình.

Và rồi tháng ba tới, mình đã có một ngày thi căng não. Lúc ấy, chỉ ước rằng mình có thể có số điểm ổn vì bản thân làm bài tốt nhất khả năng. Khoảng một tháng sau, mình đang ngồi trong lớp với bạn khi đã tan học, bạn mình tự nhiên hét lên “Mày đỗ rồi, đỗ B2 ấy!”. Mình đơ người một lúc, rồi cũng sung sướng hớn hở cười theo. Vui, vui lắm, vì ít ra mình biết mình đã cố gắng như nào cho mục tiêu của bản thân đề ra.

Những con chữ dẫn lối tâm hồn

Có mẹ là giáo viên Văn, nên mình nghĩ đây là điều có ảnh hưởng lớn nhất tới sở thích viết lách của mình. Mình hay giấu một suy nghĩ ngô nghê rằng “chắc mẹ hồi xưa lúc bầu mình thì đi dạy văn nên chắc mình cũng được hưởng một tí cái yêu viết lách”. Đó vốn chỉ là một ý nghĩ hồn nhiên từ thuở tấm bé, nhưng việc mình yêu viết lách là điều chắc chẳng thể tự dối lòng.

Những ký ức được làm bạn với sách truyện đã đưa lối mình một chốn lạ kỳ trong sâu thẳm tâm hồn. Có lẽ từ rất lâu, mình là một kẻ mộng mơ lang thang giữa những con chữ. Nhớ về những ngày Tết năm lớp sáu, cô giáo dạy văn của mình có phát động một cuộc thi viết truyện quy mô “cấp lớp”. Một đứa nhóc luôn khao khát được tự tạo nên một thế giới riêng cho bản thân như mình không ngần ngại mà giơ tay xung phong tham gia. Những sáng, những chiều ngồi trong căn phòng nhỏ có cửa sổ hướng ra khu vườn, mình hào hứng tay gõ phím lạch cạch trên chiếc laptop cũ tựa như sợ không hứng kịp những dòng chảy ý tưởng. Một câu chuyện về chú cá heo nhỏ dũng cảm, không sợ kẻ xấu mà sẵn sàng chiến đấu vì gia đình và tình bạn. Không hiểu sao từ khi “chắp bút” cho tới khi hoàn thành tập truyện này, mình có một chút tự tin về “tác phẩm đầu tay” của mình. Ngày trao thưởng, “Chú cá heo dũng cảm” được giải nhất, mình ẵm trọn tờ tiền hồng năm mươi nghìn của cô giáo văn.

Ba bước thoát an toàn của nữ sinh Học viện Ngoại giao ảnh 4
Nữ sinh tự nhận mình là “kẻ mộng mơ với những con chữ”, khát khao được tự do thông qua sở thích viết.

“Sự nghiệp” viết văn “dạo” của mình thực sự bắt đầu khi mình vào lớp mười. Từ lâu, mình đã luôn ấp ủ về việc tạo riêng một trang blog, nơi cho phép bản thân mình thỏa sức bung ngòi bút cũng như chiều chuộng “đứa trẻ mơ mộng” trong thế giới tâm hồn. Khởi đầu không mấy dễ dàng khi mình phải tự mày mò tìm trang web phù hợp với yêu cầu bản thân đề ra, tự thử thiết kế logo, cover cho trang blog, và vắt óc “ngày đêm” tìm tên trang sao cho “hợp phong thủy” nhất. Và thế là Carongot- Một chiếc blog ra đời như thế đấy.

Từ nghi ngờ bản thân đến gặt quả ngọt: bài báo đầu tay

Ba bước thoát an toàn của nữ sinh Học viện Ngoại giao ảnh 5
Vượt lên sự nghi ngờ từ chính bản thân, nữ sinh đã có bài báo tiếng Pháp đầu tay đạt giải của Đại sứ quán Roumanie.

Gia đình mình ba đời vốn có truyền thống làm nghề giáo, do vậy, bố mẹ mình đều muốn hướng mình theo con đường sư phạm, nhưng mình biết đó không phải là con đường phù hợp với mình. Trong nhà chưa từng ai đi làm nghề truyền thông, nên đã có những bữa cơm, mình phải giải thích và thuyết phục cho bố mẹ hiểu hơn về ngành học mình muốn theo đuổi.

Nhưng chính bản thân mình cũng từng tự hỏi rằng, tại sao bố mẹ lại không đồng ý cho mình học ngành này; mình học xong ra ngoài đời sẽ làm gì; liệu sau này mình có thể nuôi được bản thân cũng như gia đình mình hay không; và đây có thực sự là điều mình muốn theo đuổi lâu dài?,... Hàng trăm câu hỏi được đặt ra trong đầu mình, mình từng bối rối khi không biết làm cách nào tốt nhất để thuyết phục mọi người về việc cho phép mình đi theo con đường này.

Mình từng nghe một người nói rằng, nếu muốn chứng minh một điều, bạn phải thực sự làm được nó bằng hành động chứ không phải bằng lời nói suông. Và có lẽ mọi thứ như được sắp đặt, đúng người đúng thời điểm khi lúc đó mình vừa thi đại học xong và đang nghỉ hè, mình vô tình thấy trên một page Pháp ngữ đăng tải thông tin cuộc thi “Phóng viên Pháp ngữ trẻ 2023” do báo Le Courrier du Vietnam tổ chức. Mặc dù có chút đắn đo lưỡng lự lúc đầu, nhưng chính mình cũng chẳng thể tin được một con nhóc không quá tự tin vào tiếng Pháp nhưng lại dám đăng ký, dám mở lời tìm người đồng hành để tham gia một cuộc thi viết báo bằng tiếng Pháp.

Mình và người cộng sự đã lên rất nhiều ý tưởng nhưng cũng phải bỏ đi rất nhiều. Mình ngày đêm đóng cửa chỉ ôm mỗi chiếc laptop để tìm ý viết bài cũng như lên bản phác thảo đầu tiên. Nhìn “đứa con tinh thần” của mình dần thành nét thành hình, mình như được “bơm thêm adrenaline”. Viết và rồi lại sửa. Những ngày đó, bản thân mình thu mình lại trong thế giới của riêng mình, sống như một “gã họa sĩ điên” lâu rồi không được bung nét cọ, đưa sắc màu trở về trước mắt mình. Ngay khi nhấn nút gửi bài dự thi đi, tim mình đập thình thích. Một nửa trong đầu mình nghĩ rằng “tham gia với tâm thế thi cho biết”, nửa còn lại thì âm thầm chắp tay cầu nguyện mong sẽ có một phép màu.

Vẫn nhớ như in ngày 17/11, bọn mình đi đến hội trường của bên Thông tấn xã Việt Nam. Thực ra, lúc đầu hai đứa còn đi lạc mất hơn tiếng đồng hồ mới đến đúng địa điểm. Đến khi chị MC đọc tên bọn mình và bài báo, bọn mình mới vỡ òa khi nhận được giải của Đại sứ quán Roumanie.

Giải thưởng này là nguồn động lực cực kỳ lớn với mình khi lần đầu tiên, mình được công nhận khả năng “viết lách” một cách công khai và vinh dự đến vậy. “Mình có giải của đại sứ hẳn hoi cơ mà! Những gì mà bọn mình viết ra được mọi người ghi nhận, họ hiểu những ý tưởng của bọn em và cảm thấy hứng thú với chúng thông qua con chữ!”, đó là những gì mà bản thân mình ngày hôm đó nghĩ trong đầu. Với bọn mình, đây được coi là thành tựu xứng đáng vì sự nỗ lực trong suốt một tháng trời.

Kể từ khi ấy, mình cảm thấy càng có niềm tin hơn vào ngành học mình chọn, con đường mình đã quyết định đi tới cuối. Dù có chậm một chút, nhưng nó xứng đáng.

“Cảm ơn, vì đã dũng cảm để bắt đầu”

Một đứa nhóc luôn tự ti và khép mình cũng chẳng ngờ rằng sẽ có những lúc nó dám nhấc chân tiến thêm một bước về phía trước. Bản thân mình cho rằng, nếu không nhờ những lúc “liều” dám thử, dám mở lòng với những cơ hội trước mắt, mình sẽ không phải là mình của ngày hôm nay.

Nếu như khi đó mình không quyết tâm đi kiếm tiền, mình cũng sẽ không tìm lại được đam mê luôn âm ỉ mà mình đã phải giấu đi. Nếu như ngày đó mình không mở lòng chấp nhận học lại từ đầu một ngôn ngữ mới, có lẽ mình sẽ chẳng biết rằng tiếng Pháp là tình yêu của cuộc đời mình. Nếu như mùa hè năm đó, mình không thử “liều một phen” đăng ký dự thi viết báo, mình cũng sẽ chẳng biết khi mình thực sự nỗ lực, mình sẽ được mọi người công nhận.

Và cũng nếu như ở tuổi mười tám, mình không đặt nguyện vọng vào Học viện Ngoại giao, mình sẽ bỏ lỡ một môi trường tuyệt vời. Trải qua một năm học đầu tiên, mình luôn thấy đúng đắn khi chọn học ở đây, bởi mình được học những người thầy người cô rất giỏi và tâm lý, luôn tạo điều kiện cho sinh viên được thể hiện cá tính trong sản phẩm; mình được gặp gỡ nhiều bạn bè, anh chị đến từ các miền đất khác nhau của Tổ quốc; mình được làm những điều mình nghĩ sẽ không bao giờ có cơ hội để thử. Mình biết ơn vì là một thành viên bé nhỏ của Ngoại giao, của khoa Truyền thông, mình có nhiều cơ hội học hỏi quý báu từ mọi người xung quanh, có cơ hội được theo đuổi đam mê viết của mình một cách chuyên nghiệp.

Ba bước thoát an toàn của nữ sinh Học viện Ngoại giao ảnh 6
Ở môi trường Ngoại giao, Minh Ngọc có thêm nhiều cơ hội thử sức với những hoạt động truyền thông

Dạo gần đây mình luôn có nhiều suy nghĩ trong đầu về dự định tương lai sau này. Có những khi mình thắc mắc rằng liệu mình sẽ làm việc tại một công ty truyền thông giải trí, hoặc sẽ làm bộ phận media của một đội đua F1 nào đó, hay sẽ vẫn tiếp tục theo con đường viết báo. Với mình, mình muốn được khám phá thế giới này nhiều hơn nữa, mình muốn được thử sức với nhiều vị trí khắc nhau; để sau này khi nhìn lại, sẽ không bao giờ cảm thấy nuối tiếc vì mình đã từng sống trọn vẹn từng giây phút được là chính mình.

Mình rất thích một câu nói trong tiếng Pháp: “Pour pouvoir contempler un arc-en-ciel, il faut d’abord endurer la pluie” (tạm dịch: Để có thể ngắm cầu vồng, trước tiên phải chịu đựng được cơn mưa). Với mình, chưa bao giờ là hối hận với những quyết định mà mình đưa ra; chưa bao giờ là quá trễ để theo đuổi đam mê. Cảm ơn bản thân vì đã dũng cảm để bắt đầu.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Nữ du học sinh Việt giàu lòng nhân ái, vận dụng đam mê Hóa sinh cho các dự án vì sức khỏe cộng đồng

Nữ du học sinh Việt giàu lòng nhân ái, vận dụng đam mê Hóa sinh cho các dự án vì sức khỏe cộng đồng

SVVN - Phan Dương Thục Quyên (sinh năm 2007) hiện theo học tại Oxford International College, Anh. Dù đang du học ở nước ngoài, Thục Quyên vẫn tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện tại Việt Nam. Từ niềm đam mê Hóa sinh, cô bạn mong muốn được vận dụng những hiểu biết của bản thân để đóng góp cho các dự án vì cộng đồng và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Kỳ thực tập mùa hè đáng nhớ của những 'nhà báo' năm nhất đến từ Học viện Ngoại giao

Kỳ thực tập mùa hè đáng nhớ của những 'nhà báo' năm nhất đến từ Học viện Ngoại giao

SVVN - Thực tập ngay từ năm nhất là một cơ hội lớn đối với các sinh viên ngành Truyền thông Quốc tế - Học viện Ngoại giao. Trải qua kỳ thực tập mùa hè 2024 đầy ý nghĩa tại Ban Sinh  viên, báo Tiền Phong, 5 sinh viên Ngoại giao đã thêm vào hành trang của riêng mình những bài học và kinh nghiệm quý giá trên hành trình theo đuổi giấc mơ “cầm bút” trong tương lai.
Mọi sự nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng!

Mọi sự nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng!

SVVN - Vốn là một người không thích xuất hiện trước ống kính, tuy nhiên sau khi được tiếp xúc với nghệ thuật, Minh Trang dần cảm thấy bén duyên và yêu nghề nhiều hơn. Bắt đầu đi lên từ mảng kid, sau đó là mẫu teen và hoạt động cho đến hiện tại, Minh Trang càng khẳng định sự quyết tâm chinh phục niềm đam mê diễn xuất nhiều hơn, sau 2 lần thi đại học và trở thành tân sinh viên chuyên ngành Diễn viên kịch, điện ảnh – truyền hình của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Chân dung nữ thủ khoa khối D07 tỉnh Thái Nguyên sau một năm 'chọn Ngoại giao'

Chân dung nữ thủ khoa khối D07 tỉnh Thái Nguyên sau một năm 'chọn Ngoại giao'

SVVN - Trần Thu Trang (sinh năm 2005) hiện là sinh viên năm hai khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại Học viện Ngoại giao. Với số điểm 28.25 tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cô đã xuất sắc trở thành Thủ khoa khối D07 của tỉnh Thái Nguyên. Mang theo nhiều kỳ vọng khi bước vào cánh cửa đại học, Thu Trang đã không ngừng học tập, phát triển và chứng tỏ bản thân trong năm đầu tại Học viện.
Hoa khôi duyên dáng Ngoại thương 2022 rạng rỡ ngày tốt nghiệp

Hoa khôi duyên dáng Ngoại thương 2022 rạng rỡ ngày tốt nghiệp

SVVN - Trần Hà Linh - Cựu sinh viên K59 chương trình Chất lượng cao Kinh tế chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Hoa khôi cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương năm 2022 vừa chính thức nhận bằng tốt nghiệp vào cuối tuần vừa qua. Cùng lắng nghe những chia sẻ của Hoa khôi Ngoại thương trong thời điểm chính thức rời xa giảng đường đại học.
Hành trình từ nữ học sinh trường chuyên đến thủ khoa Quản trị Marketing

Hành trình từ nữ học sinh trường chuyên đến thủ khoa Quản trị Marketing

SVVN - Nguyễn Phan Mỹ Vân, sinh năm 2002 tại Hà Nội, là thủ khoa tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Marketing Chất lượng cao, lớp Quản trị Marketing CLC62C, khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với GPA 3.92/4.0. Cô bạn đã gặt hái được nhiều thành tích tiêu biểu, trong đó nổi bật là việc giành học bổng khuyến khích học tập trong 6/7 kỳ và lọt vào Top 5 toàn quốc tại Bảng Digital - Sinh viên trong cuộc thi Việt Nam Young Lions 2023.
Nữ thủ khoa ngành Truyền thông Marketing NEU xuất sắc chinh phục học bổng thạc sĩ danh giá tại Anh Quốc

Nữ thủ khoa ngành Truyền thông Marketing NEU xuất sắc chinh phục học bổng thạc sĩ danh giá tại Anh Quốc

SVVN - Bùi Hoàng Yến Nhi (sinh năm 2002) là nữ sinh viên xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa chuyên ngành Truyền thông Marketing Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) với GPA 3.9/4.0. Cô đã chinh phục nhiều học bổng khuyến khích học tập, đặc biệt đã giành được Học bổng Southampton Presidential International Scholarship cho khóa thạc sĩ Marketing Analytics tại University of Southampton, Anh Quốc.