Nhưng trong một thế giới bận rộn, chúng ta dường như rất khó có thời gian để đọc sách. Tuy nhiên, một khi bạn đã coi đó là một việc cần thiết, một ưu tiên, thì chẳng có gì là không thể. Đây là một số cách mà chính những người thành công nhất thế giới đã tổng kết lại cho chúng ta, để “cài đặt” thói quen học hỏi qua những cuốn sách:
1. Luôn có ít nhất một cuốn sách
Dù bạn chỉ cần một tuần hay cả một năm để đọc xong một cuốn sách, hãy cố gắng để luôn mang theo một cuốn sách bên mình, để đọc bất kỳ khi nào bạn có thể tranh thủ được, dù là vài phút đứng xếp hàng chờ tính tiền, hay ở bến xe buýt…
2. Có một danh sách “Những điều cần học”
Rất nhiều người có danh sách “những việc cần làm”. Vậy bạn thử lập danh sách “những điều cần học” xem. Trong đó, bạn có thể viết những ý tưởng, những thắc mắc, những điều bạn tò mò về một lĩnh vực mới mẻ, những điều mà bạn có cảm hứng hoặc có động lực để làm… Và tìm cuốn sách về một trong những điều đó. Đây chính là cách mà những người thành công nhất thế giới bắt đầu xây dựng vốn kiến thức của mình về lĩnh vực mà họ sẽ tập trung vào.
3. Đọc kèm suy nghĩ
Albert Einstein từng nói: “Bất kỳ người nào đọc quá nhiều nhưng lại dùng bộ não quá ít sẽ rơi vào thói quen lười suy nghĩ”. Tức là, chỉ đọc trí tuệ của người khác là không đủ, bạn phải có những ý tưởng, ý kiến của chính mình bằng cách dành thời gian ghi chép, suy nghĩ về những điều bạn đã học và đọc được. Khi làm như vậy, bạn cũng sẽ càng muốn đọc nhiều hơn.
4. Đọc nhiều vào buổi sáng sớm
Những người làm được nhiều việc luôn dậy sớm. Bạn có thể dành 15 - 20 phút sáng sớm để đọc. Nếu lúc này, bạn thấy mình chưa tỉnh táo thì có thể để sau một lúc. Tuy nhiên, đừng trì hoãn quá nhiều, bởi vì khi bắt đầu phải làm các việc khác trong ngày thì việc đọc sách thế nào cũng bị đẩy ra khỏi danh sách ưu tiên và đến cuối ngày thì bạn chẳng kịp đọc nữa.
5. Đặt giờ để đọc sách
Vì mỗi ngày của bạn có thể bao gồm rất nhiều việc, nên nếu bạn không thực sự chủ động dành thời gian để đọc sách thì sách sẽ chẳng thể “xen” vào lúc nào trong ngày được.
Do đó, nếu không thể đọc vào sáng sớm, bạn nên đặt hẹn trên đồng hồ hoặc điện thoại, để nhắc bạn đọc sách vào một thời điểm khác trong ngày, ví dụ, vào lúc 7h tối (sau khi ăn tối, thay vì xem tivi). Khi đặt nhắc việc, là bạn đã “cài” cảm giác quan trọng vào việc đọc sách và bạn sẽ tôn trọng việc này hơn, thay vì phớt lờ nó bởi cho rằng, mình đã quá bận rồi.
6. Đọc nhận xét về sách
Trước khi đọc một cuốn sách, bạn nên đọc vài nhận xét trên mạng để xem những người đã đọc rồi nói ra sao. Việc này rất có ích, vì hoặc là nó sẽ khiến bạn rất phấn khích về cuốn sách đó, hoặc là bạn sẽ biết trước rằng, nó nhàm chán, hay khô khan…
7. Biết rõ khi nào thì nên từ bỏ một cuốn sách
Bạn chỉ có thể đọc sách đều đặn nếu đó là một trải nghiệm vui vẻ, thú vị, đầy hứng khởi. Nhưng dù có đọc nhận xét rồi thì khi thực sự đọc một cuốn sách, vẫn có khả năng là bạn không thích nó. Nếu bạn đọc một cuốn sách quá khó hiểu hoặc nhàm chán, khiến bạn căng thẳng, hoặc khó chịu, hoặc… ngáp lia lịa thì nên dừng nó lại. Có một số “định mức” được đưa ra, như 50 trang, 10% hoặc 3 chương – tức là, nếu bạn đọc một cuốn sách đến “định mức” này mà vẫn thấy nó không hay thì bạn nên… tạm biệt nó. Bằng cách này, bạn có thể dành thời gian cho những cuốn sách khác mà mình có hứng thú hơn.
Vậy, bạn dự định sẽ đọc bao nhiêu cuốn sách trong năm nay?