Bạn trẻ lao đao với hội chứng suy nghĩ quá mức

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Overthinking (hay suy nghĩ quá mức) là tình trạng phổ biến trong giới trẻ, đặc trưng bởi việc dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về những vấn đề trong quá khứ hoặc tương lai theo một cách tiêu cực. Overthinking có thể dẫn đến lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người trẻ.

Khi overthinking là “con sâu” ăn mòn tâm hồn

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, Nguyễn Minh Hằng (22 tuổi, Hà Nội) tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, thực tế lại không như những gì cô nàng mong đợi. Việc chưa tìm được công việc ổn định, trong khi bạn bè đồng trang lứa đã có những bước tiến đáng kể trong sự nghiệp khiến Hằng không khỏi lo lắng và tự ti.

Áp lực từ gia đình, bạn bè, xã hội là chất xúc tác làm Hằng cảm thấy mình phải đạt được những thành công nhất định trong thời gian ngắn. Hằng thường xuyên trốn tránh các hoạt động xã hội, dành nhiều thời gian cho việc suy nghĩ về những điều tiêu cực.

Bạn trẻ lao đao với hội chứng suy nghĩ quá mức ảnh 1

Minh Hằng đang trải qua một quãng thời gian khó khăn vì overthinking.

"Mình đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn chưa thành công. Mỗi khi nhìn thấy bạn bè đạt được những thành tựu, mình lại cảm thấy vô cùng chán nản và lo sợ cho tương lai của bản thân”, Hằng chia sẻ.

Cô nàng có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực trong cuộc sống. Hằng thường xuyên tự hỏi: "Mình sẽ làm sao nếu...", "Liệu mình có thể...", và rồi tự đưa ra những câu trả lời với viễn cảnh đầy bi quan. Hằng lo lắng về việc thất bại trong công việc, tình cảm,... Cảm giác bất an ấy như một bóng ma tâm lý luôn rình rập, khiến cô gái trẻ không thể tận hưởng hiện tại.

Cũng giống như Hằng, Ngọc Hà (22 tuổi, Hà Nội) đang trải qua quãng thời gian thường xuyên suy nghĩ quá nhiều. Hà chia sẻ rằng việc cô nàng hay "overthinking" bắt nguồn từ trí tưởng tượng phong phú và tâm lý chưa thực sự vững vàng. Ví dụ, khi người thân không trả lời tin nhắn, Hà thường lo lắng và tự vẽ ra những kịch bản tiêu cực có thể xảy ra. Cảm giác bồn chồn, bất an lúc đó khiến cô nàng rất mệt mỏi.

Tương tự trong công việc, khi bị sếp khiển trách, Hà lại càng suy nghĩ nhiều hơn và cảm thấy tiêu cực, cho rằng bản thân mình vô dụng, kém cỏi.

Bạn trẻ lao đao với hội chứng suy nghĩ quá mức ảnh 2

Ngọc Hà cho biết việc overthinking khiến cô nàng bị lấy đi nhiều niềm vui trong hiện tại.

“Cảm giác như có hàng triệu suy nghĩ cứ quẩn quanh trong đầu khiến mình thật sự mệt mỏi. Việc lo lắng quá mức về những điều chưa chắc xảy ra đã lấy đi nhiều niềm vui trong hiện tại. Mình cảm thấy như đang tự trói buộc bản thân vào một vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ tiêu cực, và điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn khiến những người xung quanh cảm thấy không thoải mái", Hà bộc bạch.

Suy nghĩ quá nhiều về những chuyện vụn vặt và nhỏ nhặt trong cuộc sống cũng là hình ảnh của Trần Minh Tuấn (21 tuổi, Nghệ An). Đặc biệt, kể từ khi yêu xa, Tuấn thường xuyên cảm thấy lo lắng thái quá về những thay đổi nhỏ nhất của người yêu. Chỉ một tin nhắn chưa được hồi đáp hoặc một biểu cảm hơi khác thường của "nửa kia” cũng đủ khiến Tuấn cảm thấy bất an. Chàng trai luôn sợ rằng bạn gái sẽ phản bội hoặc bỏ rơi mình. Những suy nghĩ tiêu cực ám ảnh Tuấn đến mức nhiều đêm anh chàng không thể chợp mắt.

Tuấn đã thử nhiều cách để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ tiêu cực: "Mình đã thử đi du lịch, chơi thể thao và tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng. Mình nghĩ rằng khi bận rộn, mình sẽ không còn thời gian để suy nghĩ vẩn vơ nữa". Tuy nhiên, những cách làm này chỉ mang lại hiệu quả tạm thời. Ngay sau khi kết thúc các hoạt động đó, Tuấn lại nhanh chóng bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực, khiến chàng trai 21 tuổi luôn cảm thấy mệt mỏi và bất an.

Câu chuyện của Hằng, Hà và Tuấn không phải là trường hợp cá biệt. Thực tế, tình trạng suy nghĩ quá nhiều đang trở thành một vấn đề phổ biến ở giới trẻ. Một nghiên cứu tại Đại học Michigan cho thấy, hơn 70% người trẻ tuổi từ 25 đến 35 tuổi thường xuyên bị ám ảnh bởi những suy nghĩ tiêu cực. Điều đáng ngạc nhiên là con số này lại giảm đi đáng kể ở nhóm người lớn tuổi, cho thấy đây thực sự là một vấn đề của thế hệ trẻ.

Cần hiểu rõ về overthinking

Chia sẻ về tình trạng suy nghĩ quá nhiều (overthinking) ngày càng phổ biến ở giới trẻ, chuyên gia tâm lý Đào Thuý Hoàn cho rằng áp lực từ xã hội và công việc đang là một trong những nguyên nhân chính. Cuộc sống hiện đại với những kỳ vọng cao về học tập, sự nghiệp khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy căng thẳng và áp lực. Thêm vào đó, việc thiếu đi những kỹ năng quản lý căng thẳng khiến nhiều người trẻ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực.

Bạn trẻ lao đao với hội chứng suy nghĩ quá mức ảnh 3

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn cho biết những người thường xuyên overthinking có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như rối loạn lo âu và trầm cảm.

Bà cho biết, tình trạng suy nghĩ quá nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây ra nhiều vấn đề về thể chất. Những người thường xuyên overthinking có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như rối loạn lo âu và trầm cảm do cảm giác bất lực, thất vọng và căng thẳng kéo dài. Điều này dẫn đến việc giảm hiệu suất làm việc và học tập, khó ngủ, suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập như đi bộ, chạy bộ, yoga, rất có lợi cho những người hay suy nghĩ quá nhiều. Ngoài ra, việc tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý cũng là một giải pháp hiệu quả. Các chuyên gia sẽ cung cấp những phương pháp và kỹ năng cần thiết để giúp chúng ta quản lý cảm xúc và suy nghĩ một cách lành mạnh hơn.

Để vượt qua tình trạng suy nghĩ quá nhiều, chuyên gia tâm lý Đào Thuý Hoàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích nghi với cuộc sống hiện tại. Mỗi người cần học cách cân bằng các mục tiêu, chấp nhận thử thách và rèn luyện tư duy tích cực. Bên cạnh đó, việc chăm sóc bản thân thông qua các hoạt động như tập thể dục, ngủ đủ giấc và tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý cũng rất quan trọng.

Chuyên gia chia sẻ: "Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập như đi bộ, chạy bộ, yoga, rất có lợi cho những người hay suy nghĩ quá nhiều. Ngoài ra, việc tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý cũng là một giải pháp hiệu quả. Các chuyên gia sẽ cung cấp những phương pháp và kỹ năng cần thiết để giúp chúng ta quản lý cảm xúc và suy nghĩ một cách lành mạnh hơn”.

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn chia sẻ 6 phương pháp hiệu quả để giảm thiểu và quản lý tình trạng overthinking trong cuộc sống hàng ngày của giới trẻ:

1. Thực hành thiền và yoga: Giúp giảm căng thẳng và tăng cường khả năng tập trung.

2. Viết nhật ký: Ghi lại suy nghĩ giúp giải tỏa tâm trí và dễ dàng phân tích vấn đề hơn.

3. Tham gia hoạt động thể thao: Tập luyện thể thao giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

4. Học kỹ năng quản lý thời gian: Giúp sắp xếp công việc hợp lý và giảm cảm giác bị áp lực.

5. Tìm kiếm hỗ trợ từ chuyên gia: Nếu cảm thấy khó khăn, nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

6. Thiết lập giới hạn cho việc sử dụng mạng xã hội: Giảm thời gian dành cho mạng xã hội để tránh áp lực so sánh và tăng cường kết nối thực tế.

Ảnh: NVCC

MỚI - NÓNG
Hành trình gắn kết cộng đồng và lan tỏa tinh thần thể thao
Hành trình gắn kết cộng đồng và lan tỏa tinh thần thể thao
SVVN - Chiều 14/12, tại Bắc Giang, đã diễn ra Lễ Bế mạc Sports Hub và Tổng kết Giải bóng đá Thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2024, đánh dấu một năm hợp tác giữa T.Ư Đoàn và Sabeco. Chương trình không chỉ tôn vinh các thành tựu đạt được mà còn khẳng định cam kết lâu dài của các bên trong việc thúc đẩy phong trào thể thao, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

'Bùa yêu' rao bán tràn lan trên mạng xã hội

'Bùa yêu' rao bán tràn lan trên mạng xã hội

SVVN - Các loại “bùa yêu” đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với giá dao động từ 250.000 đến 500.000 đồng. Những lời quảng cáo như “giúp níu kéo tình yêu”, “đảm bảo đối phương nghe lời răm rắp” hoặc “hàn gắn mọi mâu thuẫn tình cảm” được các tài khoản tự xưng là “thầy bùa” tung hô. Tuy nhiên, ẩn sau những lời mời gọi hấp dẫn ấy là những chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Hành trình trở về quê hương và khởi nghiệp từ hoa cẩm cù

Hành trình trở về quê hương và khởi nghiệp từ hoa cẩm cù

SVVN - Sau nhiều năm sống và làm việc nơi đất khách, Đỗ Văn Phúc (sinh năm 1991) – quyết định trở về quê hương Bình Phước, với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất cha ông để lại. Hành trình này không chỉ là bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh mà còn là câu chuyện truyền cảm hứng về ý chí vươn lên và sự gắn bó với quê nhà.
Hành trình chinh phục Lùng Cúng: Sức hút mới với sinh viên và người trẻ

Hành trình chinh phục Lùng Cúng: Sức hút mới với sinh viên và người trẻ

SVVN - Đỉnh Lùng Cúng, với độ cao 2.913m, nằm sừng sững giữa vùng núi Mù Cang Chải (Yên Bái), đang trở thành điểm trekking hấp dẫn trong cộng đồng sinh viên và các bạn trẻ yêu thích khám phá thiên nhiên. Không chỉ là một hành trình chinh phục, cung đường này còn mang lại những trải nghiệm đậm chất phiêu lưu, giúp người tham gia thoát khỏi nhịp sống hối hả để hòa mình vào vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.
'Tín chỉ Carbon Việt Nam': Sáng tạo xanh từ nhóm cựu sinh viên trẻ

'Tín chỉ Carbon Việt Nam': Sáng tạo xanh từ nhóm cựu sinh viên trẻ

SVVN - Xuất phát từ tình yêu với môi trường và mong muốn đóng góp cho xã hội, một nhóm cựu sinh viên trẻ đã chung tay phát triển dự án 'Tín chỉ Carbon Việt Nam'. Không chỉ giàu nhiệt huyết, nhóm còn thể hiện tư duy sáng tạo và nền tảng kiến thức vững vàng để hiện thực hóa giải pháp đo đạc, tính toán trữ lượng carbon bằng công nghệ hiện đại.
Sinh viên trường Đại Nam hào hứng với Trường học hay Trường đời

Sinh viên trường Đại Nam hào hứng với Trường học hay Trường đời

SVVN - Ngày 5/12, toạ đàm "Sinh viên trước ngưỡng cửa tự lập" thuộc chuỗi chương trình hướng nghiệp "Trường học hay Trường đời'" do Báo Tiền Phong phối hợp tổ chức cùng Hệ thống Đào tạo Thiết kế, Kỹ xảo 3D & Game - Arena Multimedia và Trường Đại học Đại Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với giảng viên và sinh viên Nhà trường. Thành công đó xuất phát từ sự hào hứng, say mê học hỏi và tinh thần nồng nhiệt của các bạn sinh viên.