Nhiều lần xin ý kiến về dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội
Dự và chủ trì Hội nghị, có anh Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam; chị Hồ Hồng Nguyên - Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam; ngoài ra, còn có đại diện các trường đại học, sở, ban, ngành tại TP. HCM.
Phát biểu tại Hội nghị, anh Nguyễn Minh Triết – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam đã tiến hành 2 cuộc khảo sát, nghiên cứu và lấy ý kiến sinh viên trên diện rộng, gồm Đề tài nghiên cứu “Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay” và Chương trình khảo sát trực tuyến “Hiến kế sinh viên”.
Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết phát biểu mở đầu Hội nghị. |
Chị Hồ Hồng Nguyên, Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam báo cáo kết quả khảo sát, nghiên cứu Xã hội học của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam. |
Theo anh Nguyễn Minh Triết, đến nay, quá trình lấy kiến, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI đã trải qua 10 lần xin ý kiến tại các Hội nghị Ban Thư ký, Ban Chấp hành T.Ư Hội khóa X, Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng; xin ý kiến Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Tiểu ban Nội dung Đại hội Hội Sinh viên toàn quốc lần thứ XI, Hội nghị lấy ý kiến góp ý tại 3 miền (Bắc, Trung Nam), Hội nghị lấy ý kiến sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, sinh viên Việt Nam tiêu biểu các thời kỳ và lấy ý kiến các phóng viên, báo chí truyền hình. Đồng thời, dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã gửi xin ý kiến rộng rãi của các đại biểu dự Đại hội Hội Sinh viên các cấp tại cơ sở...
Quang cảnh Hội nghị. |
Đặt sinh viên làm chủ thể, phát huy lực lượng ‘tinh hoa’
Là đại biểu tham góp ý kiến đầu tiên tại Hội nghị, bà Lượng Thị Tới, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, Sở LĐ-TB-XH TP. HCM cho biết, trong thời gian qua, lực lượng du học sinh của Việt Nam đến các nước trên thế giới học tập, nghiên cứu rất đông. Theo bà Tới, đây là lực lượng có tri thức cao nên T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cần có phương thức để có thể kéo lực lượng “tinh hoa” này quay về Việt Nam làm việc để phát triển đất nước. “Tuy nhiên, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cần có những liên kết chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để thực hiện vấn đề này một cách đồng bộ, đạt hiệu quả cao", bà Lượng Thị Tới nêu vấn đề.
Với vai trò điều hành doanh nghiệp, ông Giang Ngọc Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP. HCM) cho biết, ông và công ty luôn xem sinh viên là lực lượng dồi dào, có tiềm năng, trình độ và hàm lượng tri thức cao để đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước. Vì vậy, theo ông Phương, trong văn kiện hướng đến Đại hội lần này, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phải xác định sinh viên là trọng tâm, là chủ thể để tổ chức các hoạt động phù hợp. “Hội cần phải đóng vai trò dìu dắt, định hướng, hỗ trợ sinh viên phát triển tốt hơn trong học tập, sáng tạo, khởi nghiệp", ông Phương nêu vấn đề.
Hỗ trợ sinh viên trở thành công dân toàn cầu
Anh Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM cho rằng, Hội Sinh viên cần có những chương trình để nhìn lại quá trình trưởng thành, nhìn lại những cống hiến cho xã hội, cho doanh nghiệp của các lứa “Sinh viên 5 tốt” trước đây, qua đó có những số liệu, thống kê cụ thể để thể hiện rõ nhất vai trò của danh hiệu này đối với xã hội, đất nước.
Dưới góc độ là lãnh đạo nhà trường, TS Huỳnh Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TP. HCM cho rằng, nên nhìn nhận, đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp, xã hội về việc thực hiện phong trào “Sinh viên 5 tốt” suốt 14 năm qua đã đạt kết quả như thế nào, tác động xã hội ra sao và các bạn "Sinh viên 5 tốt" tới nay đã làm gì, đã đóng góp gì cho xã hội cũng như doanh nghiệp?
TS Huỳnh Ngọc Anh chia sẻ tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) cho rằng, thế hệ sinh viên hiện nay sở hữu ưu thế về ngoại ngữ, công nghệ và được trang bị đầy đủ kĩ năng để đáp ứng xu thế hội nhập. “Là một tổ chức của sinh viên, cần phải hiểu rõ những thế mạnh, mong muốn của giới trẻ, đồng thời phải nhìn thấy được các bạn cần điều gì để có thể thiết kế ra những chương trình có sức chạm, hỗ trợ một cách thiết thực và có sự tham gia của các bạn”, PGS. TS Nguyễn Đức Lộc nói.
PGS. TS Nguyễn Đức Lộc phát biểu tại Hội nghị. |
Tại buổi góp ý, các đại biểu còn cho ý kiến về các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ và các chương trình hỗ trợ sinh viên. Đại diện T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, anh Nguyễn Minh Triết khẳng định, T.Ư Hội sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, qua đó có những nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Dự thảo để báo cáo trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, anh Nguyễn Minh Triết cho biết, việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI lần này đã được tiến hành bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.
Các đại biểu cùng chụp hình lưu niệm tại Hội nghị. |
Theo anh Triết, điểm mới trong phương hướng nhiệm kỳ XI là việc bổ sung thành tố "đồng hành" vào chương trình "Tư vấn, đồng hành, hỗ trợ sinh viên", đồng thời bổ sung 4 đề án "Chuyển đổi số các hoạt động Hội Sinh viên Việt Nam", "Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp", "Nâng cao năng lực cán bộ Hội Sinh viên Việt Nam" và "Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên".