Theo báo cáo của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, chương trình Tiếp sức mùa thi năm nay được triển khai khắp cả nước với 344 đội hình tình nguyện cấp tỉnh, 2.548 đội hình cấp cơ sở. Hơn 55.000 tình nguyện viên đã tham gia hỗ trợ thí sinh và người nhà tại gần 2.000 điểm thi, trong đó có hơn 53.000 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngay trong kỳ thi, các tình nguyện viên túc trực tại các điểm thi để cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ ứng phó các tình huống khẩn cấp, cung cấp các suất ăn, nước uống miễn phí cho thí sinh và người nhà...
Có 04 đơn vị được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Ngoài những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, chia sẻ cách thức và những kinh nghiệm tiếp sức rút ra sau nhiều năm đồng hành cùng sĩ tử. Các đại biểu cũng đề xuất cần tập trung khảo sát sớm những học sinh khó khăn, từ trước kỳ thi đến nhà thăm hỏi, tặng quà kèm theo lịch thi để cả gia đình thí sinh chủ động hơn. Việc tiếp sức đúng đối tượng cũng cần được các địa phương chú trọng, như thí sinh miền núi thì tập trung hỗ trợ cơm nước, chỗ nghỉ ngơi; thí sinh khuyết tật sẽ được giúp đỡ di chuyển... không hỗ trợ tràn lan, đánh đồng.
Hơn 50 nghìn thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Chương trình “Tiếp sức mùa thi” là hoạt động do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Thanh niên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, góp phần đảm bảo cho kỳ thi diễn ra một cách an toàn, thuận lợi, tạo tâm lý tốt cho thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi.
Tại hội nghị, anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, đánh giá cao việc các địa phương đã điều chỉnh cách tiếp sức để thiết thực hơn. Các mô hình nấu cơm tại chỗ, bố trí chỗ ở, ôn thi, hỗ trợ thí sinh nghèo, khuyết tật... được xã hội ghi nhận.
Anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch TƯ Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Bên cạnh đó, Hội Sinh viên các cấp cần phải lưu ý một số điểm như: “Trước khi triển khai tiếp sức cần phải khảo sát kỹ càng nhu cầu từng điểm thi, không nhất thiết cứ có điểm thi là có tình nguyện viên, chỗ nào thật sự cần thiết mới bố trí. Một số hoạt động như cung cấp bản đồ cũng nên bỏ, vì thí sinh thi tại trường, trong địa phương; hay dàn hàng hai, hàng ba trước cổng trường cũng không cần thiết”, anh Bùi Quang Huy nói.
Mặt khác, Hội Sinh viên các cấp cần triển khai rộng khắp kênh tiếp nhận thông tin nhu cầu thí sinh qua website, đường dây nóng; các quận, huyện Đoàn phối hợp chặt chẽ với trường học để tiếp sức. Riêng tình nguyện viên phải được tập huấn kỹ để có thể tiếp sức cho thí sinh một cách tốt nhất.
Dịp này, Ban tổ chức đã khen thưởng 20 đơn vị có nhiều nỗ lực và thành tích xuất sắc trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2019, trong đó, 04 đơn vị nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 07 đơn vị nhận bằng khen của Trung ương Đoàn và 09 đơn vị được nhận bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.