Kỳ thi được tổ chức thường kỳ 2 năm một lần. Năm 2023, cuộc thi diễn ra đồng loạt tại 3 khu vực Bắc – Trung – Nam. Tham dự vòng thi khu vực phía Nam có 17 trường đại học, với 495 thí sinh.
Các thí sinh phải trải qua 7 môn thi truyền thống theo hình thức tự luận gồm: Cơ học kỹ thuật, Cơ học kết cấu, Sức bền vật liệu, Thủy lực, Cơ học đất, Chi tiết máy, Nguyên lý máy và 5 môn ứng dụng tin học trong cơ học gồm: Ứng dụng Tin học cơ học kỹ thuật, Ứng dụng Tin học chi tiết máy, Ứng dụng Tin học nguyên lý máy, Ứng dụng Tin học sức bền vật liệu, Ứng dụng Tin học cơ kết cấu.
Các thí sinh tham gia kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 33 khu vực phía Nam. (Ảnh: ĐHSPKTVL) |
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, PGS. TS Nguyễn Hữu Lộc, Ủy viên Thường trực Hội Cơ học Việt Nam, Phó Trưởng Ban cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 33 chia sẻ: “Cuộc thi cũng dịp để giảng viên giảng dạy các môn Cơ học có dịp trao đổi kinh nghiệm, thống nhất nội dung giảng dạy, tài liệu, giáo trình. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực và phương pháp giảng dạy cho giảng viên, định hướng nghiên cứu. Đồng thời, thông qua cuộc thi sẽ phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ, ứng dụng nhanh khoa học vào thực tiễn, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc được tổ chức thường niên từ năm 1989 đến nay, tạo môi trường hứng khởi, đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu các môn cơ học của sinh viên các trường đại học, học viện. Cuộc thi là sân chơi khoa học đậm chất trí tuệ cho các sinh viên, giúp sinh viên có cơ hội cọ xát, kiểm tra kiến thức, năng lực bản thân mình, bên cạnh đó mang đến cho giảng viên môi trường giao lưu, trao đổi trong học thuật và nghiên cứu khoa học.