Nhân dịp này, anh Bùi Quang Huy trao đổi với Báo Sinh viên Việt Nam về vấn đề tổ chức kết nối, tìm kiếm giới thiệu việc làm cho sinh viên trong nhiệm kỳ tới.
Theo Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, trong nhiệm kỳ tới, Hội dự kiến sẽ giới thiệu việc làm cho 1 triệu sinh viên, trong đó ít nhất 50.000 sinh viên được giới thiệu việc làm ổn định. T.Ư Hội có biện pháp gì để đạt được chỉ tiêu này?
Trong bối cảnh hiện nay, tìm được việc làm phù hợp với ngành học, năng lực, sở trường, sở thích đang là mối quan tâm hàng đầu của sinh viên. Đại hội đề ra chỉ tiêu giới thiệu việc làm cho 1 triệu sinh viên, trong đó ít nhất 50.000 sinh viên được giới thiệu việc làm ổn định trong nhiệm kỳ. Đây là vấn đề rất lớn và khó, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp bộ Hội. Để làm được điều này, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của tổ chức Hội, trước hết đòi hỏi sinh viên phải tích cực học tập, rèn luyện các kỹ năng nhất là ngoại ngữ để đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu ngày càng cao, đa dạng của thị trường lao động.
Anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam khoá X.
Thời gian tới, các cấp bộ Hội sẽ triển khai nhiều giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Trước hết phải là việc thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu việc làm của sinh viên; cung cấp thông tin thị trường lao động và dự báo nhu cầu nhân lực cho sinh viên thông qua “Cổng thông tin việc làm”, “Cẩm nang nghề nghiệp” và tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng làm việc. Các hoạt động “Ngày hội việc làm”, “Ngày tuyển dụng”, “Tọa đàm sinh viên và nhà tuyển dụng”, “Học kỳ doanh nghiệp”… sẽ được đổi mới trong phương thức tổ chức để thu hút đông hơn các bạn sinh viên, các nhà tuyển dụng đến với ngày hội và tìm kiếm được nhiều hơn cơ hội có việc làm.
Thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động câu lạc bộ “Nguồn nhân lực” trong các nhà trường cũng là một giải pháp quan trọng. Đặc biệt việc xác định riêng 1 giải pháp trong việc triển khai phong trào Sinh viên 5 tốt sẽ thúc đẩy các cấp bộ Hội triển khai mạnh mẽ việc kết nối với các doanh nghiệp giới thiệu giá trị danh hiệu sinh viên 5 tốt đồng thời giới thiệu cho doanh nghiệp những sản phẩm nhân lực chất lượng cao của phong trào.
Cùng với đó là các giải pháp xây dựng tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên như: triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên; tổ chức các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên”; xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền, bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm khởi nghiệp; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, giao lưu, khóa đào tạo… Đặc biệt, chúng tôi sẽ phối hợp với Hội doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp hỗ trợ nguồn vốn, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các ý tưởng trong thực tiễn.
Công tác kết nối, phát huy “Sinh viên 5 tốt” hiện vẫn còn là một trong những hạn chế của phong trào? Làm thế nào để “Sinh viên 5 tốt” và các doanh nghiệp, cũng như xã hội có thể “gặp được nhau”?
Để làm được điều này, trước hết cần phải làm tốt công tác tuyền thông giới thiệu, tuyên truyền phong trào, giá trị danh hiệu và các tấm gương “Sinh viên 5 tốt”, cựu sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” thành đạt tới sinh viên, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường, các ngành có liên quan và các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động thông qua nhiều hình thức truyên truyền, đặc biệt là mạng xã hội.
Tiêu chí để xét sinh viên 5 tốt phải tiệm cận, tương thích và thích ứng với yêu cầu của nhà tuyển dụng, của thị trường lao động. Vì vậy, phải xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí cho phù hợp theo hướng này. Công tác xét chọn phải thật sự khách quan, công tâm, chặt chẽ, đảm bảo các tiêu chí đề ra để lựa chọn được những sinh viên 5 tốt thật sự tiêu biểu trong sinh viên. Đó chính là “thương hiệu”, là “cam kết” với nhà tuyển dụng về chất lượng của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”.
Chủ tich Hội SVVN trao đổi với các đại biểu bên lề Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam khoá X
Việc thực hiện các hoạt động kết nối “Sinh viên 5 tốt” với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là rất quan trọng. Kết nối để các bạn sinh viên 5 tốt được kiến tập, thực tập, hỗ trợ học bổng từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tiến tới tạo đầu ra chất lượng cho các sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Hội Sinh viên các cấp, nhất là ở các trường phải có kế hoạch cụ thể, phải tìm được địa chỉ và chủ động liên hệ, kết nối với doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp để cung cấp thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên.
Thực tiễn cho thấy, hơn 300 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương và hàng chục nghìn “Sinh viên 5 tốt” các cấp giai đoạn 2013 – 3018 đã khẳng định được giá trị của danh hiệu với xã hội và doanh nghiệp. Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” các cấp đã dần được các cấp ủy, đảng, chính quyền quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ, phát huy. Tháng 11/2018 Trung ương Hội tổ chức gặp gỡ một số gương “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương trong nhiệm kỳ cũng là một giải pháp hiệu quả để phát huy cộng đồng Sinh viên 5 tốt đồng thời khẳng định với xã hội giá trị của phong trào thông qua các tâm gương “Sinh viên 5 tốt” thành công. Qua gặp gỡ này cho thấy, tất cả các sinh viên đạt danh hiệu sau khi tốt nghiệp đều có sự trưởng thành, phát triển tốt trong công việc.
Xin cảm ơn anh!