Giới trẻ và sứ mệnh bảo tồn văn hóa
Dự án có sự hỗ trợ cố vấn chuyên môn của Hội quán Các bà mẹ, Nhà xuất bản Phụ nữ, CLB Di sản Áo dài Việt nam và đặc biệt có sự vấn từ Trung tâm UNESCO Văn hoá ẩm thực Việt Nam.
Khi nhắc đến trách nhiệm bảo tồn di sản, không ít người vẫn nghĩ đây là việc làm của các tổ chức lớn hoặc những thế hệ đi trước. Thế nhưng, theo nghệ nhân ẩm thực - Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh - Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, giới trẻ mới là lực lượng quan trọng nhất để bảo tồn di sản.
Nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh (giữa) chia sẻ về những giá trị văn hoá của áo dài trong lịch sử Việt Nam thông qua hình ảnh Hoàng hậu Nam Phương. (Ảnh: Lan Anh) |
Bà chia sẻ: “UNESCO luôn đồng hành cùng các bạn trẻ trong bảo tồn văn hóa, bởi giới trẻ là những người năng động, sáng tạo và không ngại tiếp thu các giá trị văn hóa từ xưa đến nay”. Với quan điểm này, UNESCO đã và đang đẩy mạnh nhiều dự án, hoạt động để hỗ trợ, khuyến khích giới trẻ trở thành những người kế thừa, phát triển văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là cách tiếp cận. Thay vì truyền đạt các giá trị di sản qua các phương thức truyền thống, UNESCO tạo ra các trải nghiệm gần gũi hơn, nơi giới trẻ có thể tự khám phá và tìm hiểu. Đây cũng là lý do mà “Tầm Phương” - dự án về văn hóa do các sinh viên tổ chức trở thành một hoạt động mang tính lan tỏa mạnh mẽ và hiệu quả.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thuý (áo xanh) ví những bộ áo dài “như tấm căn cước cho thấy mình là người Việt Nam”. (Ảnh: Lan Anh) |
Hành trình tiếp cận văn hóa qua lăng kính trẻ
Dự án “Tầm Phương” gồm ba hoạt động chính: Triển lãm áo dài “Lụa là muôn thuở”, buổi nói chuyện về Nam Phương Hoàng hậu và trải nghiệm ẩm thực truyền thống. Nhóm sinh viên cho biết, các bạn không chỉ muốn giới thiệu nét đẹp của áo dài, món ăn truyền thống mà còn muốn truyền tải câu chuyện lịch sử và giá trị cốt lõi đằng sau từng hoạt động văn hóa này.
Nguyễn Hữu Trường (trưởng Ban tổ chức dự án) cho biết: “Ba bên đã phối hợp lại với nhau để dạy cho tụi mình củng cố các kiến thức để tụi mình phát triển đi đúng hướng tụi mình mong muốn. Người trẻ tụi mình không thể tiếp cận kiến thức một cách trọn vẹn mà cần phải có những người có kinh nghiệm, có chia sẻ từ thế hệ đi trước”.
Chiếc áo dài màu nâu, hơn 100 năm tuổi của cô Nguyễn Thị Thanh Thuý. (Ảnh: Lan Anh) |
Các bạn trẻ thích thú khi được mặc thử chiếc áo dài đặc biệt này. (Ảnh: Lan Anh) |
Sự kiện không chỉ mang tính giáo dục mà còn tạo cơ hội cho sinh viên khám phá và trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể như áo dài, nón sen, guốc mộc và ẩm thực truyền thống, giúp các bạn trẻ cảm nhận sâu sắc hơn giá trị lịch sử quý báu này.
Bảo tồn di sản không chỉ là gìn giữ
Một trong những câu hỏi lớn đối với các dự án bảo tồn văn hóa là làm sao để văn hóa không chỉ được giữ lại mà còn phù hợp với nhịp sống hiện đại. Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy - đồng tác giả sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại khẳng định: “Chính những người trẻ sẽ tiếp nối công việc gìn giữ và phát triển di sản. Không chỉ là một bộ áo dài, mà là cả làng nghề, truyền thống của ông cha”. Theo cô, gìn giữ di sản không chỉ đơn thuần là việc bảo tồn một cách nguyên bản mà còn có thể cải biến phù hợp với xu hướng và đi vào cuộc sống.
Đây là một hoạt động giáo dục vô cùng ý nghĩa đối với sinh viên Việt Nam. (Ảnh: Lan Anh) |
Nhiều bạn trẻ hiện nay cũng thích tìm hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống và các giá trị lịch sử Việt Nam. Chính các dự án như “Tầm Phương” đã tạo ra cơ hội cho người trẻ tìm hiểu. Nguyễn Hoàng Yến Nhi (sinh viên tham gia sự kiện) chia sẻ: “Dự án giúp mình có được góc nhìn cũng như sự tự hào về văn hóa dân tộc, đâu đó mình cũng sẽ là người tiếp nối phát triển những sự kiện văn hoá như vậy”.
“Sự tham gia tích cực của giới trẻ trong các hoạt động liên quan tới văn hoá truyền thống là một tín hiệu đáng mừng trong công cuộc bảo tồn. Không dừng lại ở việc ghi nhận, giới trẻ sẽ là lực lượng tiếp nối, lan tỏa những giá trị di sản văn hóa bằng tư duy hiện đại, linh hoạt”, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy nhận định.
Theo nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh, các tổ chức như UNESCO và cá nhân cần đóng vai trò như người truyền cảm hứng, tạo cơ hội cho giới trẻ được tham gia các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu văn hóa: "Khi tiếp cận với các giá trị văn hóa qua hoạt động thực tiễn, các bạn trẻ không chỉ học hỏi mà còn có thể hình thành những ý tưởng sáng tạo để phát huy văn hóa Việt".